Nhìn lại lạm phát và tăng trưởng 6 tháng: Bất thường hay bình thường?
Tuy nhiều dự báo cho rằng có nhiều khả năng đạt được tốc độ tăng GDP 6%, nhưng tình hình kinh tế những tháng tới đây sẽ rất khó khăn.
Phản ánh đúng thực chất nền kinh tế
Nền kinh tế những tháng đầu năm gặp vô vàn thách thức khi làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 này bùng phát ở nhiều địa phương và đã xâm nhập vào nhiều khu công nghiệp, cộng thêm giá các nhân tố đầu vào của sản xuất tăng cao. Thế nhưng tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm vẫn đạt được 5,64%; trong khi lạm phát được kiểm soát tốt, CPI 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,47%, là mức tăng 6 tháng đầu năm thấp nhất trong 6 năm qua.
Cũng có ý kiến tỏ ra nghi ngờ các con số trên, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng một số chuyên gia cho rằng, các con số thống kê đã phản ánh đúng thực tế, thực trạng nền kinh tế. Ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, con số tăng trưởng GDP 6 tháng có được nhờ các khu vực đều tăng trưởng tích cực, đặc biệt là nông nghiệp và công nghiệp. “Nếu không có dịch vào các KCN của Bắc Giang, Bắc Ninh trong tháng 5, tháng 6 thì ngành công nghiệp dự kiến tăng trưởng phải khoảng 11-12% chứ không chỉ chưa đến 9% như vậy”, ông Hiếu cho biết.
Về lạm phát, theo ông Hiếu, tuy giá nguyên vật liệu đầu vào như sắt, thép và xăng dầu tăng cao nhưng tác động trực tiếp tới CPI không lớn do quyền số của nhóm này trong rổ hàng hóa tính CPI thấp. Nhóm có quyền số cao như thực phẩm lại giảm mạnh, sức mua tiêu dùng tăng thấp. Vì thế lạm phát 6 tháng đầu năm ở mức thấp.
Phân tích kỹ hơn về các động lực tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong mức tăng 5,64% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%.
Theo đó, ngành chế biến, chế tạo đã lấy lại đà tăng trưởng và là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành chế biến, chế tạo đạt tốc độ tăng ở mức 11,42%, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,06% của cùng kỳ năm 2020, đóng góp hơn 50% trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng khá, tăng gần 8,2%, cao hơn với mức tăng 3,5% cùng kỳ năm trước.
Trong khi một số ngành dịch vụ duy trì đà tăng trưởng, trong đó, tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021, ngành tài chính-ngân hàng tăng gần 9,3% so với cùng kỳ; ngành y tế với mọi nguồn lực được tập trung cho việc chống dịch, tăng khoảng 10,5%...
TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright cũng cho rằng con số tăng trưởng GDP 5,64% 6 tháng đầu năm này phản ánh đúng thực chất của nền kinh tế Việt Nam vì những hoạt động kinh tế không khác nhiều so với thời điểm trước khi có dịch. Đơn cử như, các hoạt động ngoại thương vẫn rất sôi động, thể hiện ở tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 28,4% và nhập khẩu tăng 36,1%. Thu ngân sách đạt đến 57,7% so với dự toán (6 tháng đầu năm của các năm trước thường thấp hơn 50%) và thu nội địa đạt 55,5% dự toán. Các hoạt động của người dân và mức tiêu dùng trong xã hội vẫn bình thường khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 1,1%).
Tăng trưởng cả năm vẫn có thể đạt trên 6%
Tuy nhiên mức tăng trưởng nửa năm là 5,64% sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 6,5% thêm phần thách thức. Mặc dù vậy, trên cơ sở các số liệu tăng trưởng, lạm phát của 6 tháng đầu năm, các chuyên gia tin tưởng các mục tiêu đặt ra vẫn có thể đạt được, nhất là với mức tăng trưởng GDP 6% như Quốc hội đặt ra.
Báo cáo mới nhất về triển vọng KTVM của Khối nghiên cứu toàn cầu, Tập đoàn HSBC công bố ngày 7/7, dự báo tăng trưởng GDP của năm nay sẽ ở mức 6,1% - nằm trong khoảng mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Về lạm phát, báo cáo dự báo lạm phát bình quân sẽ chỉ ở mức 2,8% trong năm 2021, thấp hơn khá nhiều mục tiêu 4% đặt ra.
Tuy nhiều dự báo cho rằng có nhiều khả năng đạt được tốc độ tăng GDP 6%, nhưng tình hình kinh tế những tháng tới đây sẽ rất khó khăn. Theo tính toán của các chuyên gia HSBC, tác động đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 cho đến nay là nặng nề nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện. Trong đó, ngành dịch vụ (nhất là du lịch và các lĩnh vực liên quan đến du lịch) đang tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đóng góp của ngành này cho tăng trưởng kinh tế đã giảm từ 45% trước đại dịch xuống chỉ còn khoảng 20% trong quý II/2021.
Cầu tiêu dùng trong nước cũng có dấu hiệu giảm sút khi tăng trưởng bán lẻ ghi nhận mức giảm liên tiếp trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái. Đợt bùng dịch này cũng khiến thị trường lao động khó khăn hơn. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ 2,4% trong quý I/2021 lên 2,6% trong quý II/2021. Mặc dù bức tranh xuất nhập khẩu vẫn khá tươi sáng nhưng các chỉ số vẫn chỉ ra những nguy cơ ngắn hạn của tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng...
Tuy nhiên vẫn nhìn nhận lạc quan về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam nhưng chuyên gia kinh tế Yun Liu của HSBC dự báo nền kinh tế sẽ còn chững lại ít nhất tới quý III/2021. Theo chuyên gia này nói: “Bất kể những thách thức trước mắt do đại dịch Covid-19, chúng tôi tin rằng triển vọng phục hồi của Việt Nam vẫn tươi sáng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang có những dấu hiệu cải thiện tích cực. Khi kiểm soát được đợt dịch lần này, Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng nhanh chóng”.
Ở một góc nhìn khác ông Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam, cho rằng, không nên cố đạt mục tiêu bằng mọi giá, không nên vì để đạt mục tiêu tăng trưởng mà lơi việc chống dịch Covid-19 hay bơm tiền ra để thúc tăng trưởng. “Không nên nặng nề về con số phải đạt được mà quan trọng nhất lúc này vẫn là khống chế được dịch bệnh, giữ được nền tảng vĩ mô ổn định để tạo một nền tảng phát triển cho tương lai”, ông Lê Duy Bình khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận