Nhìn về diễn biến hy hữu: Giá vàng và USD đồng pha
Thế giới đã trở nên thay đổi, khi diễn biến lạ thể hiện rõ từ đầu năm 2019 đến nay, giá vàng và USD đồng pha.
Lâu nay, tương quan giữa vàng với đồng đô la Mỹ (USD) gần như được mặc định là nghịch đảo, hoặc trái chiều hoặc tương quan nghịch…, tùy cách gọi.
Nó thường thể hiện ở diễn biến: giá vàng tăng thì giá USD giảm, và ngược lại. Cặp quan hệ này được đề cập nhiều trong các nghiên cứu, phân tích trên thị trường những năm qua.
Nhưng nay, diễn biến lạ xuất hiện, thể hiện và kéo dài. Nó trở thành một chủ đề thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Vàng và USD cùng tìm điểm cao
Trong một bài viết trên MarketWatch gần đây, nhà phân tích chiến lược đầu tư Ivan Martchev đặt ra diễn biến đó, xem là một hiện tượng hy hữu: đồng USD đang cao nhất mọi thời đại, trong khi giá vàng cũng liên tục tăng mạnh.
Cụ thể, chỉ số mở rộng Broad Trade-Weighted Dollar Index (đo đếm giá trị của đồng USD với những loại tiền tệ khác trên thế giới) gần đây đã lên tới 130,69 so với mức cao nhất từ trước tới nay là 131,57 vào tháng Chín vừa qua.
Chỉ số này được tính toán trên cơ sở khối lượng giao dịch và đối chiếu giá trị với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng như nhiều loại tiền tệ khác trên những thị trường mới nổi.
Hoặc ở chỉ số USD Index (hay DXY) cũng thể hiện rõ mức tăng kéo dài trong năm nay và đang ở vùng cao nhất gần hai năm qua…
Và song hành, giá vàng cũng liên tiếp và bền bỉ tăng khoảng 300 USD/ounce một năm qua và hiện đã quen thuộc khi vượt mốc 1.500 USD/ounce.
Thế giới và chính sách đã thay đổi
Theo nhà phân tích chiến lược đầu tư Ivan Martchev, đồng USD và vàng chưa bao giờ cùng tăng giá, khi nhìn lại một quá trình. Tuy nhiên, những thay đổi đi kèm với chính sách nới lỏng định lượng toàn cầu, chính sách lãi suất đang là nguyên nhân cho diễn biến hy hữu trên.
Và sự đồng pha giữa vàng với USD như trên cũng có thể xem là một điển hình cho một thế giới đã thay đổi, cùng với đường đi của chính sách tiền tệ các ngân hàng trung ương, rõ nét trong năm 2019 này.
Trước đây, các chu kỳ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều có nghĩa là đồng USD giảm giá và vàng tăng giá. Nhưng giờ đây yếu tố quyết định đẩy đồng bạc xanh tăng hay giảm ngoài lãi suất của Fed còn là chính sách nới lỏng hoặc thắt chặt định lượng.
Hơn nữa, giả sử Fed cắt giảm lãi suất và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng cường nới lỏng định lượng, thì đồng đô la sẽ vẫn không giảm, do chênh lệch lãi suất vẫn nghiêng về đồng bạc xanh này.
Tương tự, chênh lệch đó cũng được nhìn sang trái phiếu dài hạn của Mỹ, so với khu vực châu Âu với điển hình như trái phiếu của Đức.
Và chưa hết, một Brexit “không thỏa thuận” có khả năng xảy ra sẽ đặt thêm áp lực lên đồng Euro cũng như nền kinh tế thuộc khu vực đồng tiền này. Sự nới lỏng định lượng tăng cường của ECB sẽ đẩy đồng Euro giảm giá, đồng thời đẩy vàng tăng giá và cũng là nguyên nhân khiến đồng đô la tăng giá.
Và thời của vàng...
Như trên, thế giới đã thay đổi, chính sách tiền tệ thay đổi. ECB hay Nhật Bản, Anh… đã và đang mang đến cho thị trường chính sách lãi suất âm, nới lỏng định lượng, và thậm chí cả Fed cũng liên tiếp cắt giảm lãi suất.
Những diễn biến đó đã đem lại hy vọng rằng vàng sẽ tiếp tục tăng giá hơn nữa.
“Với kịch bản lãi suất âm và những lần nới lỏng định lượng sắp tới ở châu Âu thì mức tăng 15% -20% đối với vàng là hợp lý trong 12 - 18 tháng tới, thậm chí nhanh hơn nếu Fed thực hiện nới lỏng định lượng cũng như sử dụng các công cụ chính sách không chính thống khi nền kinh tế Hoa Kỳ dự kiến sẽ bước vào suy thoái trong vòng hơn một năm nữa”, Ivan Martchev đưa ra nhận định.
Chưa hết, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc cũng được xem là một nguyên nhân “giúp ích” cho giá vàng.
Sau những hoảng hốt, đến thời điểm này thị trường và giới đầu tư toàn cầu đã quá quen với sự mất giá mạnh của đồng Nhân dân tệ, từ hơn 6,2 lên tới 7,2 Nhân dân tệ để đổi 1 USD kể từ khi cuộc chiến thương mại nổ ra trong năm 2018 với diễn biến ngày càng phức tạp trong 2019.
“Việc phá giá đồng Nhân dân tệ gây cú sốc giảm phát trên toàn cầu và làm cho các ngân hàng trung ương phải thực hiện thêm nhiều đợt nới lỏng định lượng hơn dẫn tới tăng giá vàng”, nhà phân tích Ivan Martchev lý giải thêm.
Trong khi đó, nới lỏng định lượng không có tác động tốt lắm ở cả châu Âu và Nhật Bản ngoài việc giúp đẩy hàng nghìn tỷ trái phiếu chính phủ vào phân cực lợi nhuận âm, mà việc này đã giúp tăng giá vàng và duy trì đồng đô la mạnh do lãi suất vẫn dương ở Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận