Nhịp đập Thị trường 22/11: Lại bị đè về mốc 980 điểm
Tuy Large Cap vẫn là lý do chính cho đợt giảm điểm hôm nay song nếu nhìn vào VN30-Index thì chỉ số chỉ giảm nhẹ dưới mốc tham chiếu, qua đó chứng tỏ đà giảm hôm nay còn đến từ nhóm Mid Cap và Small Cap từ các ngành khác trên thị trường. Việc độ rộng thị trường khá rộng với 213 mã tăng và 384 mã giảm cũng hàm ý điều này.
Trong bối cảnh VHM và VCB bị đè nén dữ dội và không có một trụ đỡ nào ở chiều ngược lại, câu hỏi đặt ra không còn là liệu VN-Index có phục hồi mà là chỉ số sẽ giảm bao nhiêu điểm trong phiên hôm nay.
VN-Index đã có một nhịp hồi trong khoảng 30 phút đầu giao dịch phiên chiều, song đã nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại lực cung lại gia tăng. Diễn biến hiện tại của chỉ số hiện xoay quanh 3 mã chính là VRE, VCB và VHM khi chỉ 3 mã đã khiến chỉ số mất hơn 3 điểm. Tuy nhiên, khối ngoại lại có động thái trái chiều ở 3 mã này khi bán ròng mạnh VHM, VCB nhưng mua ròng VRE. Ở chiều ngược lại, chỉ có 4 mã giữ được sắc xanh trên 1% là DPM và HPG, song khối ngoại chỉ mua ròng mỗi HPG.
SCR bất ngờ bật tăng mạnh trong phiên chiều nay ở mức hơn 4%, nhiều khả năng cũng nhờ thông tin về kiện ký kết hợp tác chiến lược giữa TTC Land và Lotte E&C trong ngày hôm nay. Mã này cũng đã báo lãi quý 3 cao nhất trong 5 quý gần đây khi gấp 4.5 lần cùng kỳ năm trước.
Diễn biến nhóm xây dựng không mấy khả quan khi Large Cap CTD tiếp tục “đổ” với mức giảm hơn 2%, HBC, CII giảm trung bình ở mức 3%. Theo góc nhìn kỹ thuật thì cả 3 mã đều cho tín hiệu tiêu cực. C69 có thể xem là lạc quan nhất nhóm này khi đã thoát giá sàn và đang đứng tại tham chiếu. Chăm sóc sức khỏe hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 0.99%. Ngược lại, bán buôn hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.28%.
Phiên sáng: VCB, VHM sụt giảm; VN-Index lao dốc và mất hơn 4 điểm
Chỉ số VN-Index kết phiên sáng giảm 4.75 điểm và đạt 983.14 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 0.52 điểm và đạt 104.22 điểm. Độ rộng thị trường rộng dần và nghiêng hẳn về bên bán với 204 mã tăng và 322 mã giảm điểm.
Đã có sự đảo chiều ở top những mã có ảnh hưởng nhất tới VN-Index khi chỉ còn VIC và SAB là đóng góp gần 1 điểm tới VN-Index ở bên tăng, trong khi số mã có ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số tăng dần, dẫn đầu là VHM khi khiến chỉ số mất hơn 2 điểm, theo sau là VCB, VRE.
Không rõ vì lý do gì mà kể từ lúc 11h trở đi, VHM liên tục bị “đạp” và kết phiên sáng với mức giảm gần 3%, ngoài ra VRE cũng chịu cảnh tương tự với mức giảm 3%. Phải chăng cũng là do sau khi đã công bố thông tin về việc mua cổ phiếu quỹ, VHM và VRE vẫn chưa mua bất kỳ cổ phiếu quỹ nào, qua đó khiến tâm lý nhà đầu tư nao núng và bắt đầu bán tháo cả 2 cổ phiếu?
VN-Index rớt mạnh và rơi về vùng 980-985 điểm, qua đó biến mọi dự báo về triển vọng tích cực của chỉ số trong ngắn hạn tan biến khi theo kỹ thuật, chỉ số đã rơi khỏi trendline tăng ngắn và trung hạn. Hiện vùng 980-985 điểm sẽ là hỗ trợ cho chỉ số và nếu chỉ số rơi khỏi vùng này, nhiều khả năng chỉ số đã trở lại với xu hướng giảm. Khả năng này là hoàn toàn có thể trong bối cảnh các ông lớn như VCB, VHM, VRE, VNM đều đang phát các tín hiệu kỹ thuật đầy tiêu cực.
VBB là điểm sáng duy nhất tại nhóm ngân hàng với sắc xanh hơn 5% với thanh khoản cải thiện so với những phiên trước, trong khi các ông lớn trong ngành như VCB, BID, ACB đều điều chỉnh.
Diễn biến nhóm đầu cơ cũng không có gì đặc sắc khi không có mã nào có khối lượng tốt. TCH là một điểm nhấn bất thường khi tăng cận trần và khớp lệnh hơn 3 triệu cổ phiếu. VSH cũng là một trường hợp tương tự khi tăng 6.3% và có thanh khoản cải thiện so với những phiên trước, nhiều khả năng là nhờ thông tin thắng kiện nhà thầu Trung Quốc hơn 2,000 tỷ đồng.
Nhóm chứng khoán cũng lủi đầu theo thị trường khi bị sắc đỏ chi phối, với FTS đảo chiều giảm trở lại hơn 1% và hàng loạt sắc đỏ hơn 1% từ SHS, VND, HCM, TVB,….
Chỉ số HNX-Index cũng không khá khẩm hơn khi liên tục chịu sức ép đến từ ACB và VCS, qua đó khiến chỉ số chỉ biết chìm dần khỏi mốc tham chiếu. MBG ở sàn này đã dứt cơn nằm sàn và tăng hơn 4% trở lại nhờ vào lực cầu bắt đáy dồi dào.
Vật liệu xây dựng hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 0.81%. Ngược lại, bán buôn hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.19%.
Khối ngoại mua ròng hơn 9 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng gần 5 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực mua ròng tập trung ở các cổ phiếu ROS, VNM và chứng chỉ quỹ E1VFVN30 trên sàn HOSE. MBG, PVS là các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX.
10h40: Thu hẹp đà tăng
Lực cung được đẩy ra dần khiến sắc xanh trên nhóm Large Cap của thị trường bị thu hẹp dần.
Độ rộng thị trường tính tới 10h30 khá hẹp và cân bằng với 229 mã tăng và 230 mã giảm điểm.
Sắc xanh vẫn được giữ vững trên đa phần các mã rổ VN30, song chỉ có VRE và EIB là lùi nhẹ trở lại dưới mốc tham chiếu, khiến cả rổ còn 27 mã tăng và 3 mã giảm. Tuy nhiên, mức tăng trên các mã cũng đã bị thu hẹp dần, điển hình như DPM còn dưới 3%, VPB còn dưới 2% và số mã tăng hơn 1% chỉ còn lại 9 mã. Điều này đã giúp mức tăng ở VN-Index chỉ còn dưới 4 điểm.
Trong khi đó, HNX-Index lại “đổ đèo” và rơi khỏi tham chiếu, khi lực đỡ từ PVS không còn cũng như là sắc đỏ từ ACB lớn dần và đạt gần 1%.
TCH tăng trở lại hơn 4% và thanh khoản lớn và vượt đỉnh cũ trước đó, qua đó đẩy khả năng giá sẽ tiến tới đỉnh cũ tháng 05/2018 tại vùng 27,000-28,000 tăng lên.
TNG là điểm sáng tại nhóm dệt may khi bật tăng hơn 2% kèm thanh khoản có dấu hiệu bùng nổ do chỉ mới sau hơn 1 giờ giao dịch, khối lượng khớp ở mã đã vượt trung bình 5 phiên gần nhất. Điều này là nhờ vào thông tin kết quả kinh doanh 10 tháng khởi sắc khi TNG báo lãi đạt 196 tỷ đồng, vượt 32% cùng kỳ. Các tín hiệu kỹ thuật của cổ phiếu cũng đã báo hiệu về một nhịp hồi phục trên giá trong những phiên tới. Sắc xanh cũng đang bao trùm nhóm dệt may, song nếu xét về thanh khoản thì lại không mấy tích cực khi đa phần các mã đều có thanh khoản kém.
BCM cũng đang là điểm nhấn tại nhóm bất động sản khu công nghiệp khi tăng hơn 4% và khối lượng có cải thiện so với 4 phiên gần nhất. Phải chăng lực tăng này đến từ thông tin mã sẽ chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE vào tháng 01/2020. Theo góc nhìn kỹ thuật thì BCM đã cho tín hiệu tạo đáy tại hỗ trợ cũ là đáy tháng 07/2019, sau khi đạt gần mục tiêu của mẫu hình Double Top trước đó, qua đó khiến khả năng giá có hồi phục tiếp tục tăng lên. Diễn biến tại nhóm bất động sản khu công nghiệp thì lại đang phân hóa, với SZL, VGC giảm hơn 1%, còn KBC tăng hơn 1% với lực mua ròng mạnh từ khối ngoại.
Vật liệu xây dựng hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 0.81%. Ngược lại, bán buôn hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.19%.
Mở cửa: VN-Index bật tăng trở lại
Sau phiên ATC kinh hoàng hôm qua, đầu phiên sáng 22/11, VN-Index mở phiên bật tăng hơn 5 điểm với công lớn đến từ nhóm Large Cap rổ VN30 khi VN30-Index tăng hơn 7 điểm ngay từ đầu phiên.
Độ rộng thị trường hiện nghiêng về bên mua với 218 mã tăng và 136 mã giảm điểm.
Rổ VN30 xanh rói với 28 mã tăng, 1 mã giảm và 1 mã đứng giá. Hiện có hơn 12 mã tăng hơn 1%, với DPM và VPB dẫn đầu với mức tăng lần lượt là 3.1% và 2%. Tuy nhiên, khối ngoại không mấy mặn mà với rổ này khi hầu hết đều bán ròng các mã trong rổ, song chỉ có mua ròng mạnh hơn 1 triệu cổ phiếu ROS như những ngày trước.
VCB, GAS, VNM, TCB là những trụ chính trên thị trường hiện tại, và đối trong với những mã này là ROS, PPC, HNG và POW.
Chỉ số HNX-Index mở phiên với sắc đỏ, song cũng nhanh chóng leo trở lại lên tham chiếu ở những phút sau đó, với lực kéo lên chính từ PVS, PVX, DHT.
Nhóm dầu khí mở phiên khá phân hóa bất chấp thông tin giá dầu thế giới tiếp tục khởi sắc. PVS, PVD hiện sắc xanh trong khi PVC, PLX điều chỉnh.
Bảo hiểm hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.25%. Ngược lại, sản phẩm cao su hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 0.71%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận