Nhịp đập Thị trường 04/09: Kết phiên trong sắc đỏ
Tuy VN-Index kết phiên trong sắc đỏ, việc chỉ số được nâng đỡ khi về vùng quanh mốc 970 điểm cho thấy lực cầu tại vùng này vẫn khá mạnh và sẽ tiếp tục là ngưỡng giúp chỉ số tránh sự giảm sâu.
Kết phiên, VNI-Index đạt mức 977.63 điểm, giảm 0.18%. HNX-Index giảm 0.45 điểm, đạt mức 100.95 điểm .Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 231 mã tăng và 370 mã giảm. Sắc đỏ chiếm ưu thế trong rổ VN30 khi cả cổ có 11 mã tăng, 18 mã giảm và 1 mã đứng giá.
Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm mạnh, với 3 mã VCB, SAB và VIC tác động gần 1.78 điểm vào đà giảm của VN-Index. Một số cổ phiếu vốn hóa lớn khác tuy duy trì sắc xanh tới cuối phiên nhưng lực đỡ cho chỉ số lại khá yếu. Mã duy nhất là lực đỡ chính cho chỉ số là VHM với mức tăng 1.6% trong phiên hôm nay.
Diễn biến của nhóm vận tải - kho bãi khá trái chiều trong phiên giao dịch hôm nay. Các cổ phiếu GMD, SKG, VTO xuất hiện sắc đỏ nhẹ dưới 1%, trong khi PVT, VSC và DVP đều tăng điểm với mức lần lượt là 2.6%, 1.4% và 0.6%.
Bộ đôi cổ phiếu ngành hàng không là HVN và VJC có phiên giao dịch không mấy lạc quan khi cả hai mã này đều giảm lần lượt là 2.36% và 1.21%.
CMX và ACL là hai ngôi sao sáng trong nhóm thủy sản với mức tăng từ 5% trở lên của mình (CMX tăng kịch trần). Khối ngoại cũng đang tích cực thu gom 2 mã này khi hầu hết đều mua ròng trong 5 phiên gần nhất. Tình hình những mã còn lại trong nhóm lại không mấy khởi sắc, điển hình là IDI, FMC, MPC, HVG đều điều chỉnh hơn 1%.
PVI, BVH là 2 cổ phiếu xuất hiện sắc xanh trong nhóm ngành bảo hiểm và tăng hơn 0.7%, trong khi các mã khác trong ngành đều hiện sắc đỏ. Theo góc nhìn kỹ thuật, cả hai đều đang nhận được lực đỡ từ mốc hỗ trợ cũ, song tình hình lại khá trái chiều khi phiên hồi phục của BVH có vẻ đáng tin cậy hơn so với PVI (phiên hồi phục của PVI mang ý tưởng của một phiên hồi kỹ thuật hơn là một phiên cho tín hiệu đảo chiều trong xu hướng)..
Nhóm bất động sản khu công nghiệp về cuối phiên đã di chuyển theo một chiều hướng lạc quan hơn khi đa phần các mã đều đã thu hẹp đà giảm, cụ thể là D2D, TIP, SIP chỉ còn giảm dưới 3%, trong khi BCM đảo chiều nhích nhẹ trên mốc tham chiếu. Các mã còn sụt giảm mạnh chỉ còn NTC (4.6%), SZL (giảm kịch sàn trong tình trạng trắng bên mua) và SNZ (8.6%).
Nhóm bán lẻ có một ngày giao dịch khá lạc quan khi các mã như MWG, VGC và AST đều xuất hiện sắc xanh, trong đó AST tăng 2.4%. Ở phía ngược lại, FRT duy trì sắc đỏ từ đầu phiên sáng đến cuối phiên chiều và giảm 5.2%.
Ngành chăm sóc sức khỏe là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.39%, còn ngành giảm điểm mạnh nhất thị trường là sản phẩm cao su khi giảm tới 2.05%.
Khối ngoại bán ròng hơn 40 tỷ đồng trên sàn HOSE và gần 18 tỷ đồng trên HNX. Lực bán tập trung chủ yếu vào mã như HPG và VCB trên sàn HOSE. PVS và CEO là hai cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX.
14h: Sắc xanh bất ngờ
Lực cầu được đẩy mạnh trở lại trên nhóm Large Cap đã tạo tiền để cho sắc xanh trên VN-Index, dù chỉ trong vài phút ngắn ngủi.
Độ rộng thị trường đang nghiêng về bên bán với 187 mã tăng và 370 mã giảm. Độ rộng trên rổ VN30 đã cân bằng hơn với 11 mã tăng, 17 mã giảm và 2 mã đứng giá.
Diễn biến nhóm bất động sản dân dụng đã khởi sắc hơn so với phiên sáng khi sắc xanh đã dần trở lại với nhóm này. Cụ thể là LDG, DRH, VHM, NVL đều đã đảo chiều tăng trở lại, với điểm ấn tượng nằm ở DRH, VHM và LDG khi tăng hơn 1%. Đặc biệt hơn, VHM hiện là trụ chính của thị trường khi đóng góp gần 1 điểm vào VN-Index.
Các Large Cap bất ngờ “chạy” trở lại trong nửa đầu phiên chiều, cụ thể là MSN, TCB khi tăng gần 2%; CTG, MWG, MBB tăng gần 1%. Điều này đã giúp thị trường trở nên khả quan hơn và là động lực cho đà leo dốc trở lại và vượt tham chiếu của VN-Index.
TVB, ITC, YEG, BCG hiện là những mã được chọn làm nơi trú ngụ để tránh những chuyển biến phức tạp trên thị trường khi tăng trần với mức thanh khoản tốt. Ngoại trừ YEG ra, cả ba mã trên đều đang di chuyển đúng theo nguyên tắc của phân tích kỹ thuật, đó là chạm ngưỡng hỗ trợ (trendline hoặc đường SMA 20 ngày) và bật tăng trở lại.
Sắc xanh le lói xuất hiện trên hai mã thuộc nhóm công nghệ thông tin là CMT và DGW. Trong khi đó, diễn biến những mã còn lại khá bi quan, đặc biệt là nhóm họ Viettel như VGI, CTR với mức giảm lớn nhất là 11% ở CTR. Sau nhiều tuần tăng liên tiếp, CTR đã điều chỉnh trở lại và rơi về hỗ trợ là nhóm dường SMA trung hạn (50 và 65 ngày).
Ngành sản xuất thiết bị, máy móc là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.13%, còn ngành giảm điểm mạnh nhất thị trường là sản xuất nhựa, hóa chất khi giảm tới 0.91%.
Phiên sáng: Thu hẹp đà giảm
Các chỉ số thị trường nhanh chóng thu hẹp đà giảm khi lực cầu xuất hiện trên nhóm Large Cap tại vùng giá thấp , qua đó giúp giảm các mã này thu hẹp đà giảm, đặc biệt có mã còn đảo chiều xanh trở lại.
Kết phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 2.58 điểm, đạt mức 976.78 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 0.61% và đạt mức 100.78 điểm. Khối lượng giao dịch trên cả 2 sàn đạt gần 93 triệu cổ phiếu. Độ rộng thị trường đang nghiêng về bên bán với 165 mã tăng và 358 mã giảm.
Áp lực bán tiếp tục đè nặng lên các cổ phiếu nhóm ngân hàng khiến cho các cổ phiếu nhóm này chìm trong sắc đỏ. Cụ thể, VPB giảm 1.5%, EIB giảm 1.2%, HDB giảm 0.2%, VCB giảm 0.8%… Trong khi đó, CTG, SHB, MBB là các mã tích cực nhất khi đang ở mức tham chiếu. Qua đó, các cổ phiếu nhóm này là nguyên nhân chính khiến cho thị trường chưa thể lấy lại sắc xanh.
Bộ đôi cổ phiếu ngành hàng không là HVN và VJC có phiên sáng không mấy tích cực khi cả hai mã này đều giảm quanh mức 1%.
Các cổ phiếu nhóm bất động sản phiên sáng nay cũng có những diễn biến không khá khẩm hơn là mấy. Nhìn tổng quan thì sắc đỏ đang chiếm đa số trong nhóm này, cụ thể NVL giảm 0.2%, KBC giảm 1.3%, HDG giảm 2%,… Diễn biến tương tự cũng xuất hiện trên các cổ phiếu ngành xây dựng.
Nhóm chứng khoán đã khởi sắc hơn sau phiên ATO khi số các mã tăng, giảm đang đã cân bằng. HCM đảo chiều và tăng 1.9%, TVB tăng mạnh 5.9%, VCI tăng 0.3%. Tuy nhiên, SSI, VND, SHS, FTS vẫn đang giảm điểm với mức giảm trung bình hơn 1%.
Ngành sản xuất thiết bị, máy móc là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.13%, còn ngành giảm điểm mạnh nhất thị trường là sản xuất nhựa, hóa chất khi giảm tới 1.40%.
Khối ngoại bán ròng hơn 6 tỷ đồng trên sàn HOSE và hơn 13 tỷ đồng trên HNX. Lực bán tập trung chủ yếu vào mã như HPG và VRE trên sàn HOSE. PVS và CEO là hai cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX.
10h15: Nhóm ngân hàng và bất động sản “rớt đài”
Áp lực bán dần được đẩy mạnh trên nhóm Large Cap thị trường, đặc biệt là trong nhóm VN30 khi hiện tại, cả rổ chỉ còn 2 mã xuất hiện sắc xanh, qua đó khiến chỉ số VN-Index giảm gần 5 điểm. Nhóm bất động sản và ngân hàng hiện là hai trong những nhóm có diễn biến tiêu cực nhất thị trường.
Độ rộng thị trường hiện tại nghiêng về bên bán với 116 mã tăng và 364 mã giảm điểm.
VCB, VNM, BID, VIC hiện là bộ tứ chính khiến chỉ số VN-Index giảm mạnh, trong khi LGC, MSN và GAS là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới chỉ số này.
Phiên sáng nay tiếp tục chứng kiến sự “sụp đổ” của nhóm bất động sản khu công nghiệp khi hầu hết các mã đều giảm sâu hơn 4%, điển hình là BCM, SIP, SZL, SNZ, D2D. Về mặt kỹ thuật, các mã đều đã rớt khỏi đường trendline tăng trung hạn chứng tỏ con sóng tăng của các mã nhóm này đã kết thúc, đồng thời nhường đường lại cho con sóng giảm trung hạn mới.
Diễn biến nhóm bất động sản dân dụng cũng không khá khẩm hơn khi sắc đỏ chiếm ưu thế trong nhóm. Ngoại trừ sắc xanh nhẹ trên các mã như NLG, CEO, KDH, các mã đã tăng trưởng mạnh trong thời gia qua như NDN, NTL, LGL, TDH đều điều chỉnh mạnh hơn 2%.
Tình hình nhóm ngân hàng hiện rất bi quan khi không có mã nào tăng điểm. TPB, NVB, VBB hiện là những mã đi lùi hơn 2%, trong khi các ông lớn như VCB, STB, CTG lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu.
YEG hiện là mã ấn tượng nhất trên sàn HOSE khi tiếp tục tăng trần trong phiên sáng nay và đạt mức thanh khoản tốt. Ngoài ra, các mã PXS, TVB, CRC, LMH cũng thuộc trong diện có diễn biến tích cực khi xuất hiện sắc xanh hơn 1% và mức khối lượng tốt. Nhiều khả năng khi thị trường diễn biến tiêu cực, dòng tiền đã tạm trú ẩn tại những mã này, qua đó giúp các mã tăng trưởng.
Tuy thị trường đều đang chịu sức ép lớn, diễn biến trên các giao dịch thỏa thuận lại khá khả quan khi hầu hết đều được giao dịch tại mức giá tham chiếu. Điểm đáng chú ý hiện nằm ở hai mã MBB và VPB khi cả hai đều đã được giao dịch hơn 300,000 đơn vị cổ phiếu tại mức giá trần.
Sản xuất thiết bị máy móc hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.13%. Ngược lại, tài chính khác là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 2.25%.
Giảm điểm nhẹ đầu phiên
Các chỉ số thị trường mở cửa khá ảm đạm khi mở cửa lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu.
Độ rộng thị trường hiện tại nghiêng về bên bán với 113 mã tăng và 213 mã giảm điểm. Sắc đỏ đang chiếm ưu thế trong rổ VN30 khi cả rổ có 9 mã tăng, 15 mã giảm và 6 mã đứng giá.
Sắc đỏ trên hàng loạt các mã nhóm ngành ngân hàng như VCB, TCB, VPB,.. là những tác nhân chính khiến chỉ số suy yếu sau phiên mở cửa. Ở ngược lại, sắc xanh của các mã như VHM, CTG, YEG đang đóng vai trò là trụ đỡ chính cho thị trường.
Dù giá dầu thế giới sụt giảm hơn 3% trong phiên hôm qua nhưng các cổ phiếu nhóm dầu khí sau phiên ATO diễn biến không mấy tiêu cực. Cụ thể, GAS hiện đang tăng nhẹ 0.2%, PVS tăng 0.5%, PVB bứt phá hơn 3%, còn BSR sụt giảm hơn 2%. Các mã còn lại hầu hết đều đang quanh mức tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán sau phiên ATO đang khá tiêu cực khi sắc đỏ mở rộng trong nhóm. TVB là một trong những mã giữ được sắc xanh, còn lại các ông lớn như SSI, VND, HCM đều đang chìm trong sắc đỏ.
Tiện ích hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 0.86%. Ngược lại, tài chính khác là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.28%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận