Nhịp đập Thị trường: Tái diễn kịch bản rớt mạnh vào phiên chiều?
Thị trường tiếp tục diễn tuồng cũ khi cứ đến phiên chiều là các nhà đầu tư lại thay nhau đẩy lực cung khiến các chỉ số đồng loạt lao dốc và rơi khỏi tham chiếu.
Sắc xanh gần 2% trên GAS, theo sau là VIC, VPB, CTG, BVH đang là những nguyên nhân giúp VN-Index cầm cự lại sức ép đến từ VNM, VCB.
Tính đến 14h00, độ rộng thị trường đã nghiêng về bên bán với 258 mã tăng và 313 mã giảm điểm. Độ rộng trong rổ VN30 khá hẹp khi cả rổ có 14 mã tăng, 15 mã giảm và 1 mã đứng giá.
Nhóm bất động sản khu công nghiệp dần tiêu cực hơn khi sắc xanh chỉ còn xuất hiện lác đác trên vài mã như SNZ, VC3, D2D. BCM, VGC và HPI hiện là những gương mặt giảm hơn 1% trong nhóm.
Diễn biến nhóm vận tải - kho bãi thì phân hóa, song điểm tiêu cực nằm ở thanh khoản khi khối lượng của hầu hết các mã đều nằm ở mức thấp. Chỉ có PVT ấn tượng nhất với thanh khoản tốt và tăng 2%, cùng với đó là mức mua ròng mạnh ở khối ngoại, đánh dấu phiên thứ 5 mua ròng liên tiếp của khối này.
Dòng tiền đầu cơ trên nhóm penny cũng không mấy sôi động trong phiên hôm nay khi chỉ có vài mã như SJF, DIC, DRH là đáng chú ý với thanh khoản lớn, còn lại đều không mấy ấn tượng. Trong khi đó, CLG đã kết thúc chuỗi tăng trần 19 phiên của mình và đang giảm hơn 2%. Khối lượng lớn xuất hiện trên mã chứng tỏ tâm lý chốt lời đang lớn dần trên nhà đầu tư.
Tiện ích hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.45%. Ngược lại, thực phẩm - đồ uống hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.85%.
Phiên sáng: Lại đảo chiều khi chạm mốc 1,015 điểm
Chỉ số VN-Index kết phiên sáng tăng 1.68 điểm và đạt 1,013.98 điểm; chỉ số HNX-Index tăng 0.12 điểm và đạt 106.36 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng thu hẹp dần song vẫn nghiêng về bên mua với 256 mã tăng và 247 mã giảm điểm. Sắc xanh chiếm ưu thế trong rổ VN30 khi cả rổ có 18 mã tăng, 10 mã giảm và 2 mã đứng giá.
VN-Index một lần nữa chịu khuất phục trước mốc 1,015 điểm khi lại thu hẹp đà tăng khi tiến tới đây, qua đó tạo nên một nhịp giằng co trên chỉ số. GAS, VIC, VHM kết phiên sáng vẫn là những trụ chính trên sàn HOSE, trong khi VNM vẫn tiếp tục là tác nhân chính tạo sức ép lên chỉ số. Mã này hiện giảm hơn 2% với mức khối lượng lớn và bị khối ngoại bán ròng mạnh. Doanh nghiệp vừa công bố về việc mua thành công 6.6 triệu cp GTN, nâng sở hữu tại CTCP GTNFoods (HOSE) lên mức 43.17%.
So với diễn biến đầu phiên thì nhóm ngân hàng đã tích cực hơn khi phân hóa trở lại với điểm nhấn ở VPB, KLB khi tăng hơn 1%, LPB giảm hơn 1%, còn lại đều dao động quanh mốc tham chiếu.
Nhóm chứng khoán cũng không mấy khả quan khi sắc đỏ mở rộng trong nhóm, với các ông lớn trong nhóm là SSI, HCM, VND đều giảm dưới 1%.
Dòng tiền tại giao dịch thỏa thuận cũng khá sôi động với gần 20 triệu cổ phiếu đã được “trao tay”, với điểm nhấn nằm ở hơn 5 triệu cổ phiếu SAB được giao dịch ở mức giá sàn.
Tiện ích hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.61%. Ngược lại, thực phẩm - đồ uống hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.11%.
Khối ngoại bán ròng gần 79 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng gần 3 tỷ đồng trên sàn HNX. Phần lớn lực bán ròng trên sàn HOSE tập trung vào VNM khi khối này bán ròng với tổng giá trì hơn 70 tỷ đồng. NVB là các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trên sàn HNX.
10h30: Giao dịch khó hiểu tại VNM, SAB; VN-Index giành lại tham chiếu
VN-Index xanh trở lại khi lực cầu được đẩy mạnh trên nhóm Large Cap rổ VN30.
Tới 10h30, độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 249 mã tăng và 206 mã giảm điểm. Sắc xanh chiếm ưu thế trong rổ VN30 khi cả rổ có 17 mã tăng, 10 mã giảm và 3 mã đứng giá.
Chính cú sụt giảm khó hiểu ở hai Large Cap ngành thực phẩm - đồ uống hiện là SAB và VNM chính là lý do khiến VN-Index từng có lúc rơi về mốc 1,005 điểm, cụ thể là hơn 3,400 cổ phiếu SAB đã được giao dịch tại giá sàn, 360 cổ phiếu VNM được giao dịch tại mức giá 120,000 đồng (rớt hơn 4% so với tham chiếu).
Còn ở hiện tại, VNM là tác nhân chính tạo sức ép lên VN-Index, theo sau là VCB (đã thu hẹp đà giảm), MSN. Ở chiều ngược lại, GAS, SAB, VHM là những trụ chính giúp VN-Index lấy lại sắc xanh.
BVH là nhân tố bất ngờ chính trong rổ VN30 khi tăng gần 2%. Theo thông tin về chi trả cổ tức của doanh nghiệp, hôm nay chính là ngày giao dịch không hưởng quyền, qua đó lý giải một phần về lượng khối lượng thấp hiện tại. Còn theo góc nhìn kỹ thuật, BVH đang tiến đến kiểm định vùng 74,200-75,500 và nếu vượt được vùng này, điểm đến tiếp theo của mã nhiều khả năng sẽ là vùng 78,000-79,600.
MWG, CTG, GAS cũng là những mã tăng hơn 1% tại rổ VN30, song diễn biến các mã lại có phần khác nhau. MWG tăng nhưng nhiều khả năng cũng chỉ là hồi kỹ thuật, trong khi diễn biến GAS lại tích cực khi đã vượt vùng 106,000-107,000, còn CTG thì cho tín hiệu kết thúc nhịp điều chỉnh hiện tại.
TCH tiếp tục tăng mạnh hơn 2% và đánh dấu phiên tăng thứ 4 liên tiếp với lý do chính cũng đến từ thông tin TCH chuẩn bị trả tạm ứng cổ tức 2019 bằng tiền với tỷ lệ 4.5% trong bối cảnh đã báo lãi khủng, qua đó giúp nhà đầu tư có cái nhìn tích cực hơn về mã. Còn về kỹ thuật, giá đã vượt khỏi kháng cự tại vùng 23,900-24,800 và dự kiến điểm đến tiếp theo là kháng cự tại vùng 28,100-29,100.
Nhóm bất động sản đang phân hóa song vẫn tìm được vài điểm nhấn tích cực như ở IJC, DIG, DRH với mức tăng hơn 2%. NVL sau phiên giảm mạnh hiện đang nhích nhẹ trên tham chiếu, PDR và KDH đứng giá, còn NDN, HDG giảm nhẹ dưới 1%.
Mở cửa: Ngân hàng đỏ lửa, VN-Index mở phiên với sắc đỏ
Chỉ số VN-Index mở phiên giảm hơn 2 điểm với lý do chính đến từ sắc đỏ ở nhóm ngân hàng.
Tới 9h30, độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 177 mã tăng và 142 mã giảm điểm. Sắc đỏ mở rộng trong rổ VN30 khi cả rổ có 9 mã tăng, 18 mã giảm và 3 mã đứng giá.
VCB hiện là mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới VN-Index khi lấy đi hơn 1 điểm của chỉ số, theo sau là VNM, BID, MSN. Qua đó là tác nhân chính khiến thị trường mở phiên với sắc đỏ. Ở chiều ngược lại, VHM, MWG hiện là mã tác động tích cực nhất tới chỉ số.
Các cổ phiếu bất động sản là nhóm có diễn biến tích cực nhất sau phiên ATO khi sắc xanh đang mở rộng dần tại nhóm này, điển hình như SDI tăng 1.7%, NVL, DIG và NLG cùng tăng 0.5%.
Thông tin giá dầu giảm đã ảnh hưởng tới nhóm dầu khí sau phiên ATO khi nhóm này đang có sự phân hóa, với biên độ dao động dưới 1%.
HNX-Index hiện đang tăng 0.09% với động lực chính đến từ SHB, CDN và VCS.
Bán lẻ hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 0.87%. Ngược lại, thực phẩm - đồ uống hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.03%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận