Nhịp đập Thị trường 20/03: Quỹ đảo danh mục, hàng loạt ông lớn nằm sàn
VN-Index kết phiên giảm 2.23%, đạt mức 709.73 điểm; chỉ số HNX-Index tăng 0.8 điểm và đạt mức 101.79 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 226 mã tăng và 350 mã giảm.
Diễn biến HNX-Index có phần khả quan hơn khi kết phiên trong sắc xanh, với lực đỡ đến từ ACB, SHB và PVS. Trong khi đó, VN-Index giảm sâu dưới sức ép đến từ VIC, VCB và VHM.
Rổ VN30 kết phiên phân hóa với 12 mã tăng, 13 mã giảm và 5 mã đứng giá, trong đó hàng loạt các mã có biến lớn dưới hoạt động tái cơ cấu danh mục quý 1/2020 của hai quỹ FTSE và VNM ETF. Các mã VIC, BVH, ROS, VCB đều giảm sàn và cận sàn, ngay cả VHM và VRE cũng nằm sàn dù kết quả của kỳ đảo danh mục là mua ròng. Ở chiều ngược lại, VJC bay cao khi bứt phá hơn 5%, dẫu cũng nhờ lực cầu từ cả hai quỹ.
Nhóm dầu khí kết phiên đầy ấn tượng với sắc tím trên PVD và sắc xanh hơn 7% ở PVS, dù cả hai mã vẫn đang bị khối ngoại “xả hàng”. Theo sau cả hai là GAS gần 5%, OIL hơn 3%, ngoài ra PVB, PVC cũng đã xanh trở lại. Với sự hồi phục của giá dầu khi có sự can thiệp của Mỹ vào thị trường dầu mỏ, kỳ vọng nhóm này sẽ tăng trở lại trong ngắn hạn được thắp lên. Tuy nhiên, các hoạt động đầu tư vào nhóm này chỉ nên là lướt sóng nhằm đảm bảo an toàn.
Các mã Penny tăng trần trước đó như QCG, DRH, AMD, HAI,… tiếp tục tình trạng nằm sàn, trong đó thanh khoản ở QCG, HAI, DRH rất thấp cho thấy nhiều khả năng đà nằm sàn sẽ còn tiếp diễn trong những phiên tới. Điều này gợi nên câu hỏi rằng liệu con sóng Penny đã kết thúc?
NKG nổi bật tại nhóm sắt thép khi nằm sàn và tiếp tục đạt thanh khoản đột biến, trong bối cảnh HPG, HSG cũng mất hơn 2% và bị khối ngoại bán ròng mạnh. Một điểm chung khác ở các mã này là đều đã rơi về hỗ trợ mạnh là các đáy cũ trong quá khứ.
Khối ngoại bán ròng hơn 900 tỷ đồng trên sàn HOSE và hơn 22 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực bán ròng tập trung ở các cổ phiếu HPG, VCB, MSN, VNM trên sàn HOSE. PVS, VCG và SHS là các mã bị bán ròng nhiều nhất tại sàn HNX, với giá trị hơn 14 tỷ đồng ở PVS.
14h00: Cổ phiếu dệt may nới rộng đà giảm
Hoạt động bắt đáy được đẩy mạnh tại rổ VN30 vào đầu phiên chiều khi chỉ số đang dần hồi phục trở lại, và hiện chỉ giảm gần 8 điểm, qua đó giúp VN-Index hồi lại so với mức giảm đầu phiên chiều.
Độ rộng thị trường tính tới 14h đang nghiêng về bên bán với 199 mã tăng và 389 mã giảm điểm.
Sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế tại rổ VN30 với 21 mã giảm, 4 mã tăng và 1 mã đứng giá, song ROS hiện đang là tâm điểm khi đã nằm sàn cùng với áp lực bán tháo từ nhà đầu tư nước ngoài. Theo sau đó, VRE lao dốc hơn 6%, SAB cùng VCB sụt giảm mạnh hơn 5%, MSN, SBT, VHM và HDB đồng loạt giảm hơn 2.5%. Ở phía sắc xanh, GAS nhảy vọt hơn 1.5%, VNM cũng góp vui khi tăng hơn 1%, PLX và CTD nhích nhẹ trên mốc tham chiếu.
ABS sau khi được niêm yết trên sàn HOSE vào phiên ngày 18/03/2020 thì đã liên tục tăng kịch trần trong 3 phiên. Trong khi đó, các cổ phiếu như HQC, FIT, AMD, HAR sau khi liên tục khoác sắc tím rịm trong nhiều phiên trước, nay đều đồng loạt nằm sàn.
Sự ảm đạm là từ ngữ nói lên diễn biến hiện tại của nhóm bất động sản dân dụng. VRE lao dốc hơn 6%, theo sau là mức giảm hơn 5% của HAR và VHM. VIC, NLG, NVL và DXG cùng nhau sụt giảm hơn 3%. Theo góc nhìn kỹ thuật, sau khi tạo cây nến Hammer trong phiên ngày 16/03/2020, hàm ý sự đảo chiều trong tâm lý của nhà đầu tư, HAR xác nhận nhịp phục hồi bằng cây nến White Closing Marubozu trong phiên tiếp theo. Tuy nhiên, giá đã không chinh phục được đường SMA 50 ngày và tạo cây nến Black Opening Marubozu trong phiên ngày 19/03/2020, điều này cho thấy tâm lý bi quan của nhà đầu tư. Hiện giá tiếp tục tạo cây nến Black Marubozu và đáy tháng 03/2020 sẽ là hỗ trợ gần nhất với giá.
Đa số các cổ phiếu nhóm bất động sản khu công nghiệp đều đang khoác sắc đỏ. Cụ thể, KBC lao dốc gần 6%, theo sau đó là BCM và D2D cùng giảm hơn 3%, TIX sụt giảm hơn 2.5%. Ở phía sắc xanh, NTC bứt phá mạnh hơn 4%, LHG tăng hơn 1%.
Diễn biến nhóm dệt may ngày một tiêu cực khi TNG hiện đã mất gần 7% giá trị, theo sau là TCM gần 6%, MSH và STK hơn 3%. Tuy nhiên, điểm sáng trong nhóm có thể kể đến thanh khoản khi hầu như mã nào cũng có thanh khoản lớn, chứng tỏ lực cầu đang được kích hoạt tốt.
Phiên sáng: Liên tục rớt điểm
VN-Index kết phiên sáng giảm 1.66%, đạt mức 713.89 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 0.22 điểm và rơi về mức 100.77 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 221 mã tăng và 318 mã giảm.
Sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế tại rổ VN30 với 16 mã giảm, 11 mã tăng và 3 mã đứng giá, song dẫn đầu sắc đỏ hiện tại lại là VRE gần 6%, theo sau là ROS, VHM, HDB ở mức 5%. Khối ngoại đều bán ròng mạnh các mã này. POW, CTG, HPG, BID và VJC là những mã tích cực hơn khi chỉ lùi nhẹ dưới tham chiếu.
Ở chiều ngược lại, GAS bứt phá hơn 3% với sự hỗ trợ đến từ giá dầu, đi sau là PLX và VNM hơn 1%. Theo góc nhìn kỹ thuật, GAS đang có tín hiệu tạo đáy tại vùng 55,000-60,000 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục sideway tại đây.
GVR sau khi được niêm yết trên sàn HOSE đã liên tục rớt mạnh và hiện nằm cận sàn. Mã đã rơi về hỗ trợ là đáy cũ tháng 10/2018 (vùng 8,600-9,100) nên kỳ vọng giá sẽ chững lại đà giảm tại đây tăng lên. Trong khi đó, diễn biến nhóm cao su khá bình yên với PHR, TRC, DPR chỉ lùi nhẹ dưới tham chiếu.
Diễn biến nhóm hàng không không mấy bi quan khi các mã chỉ giảm nhẹ dưới 1%, điển hình như ACV, HVN, SCS, NCT. Trong khi đó, SGN gây ấn tượng với sắc tím và thanh khoản vượt trội (hơn 150 ngàn đơn vị được khớp).
Biên độ giảm tại nhóm dệt may đã lớn dần trên từng cổ phiếu với TCM, FTM, TNG và MSH đều mất hơn 2% thị giá, đồng thời các tín hiệu kỹ thuật vẫn chưa cho dấu hiệu chững lại của đà giảm hiện tại.
Nhóm dầu khí khá phân hóa với PVC, PVB lùi gần 2%, trong khi PVD, PVS bứt phá hơn 3%. Tuy nhiên, niềm tin của khối ngoại ở nhóm vẫn chưa được khôi phục khi tình trạng bán ròng vẫn diễn ra ở nhóm, trong bối cảnh tình hình giá dầu diễn ra phức tạp và khó lường trước được.
Khối ngoại bán ròng hơn 300 tỷ đồng trên sàn HOSE và 6 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực bán ròng tập trung ở các cổ phiếu HPG, VCB, MSN, VHM trên sàn HOSE. PVS, SHS, PVC các mã bị bán ròng nhiều nhất tại sàn HNX, với giá trị hơn 4 tỷ đồng ở PVS.
10h10: Rớt khỏi tham chiếu
VN-Index nhanh chóng rớt khỏi tham chiếu khi áp lực bán mạnh dần tại rổ VN30.
Rổ VN30 đảo chiều với 15 mã giảm, 12 mã tăng và 3 mã đứng giá, trong đó HDB dẫn đầu với sắc đỏ hơn 5%. Theo sau mã này là bộ ba nhà Vingroup VHM, VRE, VIC khi rớt hơn 3%, song lực cung có phần yếu ớt bởi thanh khoản ở các mã rất thấp, trong đó VIC chỉ khớp gần 20 ngàn đơn vị, VHM gần 80 ngàn và VRE gần 130 ngàn. Một điểm đặc biệt khác ở cả ba nằm ở phiên ATC khi các mã liên tiếp được “cứu” trong phiên này.
Con sóng Penny dường như đã kết thúc khi hàng loạt các mã đánh mất đà tăng kịch trần từ phiên hôm qua, và tiếp tục nằm sàn trong phiên hôm nay như QCG, HAI, FIT, AMD ,… Ngoài ra, thanh khoản của các mã này khá thấp, đặc biệt là ở HAI và QCG, qua đó cho thấy nhiều khả năng nhịp nằm sàn này sẽ còn tiếp diễn.
Nhóm dệt may đỏ lửa song điểm sáng là không có mã nào giảm sâu, điển hình như TCM, VGT, TNG rớt hơn 1%, MSH, VGG lùi nhẹ dưới tham chiếu, trong khi FTM giảm cao nhất ở mức gần 5%. Nhiều khả năng các mã nhóm này sẽ tiếp tục có diễn biến tiêu cực bởi hai thị trường nhập khẩu lớn là EU, Mỹ tạm ngưng nhập hàng dệt may từ Việt Nam trong 3 - 4 tuần.
Nhóm ngân hàng phân hóa trở lại với số mã tăng, giảm khá đồng đều, song sắc đỏ đang có phần chiếm ưu thế khi biên độ giảm đều hơn 1%, trong khi biên độ tăng hầu hết đều dưới 1%, ngoại trừ TCB. NKG là điểm nhấn tại nhóm sắt thép với đà giảm hơn 4% cùng thanh khoản tạm ổn. Theo góc nhìn kỹ thuật, mã đã rơi về hỗ trợ mạnh ở vùng 5,500-5,800 (đáy cũ tháng 01, 09/2019) nên nhiều khả năng nhịp giảm sẽ chững lại tại đây.
Mở cửa: Xập xình quanh tham chiếu
Các chỉ số thị trường mở phiên tích cực khi bật nhẹ trên mốc tham chiếu, với lực đỡ đến từ nhóm Large Cap. Tuy vậy, chỉ số vẫn chưa thể tìm lại đà tăng mà rơi vào cảnh giằng co quanh tham chiếu.
Độ rộng thị trường tính tới 9h30 đang nghiêng về bên mua với 174 mã tăng và 145 mã giảm điểm. Số mã tăng, giảm trong rổ VN30 đang nghiêng về sắc xanh khi cả rổ có 22 mã tăng, 7 mã giảm và 1 mã đứng giá.
GAS, BID và VNM đang là những tác nhân chính mang lại sắc xanh cho VN-Index. Ở chiều ngược lại, TCH, HNX cùng TPB là những mã có tác động tiêu cực và kìm hãm đà tăng mạnh của chỉ số.
Sau phiên ATO, sắc xanh đang chiếm ưu thế ở nhóm ngân hàng. Cụ thể, NVB bật tăng gần 2.5%, BID cùng CTG cũng không chịu thua kém khi nhảy vọt 1.5%, MBB, STB và VCB nhích nhẹ trên mốc tham chiếu. Ở phía sắc đỏ, HDB sụt giảm gần 1.5% trong khi SHB giảm gần 1%.
Hòa chung với diễn biến của ngành ngân hàng, diễn biến của nhóm công nghệ thông tin khá khởi sắc. CTR bứt phá 3.5%, VGI cùng CMG tăng mạnh hơn 3%.
Thông tin giá dầu bật lên từ mức thấp nhất trong 20 năm đã tác động phần nào vào đà hồi phục của các cổ phiếu nhóm dầu. Có thể kể tên, PVS bứt phá gần 5%, theo sau đó là mức tăng hơn 4% của PVD, GAS cũng góp vui khi bật tăng gần 3.5%. Ở phía ngược lại, PVC lao dốc hơn 4%.
Tiện ích là ngành tăng mạnh nhất thị trường ở mức 3.43%. Ngược lại, tài chính khác hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường ở mức 2.62%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận