Những điểm sáng kinh tế Tp. Hồ Chí Minh - Bài 3: Duy trì thế mạnh công nghiệp
Sản xuất công nghiệp của Tp.Hồ Chí Minh ngày càng mở rộng, các doanh nghiệp công nghiệp có sự gia tăng về sản lượng với nhiều dự án đầu tư mới đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả...
Sản xuất công nghiệp của Tp.Hồ Chí Minh ngày càng mở rộng, các doanh nghiệp công nghiệp có sự gia tăng về sản lượng với nhiều dự án đầu tư mới đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả góp phần tăng chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố qua từng quý
Song song đó, các doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển thị trường, đổi mới máy móc thiết bị để nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm nhờ những giải pháp của thành phố hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, lao động, khoa học công nghệ, tháo gỡ kịp thời khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường của doanh nghiệp.
*Khuyến khích sản xuất công nghiệp
Theo UBND Tp.Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố năm 2019 ước tăng 7,9 %; trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến tăng 8,1%, bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử , hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) tăng 7,7 %.
Đi vào phân tích một số ngành công nghiệp cho thấy, cơ khí chế tạo tăng 7,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 28, 65 % trong 4 ngành trọng yếu và chiếm 19,41 % toàn ngành công nghiệp.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND Tp.Hồ Chí Minh cho biết, ngành cơ khí thời gian qua có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội thành phố nói chung và ngành công nghiệp nói riêng. Thành phố phát triển một số sản phẩm cơ khí tiêu biểu, có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng trong và ngoài nước.
Nhiều sản phẩm cơ khí thành phố được xuất khẩu sang các nước, đặc biệt là máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng. Ngành cơ khí hiện có khoảng 10.981 cơ sở sản xuất; trong đó, có 5.159 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.
Trước những tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, doanh nghiệp cơ khí gặp không ít thách thức trong việc cải tiến công nghệ, bắt kịp xu hướng, nâng cao trình độ lao động, chất lượng cơ sở hạ tầng để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và những áp lực cạnh tranh lớn đến từ các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Tương tự, ghi nhận ngành sản xuất hàng điện tử tăng 24 % so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 22,01% trong 4 ngành trọng yếu và chiếm 14,91% trong toàn ngành công nghiệp.
Theo các chuyên gia kinh tế, ngành điện tử tăng nhờ có thị trường tiêu thụ ổn định. Ngành điện tử có xu hướng chuyển đổi hoạt động sản xuất linh kiện điện tử từ các thị trường quốc tế sang Việt Nam nhờ hiệu ứng tích cực từ những cải cách thể chế, những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư và các Hiệp định thương mại tự do (FTA ) mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp điện tử, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực này.
Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, đây là ngành được kỳ vọng tăng trưởng nhanh nhằm bắt kịp xu thế công nghiệp lần thứ 4 và chủ trương phát triển kinh tế số của Chính phủ.
Cùng với đó, các ngành hóa chất - cao su - nhựa và chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống có chiều hướng tăng chậm lại do tác động của các yếu tố như ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là ngành hóa chất cơ bản, sản xuất phân bón; tác động mạnh từ dịch tả lợn châu Phi.
Tuy nhiên, ngành chế biến lương thực thực phẩm vẫn giữ được tỷ trọng khá cao trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu (hơn 26%). Đồng thời, là thế mạnh của thành phố với nhiều thương hiệu lớn, có uy tín, thị trường ổn định và có khả năng cạnh tranh cao so với doanh nghiệp của các tỉnh và nước ngoài.
Để khuyến khích và thúc đẩy sản xuất công nghiệp, trong những năm qua, Tp.Hồ Chí Minh đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, chính sách có tác động mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ phát triển, đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục khai thác, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo nguồn đầu ra cho hoạt động sản xuất.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh, thời gian qua thành phố đã triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nhóm các sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng của thành phố; tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, có lợi thế cạnh tranh để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Thành phố đã ban hành Chương trình kích cầu đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, qua đó giúp doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đến nay, thành phố đã phê duyệt 22 dự án với tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 938 tỷ đồng; trong đó, nhiều doanh nghiệp tham gia Chương trình đã bước đầu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, một số doanh nghiệp đã trở thành nhà cung ứng cho Tập đoàn Samsung.
*Phát triển ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức
Tp.Hồ Chí Minh phấn đấu tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình giai đoạn 2020-2025 đạt 7,5-8%/năm. Nâng cao tỷ trọng công nghiệp công nghệ cao trong ngành công nghiệp thành phố, ưu tiên phát triển quỹ đất phục vụ công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp khởi nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.
Về các giải pháp cụ thể, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh, cho biết, thành phố sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ và ưu đãi đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ đặc biệt là Chương trình kích cầu đầu tư các dự án phát triển sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ của thành phố để hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị - công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng công nghiệp. Đồng thời, thành phố tiếp tục tổ chức kết nối doanh nghiệp - ngân hàng để giải quyết về vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh, thành phố tập trung phát triển những ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh trên cơ sở khai thác một cách hiệu quả nguồn nhân lực trình độ cao, hạn chế đầu tư mới những ngành công nghiệp thâm dụng lao động gia công, sơ chế và khai thác tài nguyên, có giá trị gia tăng thấp. Mặt khác, khai thác hiệu quả các khu, cụm công nghiệp theo hướng nâng dần tỷ trong các doanh nghiệp công nghệ cao và xây dựng các “cụm liên kết sản xuất, nhà xưởng cao tầng, phân lô sản xuất và giá thuê phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tp.Hồ Chí Minh cũng tập trung đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng , công nghiệp phục vụ nông thôn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Phương Đông, cho biết, thành phố sẽ rà soát quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ với quy mô diện tích và khung giá cho thuê phù hợp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng, phát triển thêm các khu công nghiệp và một khu công nghệ cao để hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.
Thành phố hỗ trợ tích cực để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển, tham gia vào chuỗi sản xuất của các Tập đoàn đa quốc gia, các nhà lắp ráp trong nước và trên thế giới; tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích đầu tư vào những ngành, những lĩnh vực kinh tế có lợi thế so sánh, có tiềm năng phát triển nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, chú trọng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và bảo vệ môi trường.
Về vấn đề thị trường, ông Nguyễn Phương Đông, cho biết, thành phố ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt là hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi các tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao của thành phố.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND Tp.Hồ Chí Minh khẳng định, thành phố cam kết tạo điều kiện hỗ trợ tối đa, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp, triển khai nhiều chính sách xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp; tập trung hoàn thiện môi trường đầu tư và hết sức chủ động mời gọi doanh nghiệp nước ngoài để tạo sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến vì đây chính là lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng, tạo ra sức cạnh tranh và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế thành phố.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận