Những rủi ro khi “bóc phốt” đối tác trên mạng xã hội
Tình trạng doanh nghiệp “bóc phốt” doanh nghiệp đối tác khi giữa họ “cơm không lành, canh không ngọt” có vẻ như ngày càng phổ biến. Chuyện bốc phốt đó nhiều khi chỉ để… “xả” cơn tức giận nhưng người trong cuộc có khi chưa lường hết những rủi ro pháp lý mà vì nóng giận đã phạm phải.
Trong những năm gần đây, mạng xã hội một mặt có tác động tích cực lên hoạt động tiếp thị, quảng của doanh nghiệp, nhưng mặt khác nó cũng là kênh xúc tác mạnh các cuộc khủng hoảng truyền thông về thương hiệu. Điều đáng buồn là hành động “bóc phốt” nhiều khi lại do chính đối tác của doanh nghiệp thực hiện.
Và thực trạng phổ biến là khi một trong các bên trong giao dịch có vi phạm (hoặc có thể có dấu hiệu vi phạm) hợp đồng thì bên bị vi phạm sẽ không ngần ngại đưa lên mạng xã hội các thông tin vi phạm, các cam kết giữa các bên, các tin nhắn trao đổi hoặc thậm chí là toàn bộ hợp đồng để cảnh báo, khiêu khích, thể hiện sự bất mãn, hoặc chỉ đơn giản là để “xả” cơn tức giận. Nhưng liệu khi làm như vậy, họ đã lường trước các rủi ro pháp lý và cả rủi ro dưới góc độ đạo đức kinh doanh?
Rủi ro pháp lý
Hiện nay, hầu hết các đối tác kinh doanh đều có những thỏa thuận về việc bảo mật thông tin thông qua các tài liệu như Thỏa thuận bảo mật thông tin (NDA – Non-Disclosure Agreement), các điều khoản cụ thể trong các hợp đồng thương mại, các thỏa thuận kinh tế của mình hoặc dẫn chiếu các quy định chung của pháp luật.
Pháp luật Việt Nam hiện hành có những quy định liên quan nghĩa vụ bảo mật thông tin của các bên trong các giao dịch dân sự, hợp đồng. Nhiều điều khoản đề cập nghĩa vụ bảo mật thông tin như quy định tại điều 387.2 Bộ luật Dân sự 2015 về việc sử dụng thông tin đúng mục đích trong giao kết hợp đồng; nghĩa vụ bảo mật thông tin trong hợp đồng cung ứng dịch vụ quy định tại điều 517.5 Bộ luật Dân sự 2015 và điều 78.4 Luật Thương mại 2005; những quy định chung về nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của các bên khi giao kết và thực hiện hợp đồng trong các lĩnh vực khác.
Đồng thời, việc tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu được xác định là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm theo quy định tại điều 45.1.(b) Luật Cạnh tranh 2018, chưa kể nếu làm lộ thông tin thuộc bí mật kinh doanh (đối tượng quyền sở hữu trí tuệ) của bên còn lại thì còn vi phạm các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Do đó, khi một trong các bên tiết lộ các thông tin về hợp đồng, về những trao đổi trong quá trình giao dịch giữa các bên hoặc hành vi vi phạm của một bên mà không được sự đồng ý của bên còn lại, thì có thể bị xem là hành vi vi phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin. Và như vậy, từ vị trí là bên bị vi phạm, họ cũng lại có thể trở thành bên vi phạm và sẽ phải chịu các chế tài, hình thức xử lý tương ứng như được quy định trong hợp đồng (nếu có) và theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp cần lưu ý trong trường hợp lợi dụng mạng xã hội để tiết lộ thông tin nhằm mục đích vu khống, xuyên tạc tổ chức, cá nhân, hoặc sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 10-20 triệu đồng (điều 101.1.(a), điều 102.3.(g) Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
Hoặc nếu có đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội vu khống thì có thể bị truy tố hình sự trong khung hình phạt: phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm (tùy theo mức độ) (điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Bên cạnh đó, bên có hành vi “bóc phốt” làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của doanh nghiệp khác cũng có thể chịu trách nhiệm dân sự tương ứng.
Rủi ro về đạo đức kinh doanh
Các bên trong một giao dịch thường có những lợi ích đối lập nhau nên cũng thường có mâu thuẫn phát sinh trong quá trình hợp tác. Tuy nhiên, nếu cứ xảy ra mâu thuẫn là lại đưa lên mạng xã hội thì điều đó cho thấy họ không tôn trọng đối tác của mình, không thiện chí giải quyết các mâu thuẫn, hành xử thiếu chuyên nghiệp và chỉ làm cho mâu thuẫn thêm nghiêm trọng cũng như phá vỡ các quy tắc đạo đức trong kinh doanh.
Hệ lụy rõ ràng là những người khác nhìn vào và sẽ trở nên e dè, ngại ngần phát triển mối hợp tác với người có cách hành xử nặng cảm tính, thậm chí “bêu riếu” đối tác của họ mỗi khi có mâu thuẫn hay tranh chấp, đặc biệt, các đối tác nước ngoài là những người dễ đánh giá hành vi “bóc phốt” là thiếu văn minh.
Các phương thức giải quyết tranh chấp hiện nay
Thay vì lựa chọn cách hành xử tiềm ẩn nhiều rủi ro vi phạm pháp luật, doanh nghiệp có thể xử lý hành vi vi phạm của đối tác bằng các cách như tự thương lượng, hòa giải, hoặc khởi kiện tại cơ quan có thẩm quyền.
Với các hình thức vừa nêu, trong trường hợp doanh nghiệp của bạn bị đối tác “bóc phốt”, lời khuyên cho bạn là không nên “bóc phốt” ngược lại. Cách khôn ngoan hơn là tìm kiếm sự tư vấn về luật để xử lý khủng hoảng truyền thông và làm cầu nối giải quyết tranh chấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận