Những địa điểm giới kinh doanh BĐS thường đi lễ đầu năm
Đi lễ chùa đầu năm để cầu bình an, tài lộc từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Việt, đặc biệt với những người kinh doanh bất động sản thì việc này càng không thể bỏ qua. Dưới đây là một trong những ngôi đình, chùa mà người kinh doanh bất động sản thường xuyên đến nhất dịp đầu năm.
Đình Ứng Thiên
Nơi mà dân kinh doanh bất động sản kéo nhau đi lễ nhiều nhất chính là Đình Ứng Thiên (thuộc phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội). Được biết, Đình Ứng Thiên gọi theo địa danh là đình Láng Hạ, ngoài ra còn có các tên khác là đền Hậu Thổ và đền Nhà Bà. Đình được xây dựng trong khoảng năm 1069 –1072 đời Lý Thánh Tông để thờ một vị nữ thần.
Truyền thuyết kể rằng, khi vua đi thuyền đánh giặc gặp sóng lớn, thần đã báo mộng giúp vượt qua Cửa Hoàn. Sáng ra vua sai tìm trên bờ thì được một khúc gỗ rất giống hình người trong mơ, liền đặt tên là “Hậu Thổ phu nhân”. Sau khi thắng trận, vua đem tượng về kinh đô thờ cúng.
Sách “Đại Việt Sử Lược” in năm 1377 cho biết, năm Chính Long Bảo Ứng thứ 9 (1171) vua Lý Anh Tông sai sửa sang đền Hậu Thổ. Đến thời Trần Anh Tông, gặp lúc hạn hán vua bèn dựng đàn cầu đảo, thần báo mộng rằng “Bản đền có Câu mang Thần quân có thể làm mưa được”. Nhà vua tỉnh dậy sai quan hữu ty đến làm lễ. Quả nhiên mưa lớn tràn ruộng, vua bèn ban sắc phong “Ứng Thiên Hậu Thổ phu nhân”. Đồng thời từ đó làm lễ vào mùa xuân, đem trâu đất để dưới đền thờ. Sau lại tôn phong là “Ứng thiên Hoá dục Nguyên trung Hậu Thổ Địa kỳ Nguyên quân”.
Giới kinh doanh bất động sản cho rằng, Hậu Thổ là nữ thần cai quản đất đai toàn cõi và được thờ trong Đình Ứng Thiên. Vì thế, nếu ai đến đây “xin lộc” sẽ được thuận lợi trong việc nhà cửa, đất cát. Do đó, đã nhiều năm qua, du khách thập phương đi lễ Đình Ứng Thiên rất đông, các ban thờ có thời điểm không còn chỗ đặt đồ tiến cúng.
Đình Ứng Thiên được UBND TP. Hà Nội xếp hạng Di tích văn hóa vào năm 1984. Hội Đình mùa xuân diễn ra từ ngày 6 – 8/3 (Âm lịch) và hội mùa thu vào ngày 26/9 (Âm lịch). Hội xuân đồng thời diễn ra ở cả 3 làng Láng Thượng, Láng Trung, Láng Hạ. Mỗi dịp hội Đình Ứng Thiên diễn ra thu hút rất đông du khách thập phương và dân kinh doanh bất động sản.
Phủ Tây Hồ
Phủ Tây Hồ nằm trên bản đảo lớn của làng Nghi Tàm nhô ra giữa Hồ Tây, phủ thờ bà chúa Liễu Hạnh – vị Chúa mẫu quyền năng vô lượng trong Tứ Bất Tử. Phủ tọa lạc trên đồi đất hình Kim quy, bên trái có long chầu, bên phải có hổ phục, thuộc ấp Tây Hồ (nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ), đây là nơi địa linh bậc nhất của Hồ Tây.
Vào dịp Tết đến, du khách trong đó có dân kinh doanh bất động sản thường đổ về Phủ Tây Hồ rất đông để cầu may.
Độc đáo nhất ở Phủ thờ là ba pho tượng nữ thần đặt song hành: Mẫu Thượng Ngàn là vị mặc áo xanh lá cây tượng trưng cho rừng, nơi con người xưa sinh sống bằng các loại củ; Mẫu Thoải (thủy) là vị mặc áo trắng, tượng trưng cho nước; Mẫu Địa là vị mặc áo vàng, tượng trưng cho đất. Ba vị mẫu này hợp thành Tam phủ, giải thích quá trình tiến hóa của cư dân Việt, từ rừng núi, sông suối xuống đồng bằng định cư trồng lúa nước.
Cũng theo quan niệm Tam phủ thì cai quản thiên phủ có thiên quan ban phúc lộc cho con người, cai quản địa phủ có địa quán xá bỏ tội lỗi cho con người, cai quản thủy phủ có thủy quan cởi bỏ mọi chướng ngại, khó khăn cho con người. Với sức mạnh huyền bí ban phúc, xá tội và giải ách, tín ngưỡng Tam phủ rất hấp dẫn mọi người.
Vào dịp Tết đến, du khách trong đó có dân kinh doanh bất động sản thường đổ về Phủ Tây Hồ rất đông để cúng lễ và cầu phúc, cầu lộc, nhất là vào ngày 3 tháng ba và ngày 13 tháng tám âm lịch.
Đình Bia Bà
Đình Bia Bà nằm trong quần thể di tích văn hóa La Khê (Hà Đông, Hà Nội). Bia Bà thờ Đức Thánh Bà Trần Thị Hoàng Phi. Bà sinh năm 1511, là con gái đại thần triều Lê - Quận công Trần Trân, người trong làng. Bà được trời phú cho tư chất thông minh, lại nết na thùy mị và có nhan sắc hơn người nên được nhiều gia đình danh giá đương thời muốn đón về làm dâu. Năm 1527, đời Mạc Thái Tổ, nhà vua chọn Bà làm Phi tử cho Thái tử Mạc Đăng Doanh. Năm 1530, Thái tử lên nối ngôi, Bà được phong làm Đệ nhị cung.
Dân kinh doanh bất động sản đến Đình Bia bà để cầu tài cầu lộc, thăng quan tiến chức, thi cử đỗ đạt, mua nhà rồi lại bán được nhà, trúng hợp đồng làm ăn. (Ảnh: Internet)
Khi vào cung, Bà hết lòng phò vua giúp nước. Năm 1538, xảy ra thảm cảnh Mạc - Lê phân tranh, Bà quyết định rời nơi điện ngọc nguy nga về sống tại quê nhà. Bà mất khi 27 tuổi. Tiếc thương người vợ nết na, hiền thục nên sau khi làm lễ an táng xong, nhà vua cho người làm bia ghi lại công tích của bà.
Người dân đến đây thường cầu xin bình an, may mắn, cầu tài cầu lộc, thăng quan tiến chức, thi cử đỗ đạt, mua nhà rồi lại bán được nhà, trúng hợp đồng làm ăn... Chủ yếu vẫn là cầu xin trong việc làm ăn. Lễ Hội làng La Khê, được tổ chức từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng âm lịch...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận