menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Hoàng Sơn

Những rủi ro trên con đường phục hồi kinh tế của Singapore

Theo bài viết trên báo The Straits Times, kinh tế Singapore đang phục hồi từ suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử do đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng vẫn còn nhiều rủi ro rình rập.

Biến thể của virus SARS-CoV-2

Mối đe dọa về một biến thể virus mới, mạnh hơn, đang hiện hữu do phần lớn dân số thế giới chưa được tiêm vaccine. Biến thể Delta đã dẫn đến việc chính phủ siết chặt tạm thời các biện pháp phòng dịch trong năm nay. Nhà kinh tế thuộc tập đoàn UOB Barnabas Gan cho biết, triển vọng kinh tế của Singapore sẽ phụ thuộc vào diễn biến COVID-19. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn có thể gây rủi ro cho sự tăng trưởng toàn diện của Singapore.

Các bộ trưởng tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tuần trước đã cảnh báo rằng sự xuất hiện của các biến thể mới và khả năng tiếp cận vaccine còn thấp ở các nước đang phát triển sẽ đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Thông cáo - được đưa ra sau Hội nghị của G20 diễn ra tại Venice (Italy) - nêu rõ sẽ có khác biệt lớn trong sự phục hồi giữa các quốc gia do tốc độ tiêm chủng khác nhau, và vẫn còn nhiều rủi ro liên quan đến sự lây lan của các biến thể mới.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass ngày 22/7 phát biểu rằng tăng trưởng năm 2021 ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có thể chậm hơn dự đoán trước đó khi nhiều nước trong khu vực này phải vật lộn với số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục, biến thể mới và những hạn chế trong nguồn cung vaccine. Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trừ Trung Quốc, được cho là tăng trưởng 4% trong năm nay, giảm so với 4,4% được dự báo hồi tháng Ba.

Ông Chetan Ahya, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á của Morgan Stanley, lưu ý: "Trong khi số ca nhiễm COVID-19 đang tăng lên, tất cả các chỉ dấu đều cho thấy các vaccine hiện nay vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn bệnh nặng, và quan trọng hơn là hạn chế số ca phải nhập viện". Ông cho rằng năng lực y tế ở các nền kinh tế có tỷ lệ người dân được tiêm phòng tương đối cao không có khả năng bị quá tải, và vì vậy khả năng áp đặt trở lại các biện pháp phong tỏa là rất thấp.

Singapore nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao trên thế giới, với khoảng 70% dân số đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, và có khả năng sẽ duy trì nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan đến COVID-19 trừ phi xuất hiện một biến thể mạnh hơn.

Tuy nhiên, không loại trừ nguy cơ tái bùng phát một làn sóng lây nhiễm mới làm đảo ngược một số thành quả kinh tế của nước này. Hai mối đe dọa tiềm tàng khác đối với sự phục hồi kinh tế là lạm phát và sự giảm sút nhu cầu toàn cầu đối với hàng điện tử - mặt hàng chủ lực xuất khẩu và sản xuất của Singapore.

Yếu tố lạm phát

Khi tăng trưởng lấy được đà thì nguy cơ lạm phát tăng mạnh cũng xuất hiện. Lạm phát cao hơn dự kiến có thể thúc đẩy các ngân hàng trung ương lớn đảo ngược chính sách giảm lãi suất. Các chính sách thắt chặt tiền tệ có thể gây ra sự suy giảm về nhu cầu và các dòng đầu tư toàn cầu.

Rủi ro chính sách tiền tệ ảnh hưởng lớn nhất đối với các nền kinh tế châu Á, trong đó có Singapore, là chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đồng USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu và cũng được sử dụng cho hầu hết các thanh toán thương mại, nên chính sách của Fed có ý nghĩa quan trọng đối với châu Á. Quyết định về chính sách của Mỹ có thể lan tỏa sang châu Á thông qua các liên kết thương mại, và tác động đến điều kiện thanh khoản toàn cầu và dòng vốn nước ngoài.

Những rủi ro trên con đường phục hồi kinh tế của Singapore
Hành khách tại sân bay quốc tế Changi, Singapore, ngày 15/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuần trước, hai thước đo lạm phát lớn của Mỹ - chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất - một lần nữa lại cao hơn so với dự kiến của hầu hết các nhà kinh tế. Xu hướng tăng lạm phát mạnh như vậy cũng đang trở nên phổ biến ở các nền kinh tế tiên tiến khác. Điều này dường như đi ngược lại quan điểm của Fed cho rằng lạm phát chỉ là nhất thời. Nếu Fed thắt chặt chính sách tiền tệ bất ngờ, phản ứng của các thị trường sẽ trở nên hỗn loạn và gây rủi ro cho các dòng chảy thương mại và đầu tư.

Lạm phát ở Singapore cũng đã tăng lên nhưng Ngân hàng trung ương Singapore (MAS) dường như không quá quan ngại về vấn đề này. Nhà kinh tế cấp cao thuộc ngân hàng DBS Irvin Seah lưu ý hiện nay MAS vẫn có thể tiếp tục quan sát tình hình vì đồng SGD vẫn nằm trong biên độ chính sách. Tuy nhiên, theo ông, khi sự phục hồi kinh tế mạnh hơn và áp lực giá bên ngoài gia tăng, không loại trừ khả năng MAS sẽ đưa ra bước đi mang tính phòng ngừa rủi ro lạm phát vào tháng Mười tới.

Nhu cầu hàng điện tử

Tỷ giá cao hơn và xuất khẩu tăng trưởng chậm lại có thể cản trở sự phục hồi kinh tế của Singapore hay ít nhất làm chậm lại tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hiện nay của nước này. Công ty cung cấp thông tin thị trường International Data Corporation and Gartner gần đây công bố dữ liệu vận tải đường biển của mặt hàng máy tính cá nhân trên toàn cầu trong quý II/2021 cho thấy tốc độ tăng trưởng đã giảm đáng kể so với quý I/2021.

Đến nay, xuất khẩu chất bán dẫn và linh kiện điện tử cao cấp khác của Singapore đã và đang tăng trưởng với tốc độ ấn tượng. Với xuất khẩu hàng điện tử tháng Sáu tăng 25,5%, khó có thể dự đoán nguy cơ giảm tốc có thể sớm xảy ra. Tuy nhiên, điện tử là ngành mang tính chu kỳ cao. Những dấu hiệu cho thấy nhu cầu giảm có thể nhanh chóng khiến các nhà sản xuất hàng điện tử cắt giảm sản lượng, và từ đó nhu cầu sử dụng vi mạch và các linh kiện điện tử khác cũng sẽ ít hơn.

Ngoài ra, ngay cả khi nhu cầu vẫn được duy trì, sự thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn trên toàn cầu cũng có thể hạn chế sự gia tăng sản lượng hàng điện tử. Ông Irvin Seah nhận định tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất ở Singapore sẽ điều tiết trong nửa cuối năm 2021. Ông cho rằng tình trạng thiếu chip bán dẫn hiện nay sẽ cản trở tốc độ mở rộng của lĩnh vực điện tử, cho dù nhu cầu toàn cầu đối với các bộ phận và linh kiện điện tử cao cấp vẫn mạnh mẽ.

Nguồn nhân lực

Tương lai của ngành xây dựng của Singapore vẫn còn nhiều yếu tố không chắc chắn. Trong khi Singapore có thể đã kiểm soát sự lây lan dịch COVID-19 trong các khu ký túc của người lao động và dần mở cửa trở lại, thì các nước cung cấp nguồn nhân lực và nguyên vật liệu cho ngành xây dựng nước này lại không làm được như vậy.

Những rủi ro trên con đường phục hồi kinh tế của Singapore
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Ví dụ lệnh kiểm soát đi lại hoàn toàn của Malaysia áp dụng từ ngày 1/6 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất các cấu kiện đúc sẵn được sử dụng trong các dự án xây dựng theo đơn đặt hàng (BTO) của Ban Nhà ở Singapore. Khoảng 60% đến 70% các tòa nhà của BTO được xây dựng sử dụng phương pháp lắp ghép tại chỗ kiểu Lego các khối được đúc sẵn.

Theo ông Ganessaraj Soocelaraj, Giám đốc điều hành của công ty xây dựng Soilbuild, đa số các khối đúc sẵn này được nhập từ Malaysia và nguồn cung đã bị gián đoạn rất lớn. Chính phủ thúc đẩy tiêm chủng và xét nghiệm thường xuyên cho người lao động. Nhưng lĩnh vực xây dựng của Singapore vẫn phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu, cả về nhân lực và nguyên vật liệu, và những nhân tố bên ngoài này nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành của một công ty xây dựng khác, ông Kenneth Loo cho biết, các cấu kiện đúc sẵn hiện tại được đặt làm riêng cho từng dự án. Điều này khiến các nhà thầu khó tìm được nguồn thay thế, đặc biệt là trong thời gian ngắn. Thách thức này xảy ra cùng với việc các biện pháp kiểm soát biên giới được siết chặt đã hạn chế người lao động nước ngoài từ Ấn Độ và Bangladesh kể từ tháng Tư. Ông Loo còn cho biết thêm một chương trình thí điểm đưa người lao động từ Ấn Độ đến các khu vực xây dựng, hàng hải và chế biến đang diễn ra, nhưng số lượng là rất nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu.

Trong khi đó, ông Khoo Sze Boon, Giám đốc quản lý công ty tư vấn bất động sản Turner & Townsend của Singapore, cho rằng trọng tâm trước mắt là cần phải giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực để tháo gỡ cho các dự án còn tồn đọng. Tuy nhiên, cũng cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ngành này để gia tăng năng suất và giảm sự phụ thuộc vào lao động nước ngoài.

Ông Ben Breen, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Quản lý Dự án (Mỹ), đánh giá Singapore đã có lợi thế trong việc tận dụng những kỹ thuật xây dựng đổi mới sáng tạo, nhưng cũng cần đầu tư vào nguồn vốn con người bằng việc không ngừng đào tạo lực lượng lao động nòng cốt của mình, ví dụ như các nhà quản lý dự án./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả