24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bảo Toàn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhịp đập Thị trường 18/12: Tình hình vẫn chưa có chuyển biến mới

Áp lực bán duy trì khiến diễn biến của thị trường vẫn tiêu cực với độ rộng thị trường (tới 14h) nghiêng hẳn về bên bán với 209 mã tăng và 306 mã giảm. Song mọi thứ cũng chỉ dừng lại tại đó trong suốt 1 giờ giao dịch đầu phiên chiều.

Nhóm công nghệ thông tin đã chìm trong sắc đỏ với sắc xanh le lói đến từ Large Cap FPT ở mức dưới 1%. Mới đây FPT cũng đã thông báo đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm sau 11 tháng song ở góc nhìn kỹ thuật, mã này đang trong một xu hướng giảm giá ngắn hạn với sự sụt giảm trầm trọng ở thanh khoản trong gần 1 tháng qua. Các cổ phiếu họ Viettel như VGI, CTR rớt mạnh hơn 1%, còn CMG, CMT, DGW cũng trong trường hợp tương tự.

Diễn biến nhóm chứng khoán cũng không khá khẩm gì hơn khi chỉ vài mã tăng nhẹ như BSI, AGR, CTS với thanh khoản thấp, còn lại hầu như đều đã rơi khỏi tham chiếu. VCI, VIX, BVS là những gương mặt trong tình trạng giảm sâu, trong khi các ông lớn là VND, SSI và HCM chỉ lùi nhẹ.

BVH bất ngờ leo lên dẫn đầu rổ VN30 về mức tăng khi đã vượt mức 2% và đạt thanh khoản tốt. Theo sau mã này là BID ở mức 1.8% và đạt khối lượng đột biến với sự góp sức đến từ khối ngoại, khi khối này đã đẩy mức mua ròng đến hơn 500 ngàn đơn vị. Tuy nhiên, theo góc nhìn kỹ thuật, giá vẫn còn một kháng cự mạnh ở vùng quanh mốc 42,800 và nếu vượt được mốc này, khả năng cao giá sẽ tiến đến vùng 44,300 - 45,300.

Tuy nhiên, nếu xét theo mức độ ảnh hưởng tới VN-Index thì VNM và VCB vẫn độc chiếm vị trí trụ chính giúp củng cố chỉ số. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, số mã giảm trong rổ VN30 đã đạt tới 17 mã, trong đó có 8 mã giảm hơn 1% và 4 mã VRE, VHM, MWG và HDB giảm hơn 2%. Điều này là một trong những lý do chính khiến VN-Index vẫn sụt mất 2 điểm.

Nhóm dầu khí đã phần nào khởi sắc hơn trong phiên chiều với sự nhảy vọt của PVD ở mức hơn 3%, PVS ở mức hơn 1%, song BSR, OIL lại điều chỉnh hơn 1%.

HNX-Index cũng dành suốt thời gian giao dịch vừa qua dưới tham chiếu và đã giảm gần 0.7 điểm, với tác nhân chính đến từ đà lao dốc của hàng loạt các mã như ACB, SHB, DNP, IDC… trong khi ở chiều tăng chỉ có một mình PVS là có đóng góp lớn vào chỉ số. Bảo hiểm hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 2.14%. Ngược lại, dịch vụ tư vấn hỗ trợ hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 3.33%.

Phiên sáng: Trụ VNM, VCB đỡ VN-Index khỏi giảm sâu

Chỉ số VN-Index kết phiên sáng giảm 1.54 điểm và đạt 952.49 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 0.55 điểm và đạt 102.35 điểm. Độ rộng thị trường cuối phiên sáng nghiêng về bên bán với 215 mã tăng và 251 mã giảm.

Lực cung vùng giá thấp liên tục được đẩy ra khiến VN-Index vẫn chưa thể quay đầu tăng trở lại, song điểm tích cực là lực cầu ở quanh mốc 950 điểm vẫn xuất hiện giúp chỉ số tránh được tình trạng giảm sâu. Đây hiện là ngưỡng hỗ trợ quan của VN-Index và nếu rơi khỏi đây, một nhịp điều chỉnh về vùng 940-945 điểm khả năng cao sẽ xuất hiện.

Chỉ số hiện tại vẫn chịu chi phối chính bởi nhóm Large Cap, cụ thể là VNM, VCB với mức tăng hơn 1% ở chiều tích cực, và VHM, VIC, VRE ở chiều ngược lại. Tuy nhiên, diễn biến khối ngoại có phần khởi sắc hơn khi đã mua ròng VRE, thu hẹp mức bán ròng ở VHM, đồng thời đẩy mạnh mức mua ròng ở VNM.

Dòng tiền đầu cơ tỏ ra không còn mấy hứng thú với thị trường khi hiện tại, hàng loạt các mã như HAI, AMD, HAR, TSC, KLF rớt mạnh, trong khi ở chiều ngược lại, chỉ có mỗi TGG và HQC là ấn tượng với mức tăng trần và thanh khoản lớn, theo sau là CLG, DLG ở mức tăng gần 5%. Vài mã không phải là penny cũng có mức tăng tốt như VRC khi mã này bứt phá hơn 5% sau 2 tuần giao dịch tích lũy tại đỉnh cũ cuối tháng 10/2018. Với diễn biến hiện tại thì khả năng cao giá sẽ tiến đến test đỉnh cũ tháng 06/2017 một lần nữa.

Sắc xanh le lói trên nhóm dệt may với FTM, TNG và MSH là những nhân vật chính, song đây cũng chỉ là sắc xanh nhẹ. Trong khi đó, TCM, STK, VGT điều chỉnh ở mức hơn 1%. Thông tin TNG lãi 216 tỷ đồng sau 11 tháng, vượt 4% kế hoạch năm có lẽ là không đủ để vực dậy cổ phiếu này khi triển vọng ngành dệt may vẫn khá lu mờ.

Nhóm thủy sản thì có nhiều bất ngờ hơn khi CMX đảo chiều xanh hơn 1% trở lại, theo sau là FMC và TS4. Đà tăng 2 phiên liên tiếp trên cổ phiếu FMC nhiều khả năng đến từ thông tin công ty đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm sau 10 tháng và dự kiến chi gần 74 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt 1/2019 tỷ lệ 15%. Theo góc nhìn kỹ thuật, mã này đã dao động sideways trong hơn 3 tháng nay với hỗ trợ ở vùng 26,300-26,600, kháng cự trung hạn quanh mốc 28,200 và kháng cự ngắn hạn ở mốc 27,500. Nếu vượt được lần lượt các kháng cự này thì một xu hướng tăng mới sẽ trở lại với FMC.

Khai khoáng hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.66%. Ngược lại, dịch vụ tư vấn hỗ trợ hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 2.12%.

Khối ngoại mua ròng gần 43 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng hơn 0.5 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực mua ròng tập trung ở các cổ phiếu ROS, VNM và chứng chỉ quỹ E1VFVN30 trên sàn HOSE. PVS và SHB là các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX.

10h40: Giao dịch thỏa thuận lớn ở GTN

VN-Index chững lại và rung lắc dưới mốc tham chiếu, với nhiều khả năng đang trong một nhịp test cầu tại đáy cũ trước đó. Song nếu rớt khỏi ngưỡng này thì các đợt điều chỉnh mới sẽ dần xuất hiện.

Tới 10h40, độ rộng thị trường hẹp và nghiêng về bên bán với 211 mã tăng và 236 mã giảm điểm. Trong rổ VN30 hiện đang có 11 mã tăng, 14 mã giảm và 5 mã đứng giá.

Cả hai ông lớn VNM và VCB hiện đóng vai trò là trụ chính giúp củng cố VN-Index, theo sau là BID, CTG. Song sắc đỏ vẫn hiện trên chỉ số khi sức ép đến từ bộ ba họ Vingroup là VHM, VIC và VRE là khá lớn. Ngoài ra, khối ngoại cũng có các động thái cùng chiều với diễn biến thị trường khi mua xanh và bán đỏ, cụ thể là mua ròng mạnh VNM, VCB, BID và bán ròng VIC, VRE, VHM.

Mỹ đã chính thức áp thuế hơn 450% với một số sản phẩm thép nhập từ Việt Nam, qua đó có ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thép Việt Nam, song mức độ tác động cũng không quá lớn khi Mỹ chỉ áp dụng thuế đối với công ty đã xuất khẩu với 2 dòng sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội, xuất khẩu thép tới Mỹ chỉ chiếm số nhỏ trong kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam…. Ông lớn HPG cũng không mấy ảnh hưởng bởi thị trường chủ lực của doanh nghiệp là trong nước và hầu như không còn xuất khẩu vào Mỹ trong những tháng gần đây. Hiện tại, nhóm cổ phiếu ngành thép đang phân hóa với HSG, NKG hiện sắc xanh, còn HPG lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu. TNA dẫn đầu nhóm với mức tăng hơn 3%.

Tổng giao dịch thỏa thuận đã đạt hơn 96 triệu cổ phiếu với tổng giá trị hơn 2,000 tỷ đồng. Lý do chính đằng sau sự đột biến này nằm ở giao dịch thỏa thuận gần 80 triệu cổ phiếu GTN ở mức giá 22,800 đồng. Phải chăng giao dịch bất thường này đến từ VNM khi doanh nghiệp đã đề nghị nhận chuyển nhượng cổ phần phổ thông của GTN để nâng sở hữu lên mức 75% vốn điều lệ mà không cần làm thủ tục chào mua công khai.

Hầu hết các nhóm ngành trên thị trường đều phân hóa, điển hình như công nghệ thông tin, dệt may, thủy sản….

Thực phẩm đồ uống hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 0.95%. Ngược lại, dịch vụ tư vấn hỗ trợ hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.91%.

Mở cửa: Đỏ lửa đầu phiên

Thị trường mở cửa với sắc đỏ tràn ngập bảng điện khi sự bi quan vẫn đè nặng trên tâm lý nhà đầu tư, bất chấp sự khởi sắc trên thị trường chứng khoán thế giới.

Độ rộng thị trường khá cân bằng tại thời điểm 9h30 với 160 mã tăng và 168 mã giảm điểm. Trong rổ VN30 hiện đang có 9 mã tăng, 17 mã giảm và 4 mã đứng giá.

Bộ đôi họ Vingroup là VIC và VHM hiện là những mã có tác động tiêu cực nhất tới thị trường, khi hai mã này hiện đang lấy đi của chỉ số hơn 1 điểm. Qua đó là tác nhân chính cho sắc đỏ của VN-Index hiện tại. Ngược lại, VNM, VCB và MSN hiện là đang là trụ chính của chỉ số.

Nhóm ngân hàng mở đầu phiên giao dịch có diễn biến khá phân hóa. Cụ thể, HDB hiện giảm gần 2%, theo sau là TPB giảm hơn 1%, STB, ACB giảm nhẹ quanh 0.4%. Trong khi đó ở chiều ngược lại, CTG, VCB, BID và MBB đều nhích nhẹ trên tham chiếu.

Các nhóm ngành khác như bất động sản, chứng khoán cũng như dầu khí cũng đang có diễn biến tương tự ngành ngân hàng.

Tài chính khác hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.11%. Ngược lại, bất động sản hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 0.74%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả