Nhu cầu xây dựng lại chuỗi liên kết bền vững sau các 'cơn sốt' giá tiêu
Mặt hàng hồ tiêu trong những ngày gần đây có dấu hiệu tạm lắng sau cơn “sốt giá”, giữ mức 70.000-74.000 đồng/kg (tùy địa phương). Đáng chú ý, ngày 30-3 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), và Diễn đàn “Sáng kiến gia vị bền vững" (Sustainable Spices Initiative) đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc cùng nhau hợp tác nhằm thúc đẩy sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Một lần nữa câu chuyện liên kết bền vững trong sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu lại được nhắc lại.
Giá tiêu chững lại, nông dân vẫn chưa muốn bán
Sáng 3-4, giá hồ tiêu tại các tỉnh giao dịch từ 70.000-74.000 đồng/kg (giá đầu giá). Trên thực tế, đại lý thu mua tiêu cho nông dân sẽ cộng thêm từ 10-12% so với giá đầu giá tùy thuộc vào chất lượng, trọng lượng, độ ẩm… của tiêu.
Theo khảo sát, Đồng Nai là địa phương có mức đầu giá tiêu thấp nhất, ở mức 70.000 đồng/kg trong khi Bà Rịa Vũng Tàu giữ mức giá cao nhất, 74.000 đồng/kg. Các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắc Nông, Gia Lai… giá tiêu giao động 72.000-72.500 đồng/kg. So với ngày hôm qua (2-4), giá tiêu ở một số địa phương đã giảm khoảng 1.000 đồng/kg.
Ông Phạm Văn Lý, nông dân trồng tiêu ở xã Thiện Hưng (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) cho rằng, dù giá tiêu đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2020, thế nhưng, với giá bán giao động quanh mức 70.000 đồng/kg hiện nay, nông dân trồng tiêu vẫn chưa có lãi bao nhiêu.
Theo ông Lý, giá tiêu phải ở mức từ 130.000-150.000 đồng/kg thì nông dân mới duy trì được nguồn vốn để tái sản xuất, và đảm bảo được cuộc sống gia đình. Do đó, nhiều nông dân sau khi thu hoạch tiêu đã quyết định giữ lại, đợi giá tăng thêm mới bán ra thị trường.
Còn theo ông Nguyễn Duy Tường, Giám đốc Công ty TNHH Bách Sinh, một đơn vị kinh doanh hồ tiêu ở Đăk Nông cho biết, việc giá tiêu tăng bất thường thời gian qua đã dẫn đến hậu quả là sự đứt gãy chuỗi cung ứng hồ tiêu, từ sản xuất đến thương mại, xuất khẩu.
Việc đứt gãy này thể hiện ở chỗ ngay giữa mùa thu hoạch chính vụ nhưng doanh nghiệp thương mại không thể mua được tiêu nguyên liệu, doanh nghiệp xuất khẩu cũng không có hàng cho chế biến xuất khẩu. Nông dân, đại lý găm hàng, doanh nghiệp hụt hơi đi lo trì hoãn việc giao hàng với khách nhập khẩu vì không có hàng để giao. Theo ông Tường, để giải quyết sự đứt gãy này trong chuỗi cung ứng hồ tiêu, cần tăng cường hơn nữa việc xây dựng các liên kết từ nông dân đến doanh nghiệp thương mại, xuất khẩu.
“Việc này rất khó nhưng là yêu cầu cần thiết nếu ngành hồ tiêu muốn hạn chế những đổ vỡ dây chuyền tiếp tục xảy ra trong thời gian tới”, ông Tường nhận định.
Hợp tác sản xuất, kinh doanh hồ tiêu bền vững
Để giải quyết những vấn đề liên quan để sản xuất, kinh doanh hồ tiêu bền vững, cuối tháng 3 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) và Diễn đàn Sáng kiến Gia vị bền vững (SSI) đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc cùng nhau hợp tác nhằm thúc đẩy sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững tại Việt Nam cho giai đoạn 2021-2025.
Theo bản ghi nhớ này, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ đóng vai trò làm đầu mối thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống chính sách và năng lực trong quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm, thúc đẩy liên kết sản xuất an toàn, giám sát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc hồ tiêu xuất khẩu nhằm nhân rộng quy mô sản xuất hồ tiêu, đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất an toàn và bền vững của thị trường.
Trong khi đó, SSI có trách nhiệm điều phối với Hiệp hội Gia vị Châu Âu (ESA) và Hiệp hội Gia vị Hoa Kỳ (ASTA) về các yêu cầu chất lượng của thị trường và kết nối các công ty thành viên đầu tư vào sản xuất bền vững trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam. IDH sẽ đóng vai trò tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ tài chính, và điều phối sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho nỗ lực hợp tác công tư này.
Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Hồ tiêu Việt Nam chiếm khoảng 60% tổng sản lượng hồ tiêu được giao dịch trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, ngành hồ tiêu Việt Nam lại đang đứng trước những thách thức lớn như giá bán thấp, thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu đang ngày một thắt chặt hơn của các thị trường thế giới. Tăng cường hợp tác công tư có hiệu quả là một lời giải thích hợp cho bài toán này trên cơ sở mỗi bên đều phát huy được thế mạnh của mình.
Khối công trong mối liên kết công - tư này sẽ hỗ trợ tạo môi trường chính sách thuận lợi và khối tư sẽ có vai trò tích cực trong kết nối thị trường và đảm bảo sản xuất bền vững đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường.
Cũng theo Cục Bảo vệ Thực vật, một trong những mục tiêu đến năm 2025 là sẽ tạo ra khoảng 60.000 tấn tiêu sản xuất bền vững, 75% hồ tiêu xuất khẩu đáp ứng được nhu cầu của các thị trường phát triển và 25% nông dân được tiếp cận với các mô hình sản xuất an toàn, cải thiện sinh kế.
Trong khi đó, ông Alfons Van Gulick, Chủ tịch điều hành Diễn đàn "Sáng kiến gia vị bền vững" (Sustainable Spices Initiative - SSI) - diễn đàn toàn cầu quy tụ các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực gia vị, thì cho rằng, hồ tiêu Việt Nam là nguồn nguyên liệu vô cùng quan trọng đối với SSI. Mục tiêu cuối cùng của SSI là 100% sản phẩm tiêu ra thị trường phải được sản xuất theo quy trình bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cũng đã nhiều lần tổ chức các hội nghị kêu gọi liên kết phát triển tiêu bền vững. Tuy nhiên đến nay, số chuỗi liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp đạt hiệu quả không nhiều, ngành hồ tiêu vẫn trong tình trạng “thân ai nấy lo”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận