Nhịp đập Thị trường 23/07: Giao dịch cầm chừng trong nửa sau phiên sáng
VNindex giảm 1 điểm vào giữa trưa, trong bối cảnh future Mỹ tăng, châu Á phân hóa. Có thể nói vui rằng sàn Việt bây giờ nhìn qua sàn Trung Quốc nhiều hơn là sàn Mỹ. Diễn biến giao dịch nửa cuối phiên sáng nay khá buồn tẻ và nghiêng về hướng giảm. Đây có lẽ không phải là tín hiệu tốt cho phiên chiều.
Nhóm VN30 chỉ có 9 mã tăng giá, so với 20 mã giảm. Bộ ba Vingroup đã cùng đứng chung nhóm tăng giá, trong đó VRE giữ được đà tăng ổn định ở mức gần 5%. Khối ngoại đã mua ròng hơn 1,2 triệu cp VRE sáng nay, và có lẽ chính là lực lượng đẩy giá cổ phiếu, và góp phần giúp thanh khoản sáng nay đạt hơn 5.4 tr.cp, gấp gần 2.5 lần cả ngày hôm qua. Tuy nhiên ngoại trừ VRE, 8 mã còn lại chỉ tăng dưới hoặc bằng 1%. PNJ bất ngờ tăng 0.3% dù kết quả quý 2 không hề đẹp. Tương tự, trong 20 mã giảm giá, ROS giảm mạnh nhất 4.7%, HPG bất ngờ giảm 1.25%, còn lại hầu hết cũng chỉ giảm nhẹ hơn -1%.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cho thấy diễn biến trên 2 sàn này có vẻ xấu hơn nhiều so với sàn HOSE. Trên HNX, SHB đã kéo đà giảm giá lên hơn 3%, và cổ phiếu cùng 1 nhà là SHS cũng giảm 3.4%. Trong số Large Cap sàn HNX, chỉ có PHP, VCG … tăng giá nhẹ, đa số đều giảm. Trên Upcom tình trạng tương tự với hầu hết largecap.
Xét theo nhóm ngành, đa số đều chìm trong sắc đỏ, như ngân hàng, chứng khoán, mía đường, dệt may, cao su, săm lốp, nhựa… May mắn là nhóm bất động sản, dầu khí cũng có những đầu tàu tăng giá, và 1 số nhóm nhỏ hơn lại có nhiều sắc xanh như than, nước, nhiệt điện…
Nhóm ngân hàng không có mã nào tăng giá vào cuối phiên sáng, kể cả BVB vốn từng tăng khá trong phiên. VCB giảm nhẹ dù đầu phiên đứng giá,đa số mã khác giảm trên dưới 1%, “cá biệt” có SHB giảm hơn 3%. VPB dù được Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm nhưng không kéo giá nổi lên tới tham chiếu.
Cả 2 nhóm BĐS công nghiệp và dân dụng có phân hóa trong nửa sau phiên sáng nay, nhưng nhìn chung còn đỡ ngộp hơn so với nhiều nhóm ngành khác. Trong nhóm công nghiệp, một số mã tăng đến cuối phiên như IDV, LHG, SIP, NTC. Ở nhóm nhà ở, 2 đầu tàu VHM và VRE xanh suốt sáng, và 1 số mã tầm trung cũng giữ màu như vậy, ví dụ HDG, PDR, SJS…
10h30: Cú hụt chân trong vài phút
VN-Idex bất ngờ rớt hơn 3 điểm sau vài phút giao dịch e dè, may mắn là sau đó lại nhanh chóng được kéo về tham chiếu. Dòng VN30 là tác nhân gây ra cút hụt chân này, có thể từ các mã như BVH, SAB, MWG…
Nhóm ngân hàng hiện gần như mất hết thành quả tăng giá lúc đầu phiên. Chỉ có BVB tăng giá 1.6%, còn lại đa số giảm giá, bao gồm cả 4 đại gia gốc nhà nước. Giảm giá mạnh nhất đang là SHB (-2.4%), cổ phiếu này có lẽ cũng là mã đè chỉ số HNX-Index mạnh nhất.
VRE vẫn giữ được mức tăng cao, hơn 4% có lẽ nhờ khối ngoại mua ròng mạnh. Chưa rõ VRE tăng vì tin gì, nhưng không chắc là liên quan đến kết quả quý 2 (công ty chưa công bố). Nhóm VN30 có 8 mã tăng giá, so với 20 mã giảm giá, nhưng 7/8 mã tăng đó đều có mức tăng rất thấp chừng 1%.
HNX-Index giảm mạnh dưới tham chiếu, một phần lớn có lẽ do nhóm ngân hàng như SHB, ACB và NVB. SHS, VCS, NTP cũng là những largecap khác giảm giá vào lúc này, nhưng VCG đã hồi và tăng trở lại. Số lượng cổ phiếu giảm giá trên sàn HNX hiện nhiều gấp đôi số tăng giá.
Nhóm BĐS công nghiệp lại có dấu hiệu gây chú ý khi một loạt mã hiện sắc xanh, nhiều hơn hẳn so với ATO, như IDC, IDV, LHG, NTC, SIP…
UPCoM-Index có diễn biến tương tự HNX-Index, nhưng mức giảm thấp hơn, một phần vì cán cân tăng – giảm giá trên UPCoM vẫn khá cân bằng. Lưu ý rằng trong số các largecap nổi bật nhất sàn này, đa số đều giảm giá, như họ nhà Viettel, QNS, ACV, BCN, BSR, HND, LPB, VIB, VEA… Có lẽ nhờ “capping” mà tác động tiêu cực của những largecap này lên chỉ số đã được làm dịu xuống.
Nhóm BĐS nhà ở đã có phân hóa mạnh hơn, không còn đồng pha xanh mướt như đầu phiên. Một số mã đã đổi sang màu đỏ như DXG, KDH, LDG… 2 đầu tàu VHM và VRE vẫn tăng khá.
Đa số nhóm ngành có nhiều sắc đỏ, điều này không phản ánh KQKD Q2 mà theo tâm lý nhiều hơn, tuy nhiên nhóm than sáng nay lại có nhiều mã dậy sóng tăng, như MVB, TDN, THT, TVD, TC6… Thanh khoản cũng cải thiện, vốn trước đây rất kém ở nhóm ngành này. TDN vừa báo lãi quý 2 gấp 9 lần cùng kỳ năm trước, không rõ thông tin này có khiến NĐT liên tưởng đến các cổ phiếu khác trong cùng ngành hay không.
GAS tăng trở lại 0.6%, PGD bất ngờ được đẩy hơn 2% nhưng nhìn chung nhóm dầu khí họ PVN vẫn ngập trong sắc đỏ.
Mở cửa: Cổ phiếu nhóm nhà ở gây chú ý, Index tăng dè dặt
VN-Index mở cửa 854.9 điểm, ngay dưới tham chiếu nhưng rồi đã tăng vọt lên hơn 856 điểm.
Diễn biến này cho thấy sức ảnh hưởng từ diễn biến từ các sàn chứng khoán lớn Âu, Á hay sàn Mỹ đêm qua, tuy nhiên dường như nhà đầu tư Việt vẫn đang e dè về điều gì đó, cho nên dù đồng pha với thế giới, nhưng mức tăng của VN-Index rất khiêm tốn. Thậm chí chỉ số Mid Cap sàn HOSE hay HNX-Index còn giảm nhẹ sáng nay.
Thị trường đang bước vào nửa cuối “mùa” BCTC Q2, tính đến hôm nay. Hơn 1/3 số công ty trên cả 3 sàn đã công bố BCTC Q2, có tăng có giảm nhưng dường như cũng không xấu quá như những e ngại trước đó liên quan đến Covid-19. Tuy nhiên diễn biến giá cổ phiếu lại không phải lúc nào cũng phản ứng theo kết quả kinh doanh này, ví dụ như nhóm ngân hàng. Sáng nay dù sắc xanh chiếm ưu thế, nhưng khá ngạc nhiên khi 1 số mã có kết quả Q2 tăng trưởng tốt lại có sắc đỏ, như VPB, ACB, CTG…
VRE đang là cổ phiếu nổi nhất nhóm VN30 đầu sáng nay, khi tăng 2.5% với khối lượng khớp đã gần bằng nửa cả ngày hôm qua. Nhóm này nhìn chung sắc xanh đang nổi trội, nhưng mức tăng giá cổ phiếu đa phần dưới 1%. Có lẽ cũng dễ hiểu khi đa số cổ phiếu nhóm này vẫn chưa ra số quý 2. ROS đang đứng đầu nhóm giảm giá, và đang giảm phiên thứ 7 liên tục.
HNX-Index dù có thời khắc tăng trên tham chiếu, nhưng đến lúc này lại đang giảm bên dưới. 1 số Large Cap như ACB, SHB, VCG, SHS… đang kéo trì chỉ số sàn này xuống, dù về tổng thể, cán cân tăng giảm giá đang khá cân bằng. S99, 1 mã vốn hóa nhỏ sàn HNX nhưng tăng sốt trong 2 tháng nay, sáng nay giảm nhẹ.
Khá nhiều Large Cap sàn UPCoM giảm giá nhẹ như HND, QNS, VEA, VTP… nhưng chỉ số sàn này duy trì mức tăng trên tham chiếu. Có lẽ ảnh hưởng từ Large Cap nơi đây đã bị giảm thiểu do yếu tố “capping” trong chỉ số.
Nhóm BĐS dân dụng đang có nhiều sắc xanh, từ VHM đến 1 loạt mã tầm trung như NLG, DIG, HDG, NTL… Có lẽ thông tin về đề xuất từ NHNN, rằng sẽ hoãn thời điểm áp dụng quy định mới về tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn, đang ảnh hưởng tích cực lên nhóm ngành này.
Cặp đôi có câu chuyện đằng sau là LDG và DXG thì LDG tăng giá hơn 1% còn DXG đang đứng giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận