Nhóm ngành nào hưởng lợi từ việc kênh đào Suez bị tắc nghẽn
Kênh đào Suez là một trong những nút thắt quan trọng nhất của nền kinh tế thế giới dựa vào vị trí địa lý thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ khu vực Châu Á sang Châu Âu. Sự kiện tàu container khổng lồ Ever Given bị mắc kẹt tại đây đã làm ngành Logistic thế giới chao đảo, nhưng cũng có thể sẽ sinh ra nhiều cơ hội đầu cơ với các nhóm ngành như dầu khí, bảo hiểm, kho bãi.
Đánh giá tình hình
Tàu Ever Given được gọi là “siêu tàu” bởi nó có chiều dài 400m và trọng tải 220.000 tấn, sau khi gặp sự cố đã mắc cạn và bịt kín 2 đầu kênh Suez. Do có kích thước trọng tải quá lớn, việc giải cứu con tàu này đã trở thành một thách thức không nhỏ, những phương án được đề ra bao gồm nạo vét đáy kênh, sử dụng tàu kéo và trong trường hợp xấu nhất là dỡ các thùng container xuống để giảm tải trọng. Thống kê đến ngày 29/03/2021, tức 6 ngày sau khi hiện tượng ách tắc diễn ra, đã có hơn 450 con tàu xếp hàng ở 2 đầu kênh chờ được lưu thông.
Kênh đào Suez là tuyến hàng hải huyết mạch quan trọng của thế giới, với Việt Nam đây là tuyến đường giao hàng tới Châu Âu và một số quốc gia tại bờ Đông Nước Mỹ. Theo thống kê năm 2020, Châu Âu là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam tính theo giá trị tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2021, tình hình xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam qua Châu Âu đã ghi nhận mức tăng trung bình lần lượt là 18% và 12%. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của kênh đào Suez trong việc lưu thông hàng hóa và duy trì chuỗi cung ứng.
Theo thông tin cập nhật mới nhất, chính phủ Ai Cập đã thông báo tàu Ever Given đã có thể nổi lại được, tuy nhiên do số lượng tàu thuyền ùn tắc từ 2 bên kênh quá lớn, vẫn còn quá sớm để có thể kỳ vọng giao thông qua tuyến hàng hải này có thể khai thông ngay được.
Nhận định từ Agriseco Research:
Sự cố tắc nghẽn kênh Suez sẽ ảnh hưởng tới khả năng xuất nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam tới Châu Âu, đặc biệt nếu tình hình này kéo dài, các hãng tàu có thể phải thay đổi lộ trình di chuyển qua mũi Hảo Vọng tại Châu Phi, khiến hành trình kéo dài và tăng chi phí. Điều này sẽ tác động tiêu cực lên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu do chi phí Logistic tăng đáng kể và hoạt động chuyển hàng bị trì hoãn.
Chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn có thể khiến tình trạng thiếu vỏ container rỗng vốn đã bị ảnh hưởng bởi Covid-19 càng trở nên trầm trọng, tuy nhiên đây có thể sẽ là cơ hội đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hậu cần, kho bãi và vận tải biển như TMS, HAH, VSC do thời gian lưu kho tăng lên. - Giá Commodities dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong ngắn hạn, đặc biệt là giá dầu dưới ảnh hưởng của việc chuỗi cung ứng sản xuất bị gián đoạn. Do vậy, chúng tôi đánh giá thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều cơ hội đầu cơ đối với nhóm cổ phiếu dầu khí như PVS, PVD, PVT.
Tình trạng tắc nghẽn tại kênh đào có thể sẽ diễn ra trong nhiều ngày tới, do vậy các hãng tàu có thể sẽ phải chọn giải pháp lưu hàng trên biển. Điều này khiến các hãng tàu đối mặt với nhiều rủi ro như cướp biển, thời tiết, do vậy cước phí bảo hiểm trong thời gian tới đối với loại hình dịch vụ này có thể cũng sẽ tăng lên.
Kết luận:
Tình trạng tắc nghẽn tại kênh đào Suez có thể sẽ mất nhiều ngày để giải quyết, ngay cả khi tàu Ever Given nổi trở lại thì vẫn cần thời gian để giải phóng được hết số tàu đang xếp hàng. Sự kiện này đã làm ngành Logistic thế giới chao đảo, nhưng cũng có thể sẽ sinh ra nhiều cơ hội đầu cơ với các nhóm ngành như dầu khí, bảo hiểm, kho bãi. Các cổ phiếu khuyến nghị theo dõi giai đoạn này gồm PVT, HAH, TMS và một số cổ phiếu ngành dầu khí.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận