24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Anh Đức
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những sếp doanh nghiệp nổi tiếng 'dính chàm' thao túng chứng khoán

Công ty CP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (mã chứng khoán: API) và Công ty CP đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán: IDJ) - thường được biết đến là “họ APEC”.

Họ APEC

Ngày 28/6, Công an TP. Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 5 bị can về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, trong đó có ông Nguyễn Đỗ Lăng - Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (mã chứng khoán: APS), bà Huỳnh Thị Mai Dung (vợ ông Lăng) và ông Phạm Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị APS.

Những sếp doanh nghiệp nổi tiếng 'dính chàm' thao túng chứng khoán

Nhóm Apec tuyên bố gồng lãi tại đại hội cổ đông.

Đây là những bị can liên quan tới vụ án hình sự xảy ra tại APS, Công ty CP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (mã chứng khoán: API) và Công ty CP đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán: IDJ) - thường được biết đến là “họ APEC” và liên quan tới hệ sinh thái APEC Group. Những cổ phiếu này từng làm mưa làm gió trên thị trường chứng khoán trong năm 2021 với mức tăng lên tới cả chục lần.

Ông Đỗ Thành Nhân

Ngày 9/12/2022, Viện KSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch Công ty CP Chứng khoán Trí Việt (mã chứng khoán: TVB) - về tội thao túng thị trường chứng khoán căn cứ theo quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty CP Louis Holdings (mã chứng khoán: TGG), Công ty CP Louis Capital (mã chứng khoán: TGG), Công ty CP Louis Land (mã chứng khoán: BII), Công ty CP Chứng khoán Trí Việt vào ngày 20/4.

Trước đó, tháng 4/2022, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Louis Holdings, ông Đỗ Đức Nam - Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt… Các bị can đã dùng chiêu để thao túng giá cổ phiếu TGG, BII và các mã chứng khoán khác.

Những sếp doanh nghiệp nổi tiếng 'dính chàm' thao túng chứng khoán

Ông Đỗ Thành Nhân.

Trong năm 2021, dòng Louis với hàng loạt mã tăng trần liên tục và dồn dập các room “phím hàng”. Cổ phiếu TGG của Louis Capital tăng hàng chục lần từ mức 1.200 đồng hồi đầu năm 2021 lên trên 75.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 7/2021 sau khi ông Đỗ Thành Nhân và nhóm cổ đông liên quan đến Louis Holding thâu tóm Công ty Đầu tư và xây dựng Trường Giang rồi đổi tên thành Louis Captial.

Mã BII của Công ty Louis Land từ mức 1.000 đồng hồi tháng 7/2020 tăng vọt lên trên ngưỡng 34.000 đồng/cổ phiếu vào 7/2021. Một mã khác thuộc “họ Louis” là Chứng khoán APG (mã chứng khoán: APG) tăng từ dưới 5.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 7/2020 lên gần 22.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 10/2021.

Ông Trịnh Văn Quyết

Ngày 29/3/2022, Bộ Công an thông tin về việc quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC để điều tra hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Ngày 25/8/2022, Bộ Công an đã khởi tố Trịnh Văn Quyết và các cá nhân có liên quan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Xây dựng FLC Faros và các công ty có liên quan.

Điều tra cho thấy, từ năm 2014 đến năm 2016 bị can Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung còn có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros và khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, đã bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Những sếp doanh nghiệp nổi tiếng 'dính chàm' thao túng chứng khoán

Ông Trịnh Văn Quyết.

Ông Trịnh Văn Quyết sau đó đã chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác do ông Quyết nhờ đứng tên để thu về hơn 6.412 tỷ đồng. “Họ FLC” gồm nhiều mã như FLC, ROS, HAI, AMD, GAS, KLF...

Ngày 23/6, Bộ Công an khởi tố thêm 15 bị can giúp sức Trịnh Văn Quyết “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty CP Chứng khoán BOS, Tập đoàn FLC và các công ty liên quan.

Lĩnh án chung thân

Tháng 5/2020, TAND TP.Hà Nội đã đưa ra phán quyết với các bị cáo trong vụ thao túng chứng khoán xảy ra tại Công ty CP Mỏ và Khoáng sản Miền Trung (mã chứng khoán: MTM). Đây là vụ án đầu tiên TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử về hành vi thao túng giá chứng khoán. HĐXX đã triệu tập 1.065 người bị hại, 107 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, 10 người làm chứng…

Theo cáo trạng, tháng 9/2010, Nguyễn Văn Dĩnh - nguyên Giám đốc Công ty CP Khoáng sản Nari Hamico - đã mua lại hồ sơ pháp lý Công ty MTM do Trần Hữu Tiệp là Chủ tịch Hội đồng quản trị với giá 3 tỷ đồng để sở hữu quyền khai thác mỏ chì kẽm đa kim loại tại Nghệ An.

Những sếp doanh nghiệp nổi tiếng 'dính chàm' thao túng chứng khoán

Các bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ thao túng chứng khoán xảy ra tại Công ty CP Mỏ và Khoáng sản Miền Trung.

Sau đó, ông Dĩnh chỉ đạo em gái và kế toán làm giả hồ sơ cho MTM đủ điều kiện được niêm yết trên sàn chứng khoán dù công ty này không có vốn, không hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong lúc đang chỉ đạo đăng ký niêm yết cổ phiếu MTM thì tháng 5/2015, Nguyễn Văn Dĩnh bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; trốn thuế…

Thấy vậy, tháng 6/2015, Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công đã thỏa thuận với Vũ Thị Hoa (vợ Dĩnh) để nhận hồ sơ pháp lý của MTM. Sau đó, họ tiếp tục làm thủ tục đăng ký giao dịch chứng khoán.

Theo cáo trạng, Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công đã có hành vi gian dối như thay đổi cổ đông, thay đổi nhân sự chủ chốt, nhờ người làm giám đốc nhận ủy quyền giao dịch tài khoản, sở hữu một số cổ phiếu… dùng các tài liệu giả của Công ty MTM đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Bên cạnh đó, họ còn chỉ đạo cấp dưới sử dụng 59 tài khoản giao dịch chứng khoán tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu MTM. Tính đến thời điểm vụ án bị phát hiện vào tháng 6/2016 có 1.156 người đứng tên sở hữu cổ phiếu “ảo” của công ty này.

Với hành vi trên, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Hữu Tiệp tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 14 bị cáo còn lại bị tuyên từ 18 tháng tù đến 12 năm tù về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng giá chứng khoán, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội giả mạo trong công tác. Trong đó có một số bị cáo được tòa cho hưởng án treo.

Phạt tù 4 bị cáo

Năm 2021, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty CP Công nghiệp và Khoáng sản Bình Thuận (mã chứng khoán: KSA).

Trong vụ án này, tòa đã tuyên án phạt 4 bị cáo Phạm Thị Hinh - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị KSA - 18 tháng tù, 3 bị cáo gồm Nguyễn Anh Tuấn, Trần Hồng Ngọc và Nguyễn Trọng Hùng cùng bị phạt 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 30 tháng về cùng tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Những sếp doanh nghiệp nổi tiếng 'dính chàm' thao túng chứng khoán

Các bị cáo trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty CP Công nghiệp và Khoáng sản Bình Thuận.

Theo cáo trạng, Phạm Thị Hinh là Chủ tịch Hội đồng quản trị KSA và là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần chứng khoán VSM. Cuối năm 2015, Phạm Thị Hinh thực hiện tăng vốn điều lệ Công ty KSA bằng cách phát hành thêm 56,05 triệu cổ phiếu mã KSA chào bán ra công chúng và được Ủy ban chứng khoán nhà nước chấp thuận lưu ký trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, sau khi phát hành, giá cổ phiếu KSA giảm mạnh, tính thanh khoản thấp, nên Phạm Thị Hinh nảy sinh ý định lập ra một số tài khoản để thực hiện giao dịch chéo cổ phiếu KSA, nhằm tăng giá cổ phiếu và tăng tính thanh khoản.

Phạm Thị Hinh chỉ đạo Trần Hồng Ngọc là nhân viên Công ty chứng khoán VSM lập ra 69 tài khoản rồi bàn bạc cùng Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Trọng Hùng - nhân viên Công ty Chứng khoán Maritime sử dụng 69 tài khoản liên tục thực hiện mua, bán chứng khoán KSA nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo trên thị trường chứng khoán đối với mã cổ phiếu KSA để thu hút các nhà đầu tư với thủ đoạn như trên.

Trong thời gian từ ngày 11/12/2015 đến ngày 8/7/2016, hành vi của Phạm Thị Hinh cùng đồng phạm đã gây thiệt hại cho 1.496 nhà đầu tư tham gia giao dịch cổ phiếu KSA với tổng thiệt hại hơn 8 tỷ đồng. Ngoài ra, 3 công ty chứng khoán gồm Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng, Công ty CP Chứng khoán Dầu khí cho vay margin đối với các tài khoản do Phạm Thị Hinh, Trần Hồng Ngọc, Nguyễn Anh Tuấn sử dụng giao dịch chéo cũng bị thiệt hại 761 triệu đồng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả