Những biến số tháng 5 có thể ảnh hưởng đến xu hướng thị trường chứng khoán
Tham khảo nhiều nguồn thông tin khả tín trên thị trường trước kỳ nghỉ lễ dài, hầu hết đều có quan điểm cho rằng, nếu không thực sự xảy ra một sự kiện “thiên nga đen” nào đủ lớn thì thị trường tháng 5 sẽ thiên về xu hướng tích lũy để đón đợi những thông tin tích cực thực sự sau đó
Nền tảng cho những suy đoán bỏ qua hiệu ứng “Sell in May” này là diễn biến “khốc liệt” tháng 4 với cú giảm mạnh từ 1.270 điểm xuống vùng 1.180 điểm của VN-Index.
Tháng 4, trong một khoảng thời gian ngắn, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến nhiều thông tin tiêu cực, nhiều sự kiện dễ dẫn nhà đầu tư đến quyết định đứng ngoài chờ đợi nên rơi sâu, rơi mạnh hơn nhiều so với thế giới. Một trong số đó là áp lực tỷ giá căng thẳng, tác động xấu đến thị trường tiền tệ - ngân hàng; đồng thời gián tiếp thúc đẩy đà bán ròng miệt mài của khối ngoại với tổng lượng bán thêm hơn 5.100 tỷ đồng trên toàn thị trường trong tháng 4.
Việc VN-Index để mất vùng 1.250 điểm khiến chỉ số mất động lực hình thành uptrend, nhưng lực cầu gia tăng trở lại tại vùng 1.160-1.180 điểm cũng cho thấy đây là điểm hỗ trợ đáng tin cậy. Chỉ số dự báo sẽ dao động trong vùng giá 1.150 điểm - 1.250 điểm để tích lũy trở lại và quá trình này sẽ kéo dài sau diễn biến giảm điểm vừa qua.
Sang tháng 5, thị trường chứng khoán thế giới vẫn có nhiều biến số cần theo dõi, nhất là những thông tin xung quanh phiên họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Mới đây, Fed đã quyết định lần thứ 5 giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại và dù cảnh báo lạm phát vẫn còn quá cao, định chế này cũng đồng thời bác bỏ khả năng tăng lãi suất trong tháng 6. Với quyết định này, lãi suất chính sách của Mỹ hiện nay tiếp tục dao động trong khoảng 5,25-5,5%, là mức cao nhất trong 23 năm và được duy trì kể từ tháng 7/2023.
Điều này cũng đồng nghĩa, khả năng lãi suất chưa sớm giảm như kỳ vọng và điều này có thể tạo áp lực với tỷ giá trong nước.
Động lực hồi phục trong vài phiên gần đây vẫn chưa đủ tin cậy khi thanh khoản thấp, chưa cho thấy sự trở lại của dòng tiền lớn. Sự phân hoá trong nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn đang khá phổ biến, cũng cho thấy chưa có sự đồng thuận về xu thế, cũng như thời điểm tạo đáy để kết thúc nhịp điều chỉnh hiện tại.
Các khuyến nghị của hầu hết công ty chứng khoán là giai đoạn này, nhà đầu tư nên tập trung vào tái cơ cấu danh mục khi thị trường có nhịp hồi phục sau đợt chỉnh sâu vừa qua. Đồng thời, hạ tỷ trọng cổ phiếu, chỉ nên tham gia khoảng 20-30% NAV khi dòng tiền thị trường còn yếu như hiện nay.
Quan sát trên thị trường cũng cho thấy, dòng tiền vẫn tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu có nội lực tạo bởi nền tảng cơ bản và kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2024 sẽ có điều kiện để chuyển động nổi bật hơn so với sự hồi phục thiếu tin cậy của thị trường chung.
Chiến lược có thể tham khảo thêm là mua cổ phiếu tốt với định giá hợp lý để hưởng cổ tức tiền mặt và triển vọng tăng giá trong tương lai. Các doanh nghiệp này có ngành nghề kinh doanh ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế.
Những biến số tháng 5 có thể ảnh hưởng đến xu hướng thị trường và quyết định của nhà đầu tư, cũng như đâu là những nhóm ngành có thể “gợi mở” cơ hội trong bối cảnh hiện tại cũng là những nội dung cơ bản trong Tiêu điểm với chủ đề “Hiệu ứng tháng 5” trên Đầu tư Chứng khoán số ra tuần này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận