menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quỳnh Như

Những phép thử mới đối với châu Á 25 năm sau khủng hoảng tài chính

25 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất từng xảy ra trong khu vực, kinh tế châu Á đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Ngày 2/7/1997, Chính phủ Thái Lan quyết định thả nổi đồng baht trước áp lực bán tháo của giới đầu cơ, khiến cho đồng tiền này mất tới 50% giá trị.

Đó cũng là ngày "cơn bão" khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra, “quét” qua một khu vực địa lý rộng lớn từ Indonesia cho tới Hàn Quốc, buộc Quỹ Tiền tệ quốc tế phải ban hành một loạt gói cứu trợ khẩn cấp.

Một phần tư thế kỷ sau, châu Á đang phải đối diện với không ít các thử thách mới. Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên toàn cầu đang “chật vật” hồi phục sau đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Ukraine lại trở thành vật ngáng đường, đẩy giá năng lượng và thực phẩm lên cao.

Trong khi đó, sự thay đổi trong quan điểm chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) từ nới lỏng sang thắt chặt cũng đang khiến cho dòng tiền không ngừng chảy ra khỏi lục địa vàng. Nhiều đồng tiền trong khu vực giảm giá mạnh so với đồng USD, làm gia tăng gánh nặng các khoản nợ bằng đồng bạc xanh.

Sức chống chịu của phần lớn các nền kinh tế châu Á trước khủng hoảng tài chính được cải thiện rõ rệt trong suốt 25 năm qua nhờ vào quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ. Họ trở nên giàu có hơn với một hệ thống tài chính vững mạnh hơn. Ngày càng có nhiều hơn các doanh nghiệp toàn cầu đầu tư vào khu vực này, một phần nhờ vào lực lượng lao động giá rẻ đông đảo, bên cạnh đó là sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu. Quá trình số hóa nền kinh tế cũng góp phần nâng tầm khu vực, và ví dụ tiêu biểu nhất là Trung Quốc, nền kinh tế số 2 thế giới.

Những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính năm đó không còn neo đồng nội tệ của mình vào đồng USD. Số lượng các quốc gia có thặng dư tài khoản vãng lai, sở hữu nguồn dự trữ ngoại tệ ổn định ngày một tăng lên, trái ngược hoàn toàn với trường hợp của Thái Lan trong năm 1997.

Khung hợp tác khu vực nhằm mục đích hỗ trợ lẫn nhau là một “chân kiềng” giúp châu Á đứng vững trước nhiều thách thức. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc tuyên bố Sáng kiến Chiang Mai vào năm 2000, một thỏa thuận hỗ trợ tài chính cho phép các quốc gia thành viên vay ngoại tệ từ các thành viên khác. Bên cạnh đó, 13 quốc gia kể trên cũng cho ra đời Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), một cơ quan giám sát khu vực hoạt động dưới khuôn khổ sáng kiến Chiang Mai.

Koji Sako, Giáo sư tại Trường Đại học Quốc tế Josai, Nhật Bản, nhận định: Dù sự phụ thuộc của khu vực vào đồng USD không có quá nhiều khác biệt so với 25 năm trước, sức chống chọi của nền kinh tế châu Á đã được cải thiện đáng kể.

“Các quốc gia như Thái Lan, Malaysia và Việt Nam sở hữu quá trình công nghiệp hóa ấn tượng trong hơn hai thập kỷ không chỉ dựa vào thế mạnh xuất khẩu. Những quốc gia kể trên còn được hưởng lợi từ vị thế ngày một gia tăng của Trung Quốc”, ông nói.

Sự ổn định không dễ dàng có thể đạt được của châu lục trong hơn hai thập kỷ qua đang đối diện với áp lực không nhỏ từ tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Dấu hiệu khó khăn xuất hiện ngày một nhiều.

Theo dữ liệu của IMF, gánh nặng nợ nần đã xuất hiện tại nhiều quốc gia châu Á trong suốt đại dịch Covid-19. Ví dụ, tại Philippines, tỷ lệ nợ công/GDP tăng từ 37% trong năm 2019 lên 57,5% trong năm 2021.

Các quốc gia nhỏ hơn, vốn phục thuộc vào doanh thu từ du lịch, thường sở hữu tỷ lệ nợ công cao hơn. Nợ công của Maldives tăng từ ngưỡng 78,8% GDP trong năm 2019 lên khoảng 123,4% trong năm ngoái, trong khi nợ công/GDP của Sri Lanka trong cùng giai đoạn tăng lên 107,2%.

Sri Lanka, quốc gia ghi nhận tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai trong nhiều năm, hiện tại đang lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu rộng, gây ra bởi lạm phát phi mã. IMF trong tuần trước đã cử một nhóm công tác tới quốc gia Nam Á này nhằm thảo luận các điều khoản một gói cứu trợ khẩn cấp.

Những phép thử mới đối với châu Á 25 năm sau khủng hoảng tài chính
Nợ công có xu hướng tăng trong đại dịch tại một số quốc gia châu Á. Ảnh: Nikkei Asia.

Bên cạnh vấn đề nợ công trong đại dịch, nhiều quốc gia đang nỗ lực giảm thiểu tác động của lạm phát tới người dân. Tuy nhiên, các hình thức trợ cấp trực tiếp chỉ làm trầm trọng hóa thêm gánh nặng tài chính của các quốc gia kể trên.

“Giải quyết vấn đề nợ công và tư nhân tăng cao trong đại dịch Covid-19” là một trong những nhiệm vụ quan trọng của khu vực, AMRO chỉ ra trong báo cáo mang tên “Trauma to Triumph: Rising from the Ashes of the Asian Financial Crisis” (tạm dịch: Khó khăn tới vinh quang: Sự trỗi dậy từ đống tro tàn Khủng hoảng Tài chính châu Á)

“Khi các nền kinh tế vực hồi phục sau khủng hoảng dịch bệnh, nợ công và tư nhân dự báo sẽ tăng vọt”, báo cáo cảnh báo. “Điều hành kinh tế vĩ mô sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng”.

Trong khi đó, Fed trong tháng 6 đã nâng lãi suất điều hành thêm 0,75%, cao nhất trong 27 năm. Động thái đó kích hoạt làn sóng thoái vốn khỏi nhiều quốc gia châu Á và gánh nặng nợ nần, bằng đồng USD, cũng sẽ tăng lên tại một số nền kinh tế.

Một số ngân hàng trung ương trong khu vực cũng đã bắt đầu quá trình siết chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, quan điểm này có thể đe dọa tới triển vọng tăng trưởng của một số doanh nghiệp phát triển nhanh, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

Môi trường kinh doanh thay đổi cũng là một thách thức mà khu vực đang phải đối mặt, theo Sako. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm gián đoạn các kênh liên kết kinh tế tại Đông Nam Á, ảnh hưởng tới dòng chảy thương mại qua khu vực này. Trong một động thái chiến lược gần đây, Mỹ, cùng 13 quốc gia châu Á khác, thiết lập Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF). Tuy nhiên, Campuchia, Lào và Myanmar không nằm trong nhóm này.

“Sự quan tâm ngày một lớn tới các vấn đề nhân quyền cũng sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu của một số quốc gia châu Á”, Sako nhận định. “Cách tiếp cận thông thường nhằm thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh thương mại tự do có thể bị hạn chế nhiều hơn trong tương lai, gây ảnh hưởng tới cán cân tài khoản vãng lai của các nền kinh tế”, ông nói.

Kinh tế châu Á được dự báo tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên, khu vực cần tiếp tục nỗ lực nhằm cải thiện sức mạnh tài khóa, Hoe Ee Khor, Kinh tế trưởng AMRO, nhận định.

“Các quốc gia cần cải thiện sức chống chịu của nền kinh tế”, ông chia sẻ trong một bài phỏng vấn đăng tải trên website của IMF. “Mỗi cú sốc sẽ có những đặc điểm khác nhau, và nếu một nền kinh tế có sức chống chịu chốt, họ hoàn toàn có thể vượt qua chúng”, ông nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại