Nhìn đúng bản chất trong phát triển đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội
Đối với định hướng phát triển 2 thành phố phía bắc sông Hồng và khu vực Hoà Lạc của Tp.Hà Nội, điều quan trọng là cần có cơ chế, chính sách, quy định đột phá.
Ngày 1/8, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội phối hợp với Sở Tư pháp Tp.Hà Nội và Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học "Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".
Một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm là xây dựng cơ chế, chính sách, quy định để phát triển và quản lý các đô thị vệ tinh (thành phố phía bắc sông Hồng và thành phố khu vực Hoà Lạc) của Thủ đô.
Theo TS. Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Luật Hà Nội, về bản chất, đô thị vệ tinh nhằm giảm tải và hỗ trợ cho đô thị lõi. Từ đó đặt ra một vấn đề đối với Hà Nội phải có quy hoạch tổng thể và phát triển hệ thống giao thông công cộng để đảm bảo tính độc lập nhưng vẫn có sự kết nối của đô thị vệ tinh với đô thị lõi.
TS Hùng cho biết, trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và trong dự thảo luật Thủ đô sửa đổi, có đề cập đến đô thị vệ tinh của thủ đô. Cụ thể, định hướng của Hà Nội là phát triển 2 thành phố trực thuộc thành phố, gồm thành phố phía bắc sông Hồng (gồm các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn) và thành phố phía tây (khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai).
"Chúng ta cần nhìn đúng bản chất của đô thị vệ tinh. Đó là hỗ trợ và giảm tải cho đô thị lõi, tức là cho 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Chứ 2 thành phố này không phải sự mở rộng của đô thị trung tâm, đô thị lõi", ông Hùng nói và cho rằng, quy định trong dự thảo luật đang làm cho 2 thành phố thuộc thành phố khoác "áo đồng phục" như các quận, huyện.
"Quy định như dự thảo cho thấy thành phố mới vẫn chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện. Thành phố phía bắc và phía tây của thủ đô với tính chất là đô thị vệ tinh nên cần có quy định vượt trội, đặc thù so với đơn vị hành chính khác. Nếu không, chúng ta sẽ lặp lại như câu chuyện của Tp.Thủ Đức ở Tp.HCM", TS Hùng nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, TS. Đàm Thị Diễm Hạnh - Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội, cho biết, một trong các vấn đề quan trọng, điểm mới nổi bật trong dự thảo là vấn đề thành lập chính quyền thành phố trực thuộc thủ đô bên cạnh hệ thống chính quyền hiện có là cấp quận, huyện, thị xã.
Chuyên gia này cho rằng, quy định tại điều 15 về HĐND và điều 16 về UBND và Chủ tịch UBND trong dự thảo luật Thủ đô sửa đổi còn "khiêm tốn" so với vấn đề lớn mà đạo luật này cần điều chỉnh. Hiện nay, ngoài quy định của Hiến pháp và một số quy định một cách rất tổng quát của luật Tổ chức chính quyền địa phương thì chưa có đạo luật nào quy định cụ thể vấn đề này. Do đó, cần quy định đầy đủ, cụ thể hơn về tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố trực thuộc thủ đô.
Bên cạnh đó, nghiên cứu điều 15, điều 16 cho thấy đặc thù của mô hình này so với chính quyền cấp quận, huyện, thị xã là chưa nổi bật. Bởi lẽ, chính quyền thành phố thuộc thủ đô chỉ được thực hiện 2 nhiệm vụ (khác so với chính quyền quận, huyện) về mặt tổ chức. Như vậy là chưa xứng đáng với vai trò, vị trí, đặc thù và yêu cầu của thành phố trực thuộc thành phố về đối tượng quản lý, tính chất quản lý… Đồng thời, việc tổ chức chính quyền của thành phố thuộc thủ đô chưa cho thấy tính đặc thù so với tổ chức chính quyền quận, huyện…
Từ phân tích nêu trên, TS. Đàm Thị Diễm Hạnh đề xuất cần có các quy định cụ thể hóa thẩm quyền của thành phố thuộc thủ đô trong dự thảo luật, theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ.
Đối với UBND thành phố thuộc thủ đô, cần tăng cường quyền hạn, nhiệm vụ cho cơ quan này với những thẩm quyền tương đương cấp sở thuộc thủ đô. Tăng thẩm quyền cho UBND và chủ tịch UBND thành phố trực thuộc, như: trao thêm quyền trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đầu tư công; trao quyền chủ động quyết định các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị; phòng, chống kẹt xe, ngập nước… để có đủ công cụ pháp lý thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình… .
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận