Những yếu tố đang ủng hộ cho sự đi lên của thị trường chứng khoán
SSI cho rằng nhịp điều chỉnh vừa qua đã đưa nền giá về mức phải chăng hơn và các nhịp biến động ngắn hạn sắp tới chính là cơ hội hấp dẫn mua vào tích lũy để chuẩn bị cho chu kỳ thị trường đi lên trở lại.
Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán vừa cập nhật, SSI cho biết, với mức giá đóng cửa 1.128,58 điểm vào ngày 6/10, VN-Index đã mất 116,9 điểm, tương đương 9,3% từ mức đỉnh ngắn hạn 1.245,5 điểm vào ngày 6/9 (theo giá đóng cửa). Sau nhịp điều chỉnh mạnh này, xu hướng thị trường chuyển sang giảm ngắn hạn.
Bước qua tháng 10, đà giảm đã suy yếu khi VN-Index tiệm cận vùng vùng hỗ trợ trung hạn 1.100 -1.110 và đang trong trạng thái tìm vùng cân bằng ổn định. Các chỉ báo kỹ thuật như RSI và ADX duy trì ở vùng trung tính của khung thời gian trung hạn cho thấy thị trường vẫn chưa có xu hướng rõ ràng và nghiêng nhiều hơn về trạng thái tích lũy.
“Như vậy, trong khoảng thời gian tháng 10, khả năng thị trường sẽ vận động với biên độ thu hẹp, tích lũy dần trên vùng hỗ trợ trung hạn 1.100 -1.110 của VN-Index với biên độ dao động kỳ vọng trong khoảng 1.100-1.190 điểm”, SSI nhận định.
Thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh nhưng theo quan điểm của SSI, đây vẫn là nhịp điều tiết lành mạnh trong chu kỳ đi lên từ đầu quý 2/2023. Biến động của tỷ giá, áp lực của lạm phát và đà phục hồi chậm lại của nền kinh tế là những rủi ro chưa thể loại trừ, tuy nhiên đây cũng chính là các lý do mà tiềm năng tăng giá của chứng khoán Việt Nam vẫn còn trong trung và dài hạn.
Định giá tốt hơn: P/E ước tính cho năm 2023 đang ở mức 11,3 lần, đã giảm 10% so với mức 12,3 lần thiết lập tại đỉnh ngắn hạn của VN-Index. Mức định giá này thấp hơn đáng kể mức 14 lần của trung bình 5 năm và chỉ bị xuyên phá khi thị trường diễn ra các sự kiện “thiên nga đen” như Covid-19 (đầu năm 2020) và đợt bùng nổ rủi ro thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (quý 2 và quý 3 năm 2022).
Mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục tạo lợi thế cho kênh chứng khoán: Chênh lệch giữa lợi suất đầu tư qua kênh chứng khoán và kênh lãi suất tiền gửi được mở rộng sẽ giúp duy trì dòng tiền và ủng hộ cho sự đi lên của thị trường. Dù có độ trễ so với lãi suất tiền gửi, xu hướng giảm của lãi suất cho vay cũng sẽ dần được xác lập, đi kèm với Thông tư số 10/2023/TT-NHNN giúp tiếp tục tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế và tạo bệ đỡ tăng trưởng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chính sách tài khóa: Khi dư địa tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ không còn nhiều, sự quan tâm của thị trường có thể chuyển sang chính sách tài khóa với động lực tăng trưởng đến từ đẩy mạnh đầu tư công và các chính sách hỗ trợ tiêu dùng từ Chính phủ.
Lợi nhuận nhóm ngành nào sẽ phục hồi?
Tháng 10 là mùa cao điểm công bố kết quả quý 3 của doanh nghiệp niêm yết. Theo SSI mùa báo cáo này sẽ thu hút nhiều sự quan tâm bởi là quý bản lề để đánh giá tốc độ hồi phục của lợi nhuận trong bối cảnh GDP quý 3 phục hồi yếu. SSI kỳ vọng tốc độ suy giảm của lợi nhuận sẽ tiếp tục thu hẹp trong quý 3/2023 và lấy lại tăng trưởng từ quý 4/2023, khi áp lực nền so sánh cao giảm rõ rệt.
Một số nhóm ngành mà SSI đánh giá dần có tín hiệu phục hồi gồm: Nhóm tiêu dùng với hầu hết các doanh nghiệp đều kỳ vọng sẽ có quý 3 tăng trưởng so với quý trước; nhóm phân bón theo xu hướng phục hồi của giá ure; nhóm khu công nghiệp cùng tín hiệu tích cực từ dòng vốn FDI; nhóm chứng khoán với thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt trong quý 3; nhóm dệt may và thủy sản với lượng đơn đặt hàng đơn đặt hàng dự kiến sẽ phục hồi trong quý 4.
Riêng nhóm ngân hàng, SSI đánh giá chưa có sự khởi sắc với ước tính lợi nhuận tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm so với quý 2/2023, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm và chất lượng tài sản xấu đi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận