24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thái Thủy
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những phép tính kinh tế cho sông Sài Gòn

Ngày 15/05/2022, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng giám đốc các sở ngành, chuyên gia đã lên tàu Sài Gòn Waterbus, tiến hành cuộc khảo sát nhằm có phương án khai thác trước mắt lẫn lâu dài sông Sài Gòn.

Gần 1 năm sau, ngày 18/04/2023, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm đại diện cho phía TPHCM đã dẫn đoàn chuyên gia, doanh nghiệp Pháp lên tàu của Saigon Waterbus tham quan, khảo sát sông Sài Gòn. Buổi khảo sát được Viện Quy hoạch Paris và Ban Quy hoạch - Kiến trúc và Xây dựng đô thị của Pháp (PUCA), cơ quan liên bộ lớn của Pháp chịu trách nhiệm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực xây dựng, trực tiếp hướng dẫn và trao đổi.

Hơn hai tháng sau, vào ngày 25/06 vừa qua, đoàn công tác cấp cao của TPHCM do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đã khảo sát thực địa để học tập kinh nghiệm quy hoạch bờ sông Seine (Pháp) nhằm tiếp nhận, áp dụng phù hợp cho quy hoạch, phát triển bờ sông Sài Gòn.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và doàn công tác TPHCM có gần 4 giờ khảo sát sông Seine. Nguồn: hcmcpv

Quy hoạch phát triển sông Sài Gòn đã được phê duyệt hơn 20 năm về trước. Song tính đến thời điểm này, trong bản quy hoạch gần nhất thì sông Sài Gòn được phân thành ba khu vực, bao gồm: khu vực đầu nguồn (huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, một phần quận Bình Thạnh và TP. Thủ Đức, dài khoảng 60 km, quy hoạch thành khu vực sinh thái, hiện đan xen xây dựng đô thị); khu vực trung tâm (từ cầu Bình Triệu đến cầu Tân Thuận đi qua quận Bình Thạnh phía bờ tây và một phần TP. Thủ Đức, dài khoảng 15 km, với mật độ xây dựng cao chủ yếu công trình); khu vực nam (từ cầu Tân Thuận đến mũi Đèn Đỏ, quận 7 ở bờ phía tây và một phần TP. Thủ Đức bờ phía đông, dài khoảng 6 km, phần lớn là đất trống, cây xanh tự nhiên, quy hoạch thành công viên cây xanh).

Một điểm nhấn của quy hoạch phát triển hai bên bờ sông Sài Gòn đó là hình thành khu bờ Tây với khu vực trung tâm quận 1 và bờ Đông với khu đô thị Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) như là “mặt tiền của mặt tiền” thành phố. Kèm theo đó là các hạng mục thành phần như xây dựng cầu đi bộ nối Thủ Thiêm – quận 1, phát triển hai bến thủy tại Thủ Thiêm, hoàn tất các tuyến đường nối ven sông bán đảo Thủ Thiêm cùng các bờ kè sông khu vực Thủ Thiêm để kích hoạt thương mại dịch vụ, kinh tế đêm tại đây…

Tuy nhiên, thực tế vẫn là sự hiện diện chủ yếu của các công trình xây dựng hai bên bờ sông, trong đó phần lớn là đất dự án, đất giao tư nhân đang “treo”; một phần đã hoàn tất xây dựng, khai thác thì lại rơi vào tình trạng chiếm hữu hành lang sông, đóng kín, như thể thuộc sở hữu tư nhân trong khi đây lại là không gian công cộng thuộc quyền thụ hưởng của cộng đồng.

Vấn đề được đặt ra, làm thế nào để quy hoạch và phát triển hệ bờ sông Sài Gòn phải đảm bảo hội đủ từ diện tích công viên công cộng, không gian cộng đồng cho người dân với các tuyến đi bộ dọc theo bờ sông; các bến thủy để tàu thuyền chở người và du khách du lịch đường sông cho đến phải tạo lập quỹ đất thương mại, dịch vụ để tạo thành các hoạt động nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm, biểu diễn dọc sông; nếu là dự án đất ở, thì mặt tiền sông phải là khu công cộng, hoặc thiết kế để người dân có thể qua lại.

Các tính toán nói trên cũng chính là giải pháp giao thông đường thủy nội đô nhằm giảm áp lực ùn tắc lên giao thông đường bộ. Muốn thực hiện việc này thì thành phố cần sớm phát huy và nhân rộng hiệu quả từ tuyến buýt đường sông (Saigon Water Bus), dựa trên đề xuất của Sở Giao thông vận tải thành phố vào qui hoạch 412 bến thủy nội địa trong giai đoạn năm 2020 - 2030. Mà trước mắt cần nhanh chóng rà soát, cập nhật các quy hoạch bến thủy trên địa bàn thành phố, ưu tiên tính đến những bến thủy khả thi để khai thác cho giai đoạn 2023 - 2025. Kế đến sắp xếp nguồn vốn đề đầu tư (đầu tư công trong hai năm cuối), hoặc thúc đẩy các cơ chế hợp tác công tư, BT, BOT cũng như áp dụng những quy định theo Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó là những “đơn hàng” của kinh tế đêm, kinh tế du lịch trong việc gắn với hoạt động thương mại, dịch vụ, mua sắm, ẩm thực trên sông, hai bên bờ sông. Hiện, thực tế, các hoạt động du thuyền trên sông chỉ mới chủ yếu diễn ra ở khu vực trung tâm quận 1 mà chưa kết nối với các khúc sông đầu nguồn Củ Chi hay khu ngã ba sông Mũi Đèn đỏ, quận 7. Hoạt động du thuyền cũng chỉ đơn thuần ăn uống, còn kết nối với các điểm, hình thức giải trí ở trên bờ để gia tăng sức hút du khách “lên thuyền” vẫn chưa nhiều. Đó là chưa nói đến việc khai thác hành lang sông, hai bên bờ sông thì hầu như chưa có gì đáng kể; mà trước mắt việc chấn chỉnh nạn lấn chiếm, dẹp bỏ hiện tượng xây cất trái phép, bảo vệ hệ bờ sông được xem là nhiệm vụ không được… bất khả thi.

Dù sao, trong nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền thành phố hiện nay khi tăng tốc phát triển hạ tầng giao thông đô thị, kể cả kết nối, mở rộng hệ thống giao thông liên vùng thì những cuộc khảo sát, học hỏi kinh nghiệm từ quy hoạch đến khai thác, phát triển hai bờ sông Sài Gòn cũng mang lại những tín hiệu đáng tin cậy.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả