menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bảo Toàn

Nhìn lại 'cuộc chiến khí đốt' giữa Nga và phương Tây

Cuộc chiến khiến người dân các nước rơi vào cảnh lầm than vì giá nhiên liệu tăng!

Ngày 8/3, Ủy ban châu Âu đưa ra các đề xuất nhằm giảm 2/3 sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga trước khi kết thúc năm 2022.

Vào mùa Thu năm 2021, giá năng lượng bắt đầu tăng do nguồn cung khí đốt thắt chặt cùng với nhu cầu cao ở các nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch Covid-19. Thời điểm đó, Ba Lan đã cáo buộc Nga gây ra cuộc khủng hoảng bằng cách cố tình kiểm soát việc giao hàng cho châu Âu.

Ngày 13/10/2021, Ủy ban châu Âu công bố một “hộp công cụ” các biện pháp mà các nước EU có thể thực hiện để giảm bớt áp lực về nguồn cung khí đốt trong ngắn hạn và dài hạn. Năm 2021, Moscow cung cấp gần 40% nhu cầu khí đốt của EU.

Ngày 22/2/2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo tạm dừng dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) với Nga để phản ứng với việc Moscow công nhận của hai khu vực đòi độc lập ở Ukraine.

Dự án Nord Stream 2 từ lâu đã trở thành nguồn cơn gây căng thẳng giữa Berlin với các đồng minh là Mỹ và một số nước EU, với lo ngại sẽ làm tăng sự phụ thuộc năng lượng của Đức vào Nga.

Về phần mình, Ukraine cũng lo ngại sẽ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt nếu Nord Stream 2 đi vào hoạt động, vốn sẽ trực tiếp cung cấp khí đốt của Nga cho Đức qua Biển Baltic.

Vào ngày 24/2, xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Giá xăng và dầu tăng cao do lo ngại nguồn cung có thể bị cắt giảm. Ngày 2/3, EU loại 7 ngân hàng Nga khỏi hệ thống chuyển khoản ngân hàng SWIFT, nhưng cho phép một số ngân hàng lớn có quan hệ chặt chẽ với lĩnh vực năng lượng, phản ánh sự phụ thuộc của một số quốc gia EU vào khí đốt của Nga, đặc biệt là Đức, Italy, Áo và Hungary.

Ngày 8/3, Ủy ban châu Âu đưa ra các đề xuất nhằm giảm 2/3 sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga trước khi kết thúc năm 2022 như một phần của kế hoạch độc lập khỏi tất cả các nhiên liệu hóa thạch của Moscow “trước năm 2030”.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cấm nước này nhập khẩu khí đốt và dầu của Nga. EU cho biết họ sẽ cắt giảm 2/3 nhập khẩu khí đốt của Nga trong năm nay và Anh cho biết họ sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu năng lượng của Nga vào cuối năm 2022.

Đến ngày 23/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cấm các khách hàng khí đốt châu Âu thanh toán hóa đơn của họ bằng USD và euro, để đối phó với việc đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ tiền tệ do Nga nắm giữ ở nước ngoài.

Ông Putin thông báo rằng Moscow hiện sẽ chỉ chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp từ các quốc gia “không thân thiện”, bao gồm cả các quốc gia EU. Ủy ban châu Âu cảnh báo các thành viên EU rằng nếu thanh toán bằng đồng rúp, họ sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Moscow.

Đồng thời, Mỹ và EU khởi động các cuộc thảo luận về những nguồn thay thế. Washington đồng ý cung cấp cho châu Âu thêm 15 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên hóa lỏng trong năm nay.

Ngày 27/4, tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan, trong một động thái mà người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen mô tả là "tống tiền". Bà Leyen cho biết hai thành viên EU và NATO trên hiện đang nhận khí đốt từ các nước láng giềng EU.

Vào ngày 18/5, Ủy ban châu Âu trình bày kế hoạch REPowerEU trị giá 300 tỷ euro để loại bỏ nhập khẩu năng lượng của Nga đến năm 2027. Kế hoạch này có ba yếu tố chính: tiết kiệm năng lượng, tăng cường năng lượng tái tạo và đa dạng hóa nguồn cung cấp dầu và khí đốt của châu Âu.

Ngày 21/5, Nga cắt khí đốt cho nước láng giềng Phần Lan, quốc gia đã từ chối thanh toán bằng đồng rúp và khiến Moscow tức giận khi đề nghị gia nhập NATO. Hà Lan và Đan Mạch cũng bị cắt hợp đồng sau khi từ chối trả bằng đồng rúp.

Ngày 30/5, các nhà lãnh đạo EU đồng ý ngừng hầu hết nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay, nhưng chưa đưa ra lệnh cấm đối với khí đốt của Nga.

Đến giữa tháng 6, Gazprom cắt giảm mạnh nguồn cung cấp khí đốt hàng ngày cho Đức qua đường ống Nord Stream 1, khiến giá tiếp tục tăng cao. Trích dẫn một vấn đề kỹ thuật, Gazprom giảm giao hàng 40%, sau đó giảm 33% nữa, trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU ngày 23-24/6, khi Liên minh tuyên bố cấp ứng cử viên thành viên cho Ukraine.

Ngày 23/6, Đức đã nâng mức cảnh báo nguồn cung cấp lên mức thứ hai trong ba giai đoạn. Các thành viên EU khác cũng tìm cách bù đắp nguồn cung cấp khí đốt đang cạn kiệt của họ, bằng cách tìm các nhà cung cấp mới hoặc chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế. Áo công bố kế hoạch mở lại một nhà máy nhiệt điện than trong khi Pháp và Italy nắm cổ phần tại một mỏ khí đốt khổng lồ của Qatar.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại