Nhóm doanh nghiệp vốn hoá tỷ USD gọi tên 31 doanh nghiệp, chiếm tới 72% vốn hoá toàn TTCK
Tổng vốn hóa của 31 doanh nghiệp này lên tới 3,22 triệu tỷ đồng, tương ứng 139 tỷ USD. Trong đó, nhóm 8 cổ phiếu ngân hàng này có tổng vốn hóa lên tới 40 tỷ USD, vượt qua vốn hóa “nhóm VinGroup”.
Theo số liệu thống kê tính tới ngày 22/1/2020, phiên giao dịch cuối cùng của năm Kỷ Hợi 2019, trên cả 3 sàn HoSE, HNX, UpCOM có tổng cộng 31 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD, bao gồm 23 doanh nghiệp niêm yết trên HoSE. So với danh sách được ghi nhận cách đây một năm, số lượng doanh nghiệp tỷ đô vốn hóa hiện đã tăng thêm 2, bao gồm Becamex và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR).
Tổng vốn hóa của 31 doanh nghiệp này lên tới 3,22 triệu tỷ đồng, tương ứng 139 tỷ USD. So với tổng vốn hóa TTCK Việt Nam là 4,48 triệu tỷ đồng (193,2 tỷ USD) thì quy mô vốn hóa 31 doanh nghiệp tỷ đô này chiếm 72%.
VinGroup tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về vốn hóa trên TTCK Việt Nam với gần 389 nghìn tỷ đồng, tương ứng 16,8 tỷ USD. Xếp ngay sát VinGroup là Vietcombank với vốn hóa 15 tỷ USD. Trong năm qua, Vietcombank đã có bước nhảy vọt về vốn hóa khi tăng thêm khoảng 6 tỷ USD so với năm trước.
Trong khi đó, VinHomes đã lùi xuống vị trí thứ 3 về vốn hóa với 12,7 tỷ USD. Một thành viên khác trong “nhóm VinGroup” là Vincom Retail có vốn hóa hơn 74 nghìn tỷ đồng, tương ứng 3,2 tỷ USD. Như vậy, tổng vốn hóa 3 thành viên “nhóm VinGroup” lên tới 32,7 tỷ USD, tương đương 16,9% vốn hóa toàn thị trường.
Vốn hóa Vinamilk hiện chỉ còn 211 nghìn tỷ đồng (9,1 tỷ USD), giảm gần 24 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái và lùi xuống vị trí thứ 4 trong danh sách vốn hóa.
Nhóm ngân hàng chiếm áp đảo về số lượng trong danh sách tỷ đô khi có tới 8 cái tên góp mặt, bao gồm Vietcombank (15 tỷ USD), BIDV (12,7 tỷ USD), Vietinbank (4,1 tỷ USD), Techcombank (3,7 tỷ USD), VPBank (2,5 tỷ USD), MBBank (2,2 tỷ USD), ACB (1,8 tỷ USD) và HDBank (1,2 tỷ USD).
Nhóm 8 cổ phiếu ngân hàng này có tổng vốn hóa lên tới 40 tỷ USD, vượt qua vốn hóa “nhóm VinGroup” và chiếm 20,7% vốn hóa TTCK Việt Nam. Có thể thấy, ảnh hưởng của các cổ phiếu ngân hàng và nhóm VinGroup là rất đáng kể trên TTCK Việt Nam.
Ngành F&B có 3 đại diện góp mặt, bao gồm Vinamilk (9,1 tỷ USD), Sabeco (6,4 tỷ USD) và Masan Consumer (2,1 tỷ USD).
Một điểm đáng chú ý, trong danh sách những doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô hiện có tới 7 cái tên đến từ Upcom, trong khi HNX chỉ góp mặt 1 đại diện. Nếu như trước đây, Upcom bị coi là sân chơi "hạng bét" khi đa phần là các doanh nghiệp quy mô nhỏ hoặc bị hủy niêm yết bắt buộc thì nay, với quy định IPO gắn liền với lên sàn đã khiến Upcom trở thành nơi thu hút nhiều tên tuổi lớn hiện diện, thậm chí vượt xa HNX.
Trên Upcom hiện có 7 doanh nghiệp quy mô tỷ đô, bao gồm Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với vốn hóa thị trường đạt hơn 150 nghìn tỷ đồng, tương ứng 6,5 tỷ USD; Viettel Global (3,5 tỷ USD), VEAM (2,6 tỷ USD), GVR (2,1 tỷ USD), Masan Consumer (2,1 tỷ USD), Becamex (1,3 tỷ USD), BSR (1,1 tỷ USD).
Bên cạnh những doanh nghiệp tỷ đô kể trên, TTCK Việt Nam hiện còn khá nhiều doanh nghiệp tiệm cận cột mốc tỷ đô, có thể kể tới như Eximbank, PNJ, Masan MeatLife (MML)…Trong đó, Masan MeatLife đã lên sàn UPCom vào cuối tháng 12/2019 với định giá xấp xỉ 26.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Tuy vậy, kể từ khi lên sàn cổ phiếu này liên tục điều chỉnh và vốn hóa hiện chỉ còn hơn 21.000 tỷ đồng, chưa đủ điều kiện vào nhóm tỷ đô vốn hóa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận