24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
TS Võ Trí Thành Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2019: Toả sáng và trăn trở

Kinh tế Việt Nam đã tỏa sáng trong năm 2019, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó. Tuy nhiên, một nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng như Việt Nam khó tránh khỏi nhiều tác động bất lợi.

Kinh tế thế giới: Khó khăn trắc trở

Năm 2019, kinh tế toàn cầu bị bao phủ bởi một màu mây xám. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc, theo ước tính của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF; 10/2019) chỉ đạt 3,0% so với 3,6% năm 2018; con số này thấp hơn dự báo tháng 7 và tháng 4 trước đó tương ứng là -0,2 và -0,1 điểm phần trăm. Cùng với đó, dòng luân chuyển thương mại và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng giảm.

Không chỉ vậy, bất định, rủi ro cao cũng là nhân tố kìm hãm đà tăng trưởng. Đó là hệ lụy của đối đầu địa - chính, va đập giữa xu hướng tự do hóa thương mại, đầu tư với chủ nghĩa bảo hộ, và xung đột hay chiến tranh thương mại. Đó là chưa nói tới những nguyên nhân khác của thời sáng tạo tài chính đi cùng “lòng tham” hay thời biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo khảo sát của Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC; tháng 12/2019), top 5 rủi ro đối với tăng trưởng các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương bao gồm: Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và chiến tranh thương mại; Tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm tốc; Kinh tế Trung Quốc giảm tốc; Kinh tế Mỹ giảm tốc; Thiếu vắng vai trò lãnh đạo chính trị.

Các rủi ro vẫn tương tự như năm 2018, chỉ có một khác biệt là “kinh tế Mỹ giảm tốc”.

Không ít nhà nghiên cứu còn đưa ra dự báo về khả năng kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, thậm chí khủng hoảng trong thới gian tới. Lý do đằng sau là nguy cơ “bong bóng” chứng khoán, sự phình to của ngân hàng ngầm và tỷ lệ nợ rất cao ở một số khu vực trong khi chính sách tiền tệ của nhiều nước được nới lỏng trở lại khi chưa kịp quay về “trạng thái bình thường”.

Tuy nhiên, ngay trong màn mây xám đó, kinh tế toàn cầu cũng chứng kiến sự chuyển đổi chiến lược tại nhiều quốc gia thích ứng với những xu thế không cưỡng được như: quá trình đô thị hóa gia tăng cùng sự nổi lên của tầng lớp trung lưu; cách mạng tiêu dùng; Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số.

Bên cạnh việc đảm bảo ổn định, tăng cường khả năng chống chịu, chú trọng quản trị rủi ro, mỗi nền kinh tế còn rất cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu, tạo dựng những tiền đề thích ứng với xu thế mới để tạo đột phá phát triển.

Kinh tế Việt Nam: Niềm vui và day dứt

Kinh tế Việt Nam đã tỏa sáng trong năm 2019. Niềm vui đó được nhân lên gấp đôi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó, một nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng như Việt Nam khó tránh khỏi nhiều tác động bất lợi. Đây là năm thứ hai liên tiếp đất nước đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu phấn đấu chủ yếu được Quốc hội đề ra.

GDP năm 2019 tăng hơn 7,0%, thuộc hàng cao nhất thế giới và khu vực, với động lực chính là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,3%) và dịch vụ (tăng 8,1%) , nhất là du lịch và phân phối 8,8%. Nhìn phía tổng cầu, tăng trưởng được dẫn dắt bởi cả tiêu dùng, đầu tư tư nhân và xuất khẩu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, loại trừ yếu tố giá, tăng 9,2% (năm 2018 tăng 8,4%). Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 10,2% so với năm 2018, nổi bật là khu vực kinh tế tư nhân (tăng 17,3%; chiếm tỷ trọng 46%, lớn nhất từ trước đến nay). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục giữ đà phát triển, thực hiện ước đạt 20,4 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2018. Xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 263 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm trước, đặc biệt ghi nhận sự bứt tốc xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước với tốc độ tăng 17,7%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực FDI (4,2%). Xuất siêu hàng hóa đạt 9,9 tỷ USD, cao nhất trong 4 năm liên tiếp cán cân thương mại hàng hóa thăng dư.

Tốc độ tăng trưởng GDP cao lại song hành cùng sự ổn đinh kinh tế vĩ mô. Lạm phát tính theo chỉ số CPI bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79%, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng mạnh vượt 75 tỷ USD, tỷ lệ nợ công giảm mạnh, xuống 55% GDP, các cân đối vĩ mô như đầu tư – tiết kiệm, thu – chi ngân sách, cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện.

Điều quan trọng nhất là thu nhập người dân tiếp tục được nâng lên, đạt gần 2.800 USD/đầu người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,45%, được Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP nhìn nhận như một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo. Cũng theo tổ chức này, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số Phát triển con người HDI cao nhất trên thế giới. Với chỉ số HDI năm 2019 là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước, ở gần mức trần của nhóm các nước có HDI ở mức trung bình và chỉ cần thêm 0,007 điểm để vào được nhóm các nước có HDI ở mức cao.

Đằng sau kết quả, những con số ấn tượng nêu trên cùng tiến bộ trên nhiều chiều cạnh kinh tế khác, vẫn còn đó là những trăn trở, day dứt từ góc nhìn phát triển bền vững, thúc đẩy cái cách, đổi mới sáng tạo và cảm nhận của thị trường.

Dưới tác động của hoạt động kinh tế, đô thị hóa và cả ý thức và lối sống chưa theo kịp với những đòi hỏi mới của phát triển bền vững, ô nhiễm môi trường, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang trở thành nỗi ám ảnh, lo ngại thường trực hàng ngày, chưa nói tứi vấn nạn ách tắc giao thông. Phong trào chung tay bảo vệ môi trường như hạn chế rác thải nhựa,… được đề cao. Nhưng, những sự cố môi trường nghiêm trọng đã xảy ra cho lối ra giải quyết các vấn đề, cả về chiến lược tổng thể, chính sách, và hành động còn không ít điểm nghẽn.

Vẫn còn đó nỗi canh cánh về sự “bứt phá” cải cách như Nghị quyết 01 của Chính phủ ngay từ đầu năm 2019 đã nhấn mạnh. Đúng là trên thực tế, năm 2019 đã có hơn 138 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 5,2% về số lượng, tăng 17,1% về vốn đăng ký và tăng 13,3% về số lao động so với năm 2018. Với “Chỉ số cạnh tranh toàn cầu 4.0”, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng Việt Nam đứng thứ 67/140 nền kinh tế khảo sát, tăng 10 bậc so với năm 2018. Việt Nam tiếp tục được xem như một “hub” hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài; theo U.S News &World Report 2019, Việt Nam tăng được 15 bậc, lên thứ 8 trong top 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư.

Song nhiều nội dung cải cách có tính nền tảng triển khai với kết quả còn khá xa so với kỳ vọng. Tiến trình tái cấu trúc có những bước tiến nhất định, nhất là trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, nhưng chậm trễ trong đầu tư công và khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Chí phí cơ hội là rất lớn đối với một nguồn lực lớn ách tắc do giải ngân đầu tư công chậm và thoái vốn cùng xử lý các “đại án” liên quan DNNN.

Tỷ lệ đầu tư cho kết cấu hạ tầng hiện xuống thấp hơn đáng kể mức 8% GDP (được xem là ngưỡng hợp lý cùng đám bảo hiệu quá đầu tư) có thể sẽ ảnh hướng đáng kể đến tăng trưởng trong trung và dài hạn. Môi trường đầu tư kinh doanh theo Báo cáo “Doing business 2019” của Ngân hàng Thế giới năm 2019, Việt Nam hạng 69/190, giảm 1 bậc so với năm 2018. Mục tiêu đạt mức trung bình trong top đầu ASEAN ngay trong vài năm trước vẫn khá xa vời.

Chất lượng tăng trưởng cũng chậm cải thiện dù năng suất lao động theo giá so sánh năm 2019 tăng 6,2%. Song hiệu quả đầu tư nhìn chung vẫn thấp và chưa chuyển biến trong năm 2019. Hệ số ICOR giảm từ 6,4 năm 2016 xuống 6,0 năm 2018 và tăng chút ít năm 2019 lên 6,1. Bình quân giai đoạn 2016-2019 hệ số ICOR đạt 6,14, chỉ thấp hơn đôi chút so với mức 6,25 của giai đoạn 2011-2015. Bản chất câu chuyện ở đây là đổi mới sáng tạo - một trong các trụ cột cần đột phá cải cách. Chất công nghệ, sáng tạo suốt thời gian dài qua và hiện vẫn là nỗi niềm day dứt.

Theo “Chỉ số sáng tạo toàn cầu” do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, năm 2019 Việt Nam đã cải thiện 17 bậc so với năm 2016, đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia, nhưng cũng chỉ xếp hạng 42 trên 129 quốc gia. “Chỉ số cạnh tranh toàn cầu 4.0” năm 2019 của Việt Nam tăng 10 bậc, xếp hạng 67/140, song hai chỉ số trong đó về sự năng động kinh doanh và năng lực sáng tạo xếp hạng thấp hơn nhiều, tương ứng 89 (từ 101) và 76 (từ 82). Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá ở ngưỡng thấp nhất, ngưỡng “quốc gia sơ khởi”, trong sẵn sàng đối với CMCN 4.0, xét trong bốn thứ hạng là: dẫn đầu (leading); có tiềm năng cao (high-potential); kế thừa (legacy); sơ khởi (nascent) (WEF 2018). Thực sự là còn xa Việt Nam mới có thể hài lòng về việc phát huy và nâng cao năng lực sáng tạo của mình.

Có một nguyên nhân ở đây là thiếu sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là của người đứng đầu, chưa đủ “đau đáu” trong nghĩ suy và lại thiếu quyết liệt trên thực tế. Nguyên nhân nữa là trong một thời gian dài cho đến gần đây, Việt Nam chưa xem doanh nghiệp gắn bó với R&D là hạt nhân của Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (NIS).

Cảm nhận “được và chưa được” của thị trường cũng là một chỉ báo rất đáng lưu tâm. Báo cáo Kinh doanh xuyên lãnh thổ khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2019 – 2020 do PwC công bố cho thấy, mức độ tự tin về tăng trưởng doanh thu trong năm tiếp theo của các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam đang đạt mức cao nhất 5 năm qua, với 49% người trả lời “rất lạc quan”, so với chỉ số trung bình trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 34%. Và có đến 62% lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng cường đầu tư trong nước vào năm sau. Một khảo sát năm 2019 cũng phản ánh sự ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam cho phát triển công nghệ và kỹ năng với sự đồng tình của 80% lãnh đạo doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, dù quan tâm ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại nhưng chỉ 49% tin rằng tín nhiệm của công chúng đối với doanh nghiệp được cải thiện. Số liệu thống kê từ Enterprise cho biết, hiện có 76% doanh nghiệp Việt Nam chưa bắt đầu chuyển đổi số, con số này lớn gấp 1,5 lần so với thế giới. Theo các chuyên gia, vấn đề lớn nhất của chuyển đổi số ở các doanh nghiệp Việt đó chính là nhận thức và nguồn lực.

Biến động của hai thị trường chứng khoán và bất động sản với sự tham gia của một số đông các nhà đầu tư và có dịch chuyển dòng vốn lớn cũng là những chỉ báo đáng lưu ý. Tăng trưởng và nền tảng vĩ mô tốt, song thị trường chứng khoán (cổ phiếu) lại chuyển từ “phấn khích” năm 2017 sang “cẩn trọng” từ cuối năm 2018 đến hết năm 2019. Không chỉ thanh khoản giảm đáng kể, mà dự báo cũng dè dặt hơn.

Ít ai nghi ngờ về tiềm năng to lớn của thi trường bất động sản Việt Nam. Song năm 2019 thị trường nhìn chung trầm lắng, nguồn cung và cả số giao dịch thành công giảm. Đây cũng là năm thử thách niềm tin thị trường do gia tăng tranh chấp giữa chủ dự án và khách hàng (quĩ bảo trì & quản lý vận hành), cơn sốt đất nền ở một số địa phương đi kèm dự án “ma” và sự chậm trễ vào cuộc của chính quyền, và sự cố “vỡ trận” cam kết lợi ích của chủ tư dự án đối với các nhà đầu tư, khách hàng.

Có rất nhiều nguyên nhân: bối cảnh bất định bên ngoài, các vấn đề về pháp lý và chính sách, tính đầy đủ thông tin, chế tài thực thi,... Nhưng có một lý do căn cơ, đó là niềm tin chưa đủ cao vào sự đồng bộ và hiệu quả trong cách thức đồng thời xử lý ba vấn đề: bức xúc xã hội và chống tham nhũng; cải cách cùng tạo sự “trôi chảy” hoạt động của bộ máy nhà nước; tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới sáng tạo, đột phá phát triển.

Năm 2020: Tự tin và hành động

Mục tiêu năm 2020 đã được Quốc hội đặt ra: tăng trưởng 6,8%, lạm phát không quá 4% cùng những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác. Đây là lựa chọn khá cẩn trọng với những thành tích đạt được trong năm 2019, song cũng hợp lý. Kinh tế thế giới vẫn được đánh giá nằm trong giai đoạn giảm tốc; tính bất định và rủi ro còn cao dù năm 2002 có thể “dễ thở” hơn ít nhiều (IMF tháng 10/2019 dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 3,4%; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hòa hoãn “giai đoạn 1”; Brexit trở nên rõ ràng hơn…). Các tổ chức quốc tế tiếp tục cho rằng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam khá vững vàng, và Việt Nam có thể đạt mưc tăng trưởng khoảng 6,5% - 6,8%.

Nhìn xa hơn, Trung tâm Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia đã xây dựng 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025. Một là tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam đạt trung bình 7%/năm; lạm phát ở mức từ 3,5-4,5%/năm; năng suất lao động tăng khoảng 6,3%năm. Hai là, nếu Việt Nam tận dụng được CMCN 4.0, GDP có thể tăng trưởng trung bình 7,5%/năm. Đây cũng là tiền đề cho một Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”. Suy nghĩ, lựa chọn và hành động cho khát vọng Việt không chỉ là “bắt kịp” mà còn “tiến cùng” và thậm chí có những chiều cạnh “vượt lên” thời đại.

Cần nhìn nhận Việt Nam năm 2020 trong bối cảnh rộng lớn đó. Năm 2020 không chỉ là năm tổng kết quá khứ mà còn chuẩn bị tương lai với Kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và tầm nhìn đến 2045, 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cải cách, sáng tạo và cả chỉ tiêu phải thực sự gắn với động lực mới và những đòi hỏi thay đổi về chất trong phát triển: chất lượng – hiệu quả - bền vững – bao trùm.

Với tinh thần như vậy, phương châm trên hết của Chính phủ năm 2020 phải là “Hành động, Trách nhiệm, Sáng tạo”.

Với một đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, trong một sân chơi của hội nhập sâu rộng và một thế giới đầy biến động, thách thức đối với sự sống còn và vươn lên của doanh nghiệp nằm trong chính đòi hỏi coi kinh doanh là “Nghiệp” và yêu cầu 6 “học”, bao gồm: Lựa chọn/“Kiếm nhặt” cơ hội kinh doanh (Thị trường theo chiều ngang và chiều sâu dựa trên lợi thế so sánh/lợi thế canh tranh và cam kết hội nhập; sự phát triển chuỗi giá trị; lĩnh vực, ngành mới); Kết nối cùng chấp nhận cạnh tranh (Thị trường & đối tác); Huy động vốn trong một thị trường tài chính đa dạng, tinh xảo; Đồng hành Chính phủ (nắm bắt chính sách, cải cách hiện hành và sắp tới; đối thoại, phản biện); “Đối thoại pháp lý” (xây dựng, đảm bảo hợp đồng kinh doanh; bảo vệ quyền lợi) và Quản trị bất định/rủi ro.

Nhìn ra xu thế, tận dụng lợi thế (động), đau đáu sáng tạo, kết nối chân thành, quản trị rủi ro, đó chính là những nhân tố cơ bản đảm bảo thành công cho doanh nghiệp.

*TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả