NHTW Hàn Quốc giữ nguyên lãi suất dù hạ triển vọng kinh tế
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã không đưa ra thêm bất kỳ một biện pháp kích thích tiền tệ nào tại cuộc họp chính sách tháng 9 ngay cả khi cơ quan này tỏ ra bi quan hơn với triển vọng kinh tế của xứ sở kim chi, vốn đang phải vật lộn với làn sóng lây
Giữ nguyên lãi suất thấp kỷ lục
Mặc dù dự báo nền kinh tế Hàn Quốc sẽ suy giảm 1,3% trong năm nay, sâu hơn rất nhiều so với mức dự báo là chỉ giảm 0,2% được đưa ra hồi tháng 5, thế nhưng tại cuộc họp chính sách tháng 9 kết thúc hôm thứ Năm tuần trước, BOK vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất repo kỳ hạn 7 ngày (lãi suất cơ bản của Hàn Quốc) ở mức thấp kỷ lục là 0,5%.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp chính sách, BOK cho biết những bất ổn xung quanh con đường tăng trưởng là “rất cao” và BOK sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong bối cảnh đại dịch đang làm giảm áp lực lạm phát từ phía cầu. Tuy nhiên BOK nâng dự báo lạm phát năm nay lên mức 0,4% thay vì mức 0,3% như dự báo trước đó.
Từ đầu năm đến nay, BOK đã cắt giảm lãi suất repo kỳ hạn 7 ngày tới 75 điểm cơ bản để hỗ trợ nền kinh tế Hàn Quốc ứng phó với đại dịch coronavirus. Bên cạnh đó, BOK cũng đẩy mạnh việc bơm thanh khoản và mua vào trái phiếu để ổn định thị trường tài chính. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã thực hiện 3 gói ngân sách bổ sung trong năm nay, mức kích thích lớn nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, việc BOK hạ thấp dự báo của mình xuống một biên độ đáng kể cho thấy ngân hàng nhận thấy các biện pháp kích thích sẽ không thể bù đắp được những thiệt hại do đại dịch gây ra. Lee cho rằng vi rút bùng phát tại quê nhà, lũ lụt tàn phá các khu vực của Hàn Quốc và sự phục hồi chậm hơn trong xuất khẩu và tiêu dùng là những lý do cho việc tụt hạng.
Kết quả cuộc khảo sát do BOK tiến hành từ ngày 10-17/9 được công bố cuối tuần trước cũng cho thấy, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng đã giảm xuống còn 79,4 điểm trong tháng 9 từ mức 88,2 điểm của tháng trước. Mức giảm 8,8 điểm là mức lớn nhất kể từ tháng 3 khi đại dịch coronavirus bắt đầu bùng phát ở Hàn Quốc.
“Việc cắt giảm dự báo tăng trưởng nói lên cầu của nền kinh tế đang suy giảm”, An Young-jin - một nhà kinh tế của SK Securities cho biết. “Tuy nhiên việc nâng dự báo lạm phát phản ánh sự tăng giá dần dần của các yếu tố từ phía cung như hàng hóa và dầu sau một số đợt lao dốc mạnh vào đầu năm nay”.
Bước đi tiếp theo là gì?
Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc họp chính sách, Thống đốc BOK Lee Ju-yeol cho biết, cả công cụ lãi suất và công cụ phi lãi suất đều là những lựa chọn có thể được sử dụng, tuy nhiên ông không đưa ra bất kỳ một tín hiệu nào về lộ trình sắp tới. “Vẫn còn dư địa trong chính sách lãi suất, nhưng chúng tôi sẽ cẩn thận”, Thống đốc Lee nói và nhấn thêm rằng: Cần phải cân nhắc giữa lợi ích và tác dụng phụ khi cắt giảm lãi suất vốn đã ở mức thấp kỷ lục như hiện tại.
Việc BOK không bổ sung thêm các biện pháp kích thích và nhấn mạnh hành động cân bằng lợi ích mà họ đang phải đối mặt cho thấy BOK vẫn rất thận trọng với việc cắt giảm thêm lãi suất do lo ngại điều đó có thể tiếp tục khiến thị trường bất động sản của Hàn Quốc nóng lên trong bối cảnh nền kinh tế đang lao đao vì dịch bệnh.
Trái phiếu giảm giá sau khi Thống đốc Lee không đưa ra thông tin chi tiết về thời gian và quy mô của việc mua thêm nợ, đồng thời nhắc lại lập trường trước đây của ông rằng, BOK sẽ tham gia nếu lợi suất trái phiếu trở nên bất ổn.
Theo Huh, một nhà phân tích tại Samsung Futures Inc., sự thất vọng của các nhà đầu tư đối với những bình luận của Thống đốc Lee đã tác động trực tiếp đến hoạt động mua trái phiếu trên thị trường.
Tuy nhiên Justin Jimenez - một nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho rằng, khả năng duy trì một chương trình nới lỏng định lượng vẫn còn. Nhưng BOK có thể có xu hướng chỉ mua trái phiếu khi cần thiết để ổn định thị trường. Động thái này có thể tiết kiệm dư địa chính sách để có thể ứng phó nếu tình trạng kinh tế xấu đi đáng kể.
Rõ ràng việc BOK sẽ phản ứng như thế nào nếu nền kinh tế tiếp tục xấu đi đang được các chuyên gia kinh tế và cả thị trường quan tâm. Thống đốc Lee cho biết, cho đến nay ông vẫn không xem các biện pháp như kiểm soát đường cong lợi suất và một loạt các bước đi mà BOK đã thực hiện để hỗ trợ nền kinh tế là một “hình thức nới lỏng định lượng”.
Bất kỳ biện pháp kích thích nào nữa của BOK sẽ phải được thực hiện cẩn thận để không đi ngược lại những nỗ lực của Chính phủ nhằm kiềm chế sự tăng giá bất động sản, bao gồm một loạt quy định về mua và sở hữu nhà.
Theo Alex Holmes - một nhà kinh tế của Capital Economics, bình luận trọng nhất của Thống đốc Lee đó là khẳng định rằng ngân hàng “có khả năng cắt giảm thêm lãi suất”. “Có vẻ như BOK đang chờ xem tác động kinh tế của làn sóng coronavirus thứ hai diễn ra như thế nào trước khi đưa ra các quyết định chính sách mới”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận