Những dấu hỏi an toàn tài chính của VEC
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa ra quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Theo đó, ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam bị thi hànhkỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, do vi phạm khuyết điểm trong thời gian giữ chức vụ Phó tổng giám đốc (từ 5/2010 đến 3/2011), Tổng giám đốc (từ 4/2011 đến tháng 5/2017), Chủ tịch HĐTV VEC (từ 6/2017 đến nay).
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng quyết định điều động ông Mai Tuấn Anh về công tác tại Tổ tái cơ cấu thúc đẩy sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốndoanh nghiệp nhà nướcvà xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả do các bộ, ngành chuyển giao về Ủy ban.
Nợ phải trả cao gấp 9 lần cơ cấu nguồn vốn
VEC là doanh nghiệp 100% là vốn góp Nhà nước, và được Nhà nước giao làm chủ đầu tư nhiều dự án đường bộ cao tốc lớn (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP H CM - Long Thành - Dầu Giây), phần lớn doanh thu của VEC là từ các dự án này. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của ''ông trùm'' đường cao tốc này lại khá khiêm tốn.
Được biết, mặc dù đã qua giữa năm 2020 nhưng VEC mới chỉ công bố báo cáo tài chính năm 2018. Doanh nghiệp này cũng đã từng bị nhắc nhở do không gửi báo cáo đầy đủ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện công bố thông tin theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2018, VEC ghi nhận doanh thu thuần 3.225 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 460 tỷ đồng so với năm 2017. Năm 2018 do giá vốn bán hàng chỉ 635 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp tăng mạnh, đạt 2.589 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong năm vừa qua, các khoản chi phí của VEC đều tăng mạnh. Cụ thể, chi phí tài chính lên tới 2.888 tỷ đồng (trong đó chi phí lãi vay là 735 tỷ đồng), cao gấp 3,5 lần so với năm 2017; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng từ 61 tỷ đồng lên 84 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm sút trầm trọng từ 938 tỷ đồng xuống còn 3,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, VEC cũng ghi nhận khoản lãi tại các công ty liên doanh liên kết 1,1 tỷ đồng. Kết quả, năm 2018, VEC ghi nhận mức lãi ròng chỉ 2,4 tỷ đồng (trong khi năm 2017 tới 936 tỷ đồng), trong đó lợi nhuận của Công ty mẹ chỉ 582 triệu đồng, trong khi năm 2017 đạt xấp xỉ 935 tỷ đồng.
Chiếu theo báo cáo tài chính, tính đến thời điểm 31/12/2018, VEC đang có khối tài sản 96.556 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 89.140 tỷ đồng năm 2017. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 19.676 tỷ đồng (hàng tồn kho chiếm tới 26,6 tỷ đồng) và tài sản dài hạn là 76.880 tỷ đồng (chủ yếu là tài sản cố định).
Đáng chú ý, cũng tính đến hết năm 2018, nợ phải trả của VEC là 87.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 19.672 tỷ đồng và nợ dài hạn 67.327 tỷ đồng (chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính). Trong khi đó, cùng thời điểm, vốn chủ sở hữu của VEC chỉ 9.556 tỷ đồng.
Như vậy, nợ phải trả đã cao gấp 9 lần, tương đương chiếm 90% cơ cấu nguồn vốn. Với việc nợ vay cao hơn rất nhiều lần so với vốn chủ sở hữu của công ty đã đặt ra dấu hỏi về nguy cơ an toàn tài chính của VEC.
“Con nợ” của nhiều ngân hàng
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, tính đến thời điểm hết năm 2018, chủ nợ lớn nhất của VEC là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), với tổng dư nợ cuối kỳ hơn 31.200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, VEC còn nợ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản 28.960 tỷ đồng và Ngân hàng Thế giới hơn 5.400 tỷ đồng. Trong phần báo cáo chi tiết nêu rõ, hầu hết các hợp đồng vay được thực hiện đề tài trợ vốn cho các dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Long Thành – Dầu Giây; Đà Nẵng – Quảng Ngãi… với thời hạn thanh toán dao động từ 16 đến 40 năm.
Điều đáng lo ngại hơn cả là do số lượng vay ngoại tệ rất lớn bằng Yên Nhật và USD để đầu tư các dự án, nên biến động tỷ giá rất mạnh đến kết quả kinh doanh của VEC.
Năm 2018, lỗ chênh lệch tỷ giá của VEC tăng vọt lên gần 2.200 tỷ đồng so với mức 368 tỷ đồng của năm trước. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho “ông trùm” đường cao tốc giảm lợi nhuận không phanh.
Ngoài ra, về nợ ngắn hạn, VEC đang có khối nợ 12,7 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Đông Sài Gòn. Đồng thời, doanh nghiệp này còn khoản nợ 8.000 tỷ đồng gốc và lãi trái phiếu phải trả Bộ Tài chính.
Cũng trong phần thuyết minh báo cáo tài chính, đến ngày 31/12/2018, VEC ghi nhận gần 900 triệu đồng khoản nợ xấu, trong khi giá trị có thể thu hồi chỉ là 164 triệu đồng. Các khoản nợ xấu tập trung tại các Công ty CP Huy Phương, Công ty TNHH Xây dựng Nhà Đẹp, Công ty CP Beton6…
Vào tháng 11/2019, Cục Thuế TP.Hà Nội cho biết, thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế về việc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với dự án đầu tư, từ ngày 1/7/2016 đến năm 2017, Cục thuế TP.Hà Nội đã thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng cho VEC 9 đợt, với tổng số tiền hoàn thuế 949.737.335.197 đồng theo hình thức hoàn thuế trước, kiểm tra sau.
Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng đối với VEC, Cục Thuế TP.Hà Nội đã phát hiện VEC không đáp ứng đủ điều kiện để được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với dự án đầu tư.
Trên cơ sở đó, căn cứ quy định của Luật Quản lý thuế và kết quả thanh tra sau hoàn thuế, Cục Thuế TP.Hà Nội đã ban hành quyết định số 14022/QĐ-CT-TTr4 ngày 3/4/2018 và quyết định số 14356/QĐ-CT-TTr2 ngày 4/4/2018 thu hồi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng đối với VEC, số tiền 949.737.335.197 đồng đã hoàn cho VEC trước đó, tiền chậm nộp phải nộp 83.468.548.577 đồng, tổng số thuế phải thu hồi và tiền chậm nộp 1.033.205.883.774 đồng…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận