NHNN: Tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất, khơi thông dòng vốn tín dụng
Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các NHTM bên cạnh việc hoãn và giãn thời gian trả nợ, cần tiếp tục hạ lãi suất để tăng cơ hội tiếp cận vốn cho DN.
Tại Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023 để bàn về các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng chiều 25/4, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng thương mại và lãnh đạo các chi nhánh Ngân hàng nhà nước đề xuất các giải pháp để Thông tư 02 nhanh chóng đi vào cuộc sống, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.
Mục tiêu của việc ban hành Thông tư số 02/TT-NHNN nhằm tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất-kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trên cơ sở đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng thương mại bên cạnh việc hoãn và giãn thời gian trả nợ, cần tiếp tục hạ lãi suất để tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Qua đó, nguồn vốn tín dụng mới có thể thẩm thấu vào nền kinh tế, phát huy hiệu quả.
Bởi thực tế từ đầu năm đến nay cho thấy tăng trưởng tín dụng chỉ bằng hơn 1/3 so với cùng kỳ năm trước; trong đó hầu hết các ngân hàng tăng trưởng tín dụng còn thấp, nhiều ngân hàng chỉ tăng trên dưới 1%, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng âm.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 20/4, quy mô tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,57% so với cuối năm 2022 và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trưởng trên cao hơn giai đoạn dịch bệnh nhưng thấp hơn năm 2022 và 2021.
Theo Phó thống đốc, ngoài nguyên nhân cầu tín dụng thấp dẫn tới tăng trưởng tín dụng thấp thì còn có nguyên nhân từ việc thị trường bất động sản gặp khó khăn. Những khó khăn này chủ yếu liên quan đến các vấn đề pháp lý dự án, từ đó dẫn tới tín dụng ngành bất động sản tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước và ảnh hưởng tới tăng trưởng chung.
Vì vậy, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung/bất động sản không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng, cho vay chéo..., cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp “nội bộ” có nguy cơ rủi ro lớn.
Về mặt bằng lãi suất, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, thời gian qua tuy các ngân hàng đã có điều chỉnh giảm nhưng đâu đó vẫn có lãi suất cho vay bình quân giữ ở mức khá cao. Vì vậy, bên cạnh việc yêu cầu các ngân hàng thương mại tự cân đối, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản hệ thống để góp phần giúp các ngân hàng hạ mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.
Tại hội nghị, nhóm 4 ngân hàng thương mại cổ phần bao gồm: Ngoại thương (Vietcombank), Công thương (Vietinbank), Đầu tư và Phát triển (BIDV), Nông nghiệp (Agribank) đã đồng thuận cao về chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận