Nhiều vấn đề lớn làm nóng ĐHĐCĐ Công ty Tài chính Điện lực EVNFC
Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFC) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 với nhiều câu hỏi lớn được cổ đông đặt ra liên quan tới vấn đề nhân sự, giá cổ phiếu và hoạt động kinh doanh hậu EVN thoái vốn.
Công ty Tài chính cổ phần Điện lực vừa tổ chức thành công ĐHĐCĐ năm 2020 với nhiều nội dung đáng chú ý, tập trung vào vấn đề nhân sự, giá cổ phiếu và kế hoạch kinh doanh của công ty hậu thoái vốn của Tập đoàn điện lực (EVN).
ĐHĐCĐ lần này của EVNFC đặc biệt nóng về vấn đề nhân sự. Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan tới vấn đề này, HĐQT EVNFC cho biết: Về vấn đề thành viên HĐQT là đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, từ năm 2017 EVN đã không cử đại diện tham gia HĐQT công ty.
Các thành viên HĐQT là do ĐHĐCĐ đề cử, ứng cử, bầu cử theo quy định của điều lệ công ty và quy định của pháp luật liên quan. HĐQT hiện nay (nhiệm kỳ 2018-2023) được ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 bầu chọn. Các thay đổi về nhân sự giữa nhiệm kỳ (nếu có) do ĐHĐCĐ quyết định thông qua.
Trước đó, theo phản ánh trên báo chí, vào năm 2018 một nhóm cổ đông đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu hoãn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm đó để làm rõ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của EVNFC liên quan tới vấn đề nhân sự.
Cụ thể, nhóm cổ đông này cho rằng, HĐQT EVNFC đã cố tình che giấu thông tin về việc thông báo ứng cử người tham gia HĐQT và Ban kiểm soát khóa 2018-2023 khi không gửi thông báo trực tiếp đến các cổ đông. Các cổ đông cho rằng việc làm này là nhằm mục đích ngăn cản quyền tham gia ứng cử của các cổ đông, tạo điều kiện bất hợp pháp cho các thành viên HĐQT cũ và ban điều hành đề cử lẫn nhau vào HĐQT và BKS.
Với cơ cấu đề xuất HĐQT 2018-2023, Ban Giám đốc công ty sẽ có 3 người tham gia, 2 người khác của EVNFC từng tham gia Ban Giám đốc và hiện nhận lương trực tiếp tại công ty, chỉ có 1 thành viên độc lập. "Việc có tới 5 ứng viên HĐQT đều hiện đang hưởng lương hàng tháng tại EVNFC, trong đó có 3 thành viên trong Ban giám đốc, dẫn tới việc triệt tiêu vai trò của BKS. Đây là một mô hình quản trị rất dễ tạo ra lợi ích nhóm".
Ông Hoàng Văn Ninh – Chủ tịch HĐQT EVNFC hiện nay là người đại diện phần vốn của EVN (trước khi là người đại diện phần vốn EVN do ông là Phó trưởng Ban tài chính kế toán EVN). Do đó về mặt thủ tục, ông Hoàng Văn Ninh cần công khai vấn đề đại diện phần vốn EVN và thực hiện các thủ tục cần thiết có liên quan.
Nhóm cổ đông cũng đề nghị làm rõ vai trò của ông Hoàng Mạnh Hải (Phó tổng giám đốc EVNFC, thành viên HĐQT) liên quan đến vụ án xảy ra tại Oceanbank. Đó là việc EVNFC đã nhận tiền gửi 240 tỷ đồng của Ngân hàng OceanBank do ông Hà Văn Thắm làm Chủ tịch vào tháng 10/2014. Cùng với đó HĐQT EVNFC đã ra nghị quyết về việc mua có điều kiện 240 tỷ đồng cổ phiếu OCH của Tập đoàn OCG sau khi nhận tiền gửi của Ngân hàng Oceanbank. Việc này được cho rằng đã tạo điều kiện để ông Hà Văn Thắm chiếm đoạt số tiền 240 tỷ đồng của EVNFC thông qua hợp đồng đặt cọc mua cổ phần này.
Đáng chú ý, nhóm cổ đông này tố cáo, năm 2014 EVNFC đã ký hợp đồng đặt cọc mua trái phiếu với Công ty Chứng khoán An Phát và công ty đã chuyển số lượng tiền rất lớn cho An Phát sử dụng vào việc riêng không lấy lãi, đã gây thất thoát lớn.
Ngoài ra, công ty còn tiếp tục ký nhiều hợp đồng đặt cọc môi giới tương tự với nhiều công ty sân sau khác nhằm rút tiền sử dụng vào các mục đích khác nhau. Các khoản mục này đều được đưa vào mục phải thu khác và không được kiểm soát. Bên cạnh đó, công ty đã giải ngân tín dụng số tiền rất lớn cho các công ty sân sau như: Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Tam Ba, Công ty cổ phần Thạnh Mỹ Lợi, Công ty Mesa… Các công ty này có chủ sở hữu, người đại diện là những cổ đông cá nhân, sở nhiều cổ phần tại EVNFC hoặc là thành viên Ban giám đốc công ty, bao gồm: Bà Lưu Thị Tuyết Mai (nắm giữ 10,2 triệu cổ phần EVNFC - người đại diện theo pháp luật của Thạnh Mỹ Lợi, thành viên HĐQT của Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà); Bà Lưu Thị Tuyết Hương - người nắm giữ 10 triệu cổ phần EVNFC; Bà Đỗ Hồng Thủy (nắm giữ 6,25 triệu cổ phần của EVNFC.
Ngay sau ĐHĐCĐ thường niên 2020, EVNFC đã có quyết định bổ nhiệm 2 vị trí quan trọng là Phó Tổng giám đốc và Giám đốc tài chính với ông Hoàng Thế Hưng và ông Mai Danh Hiền với thời gian bổ nhiệm là 5 năm kể từ ngày 15/6/2020.
Theo giới thiệu, ông Mai Danh Hiền từng là Phó trưởng phòng tổ chức - kiểm soát viên trưởng của Công ty CP Đèo Cả từ năm 2010-2011. Từ 2011 đến nay ông Hiền về EVNFC, đi lên từ vị trí chuyên viên Phòng Kế toán.
ĐHĐCĐ cũng thông qua việc miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT là ông Hoàng Mạnh Hải và ông Bùi Xuân Dũng; bầu bổ sung ông Lê Mạnh Linh. Được biết, ông Lê Mạnh Linh từng là Chủ tịch HĐQT Công ty CP bánh kẹo Hải Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý Quỹ Amber.
Như vậy cho đến thời điểm hiện tại, HĐQT EVNFC gồm 5 thành viên, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập. Ông Hoàng Văn Ninh vẫn là Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Hoàng Hải là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc EVNFC. Ông Hoàng Mạnh Hải đã được miễn nhiệm vị trí thành viên HĐQT nhưng vẫn là Phó Tổng giám đốc của EVNFC.
Giá cổ phiếu chưa đúng giá trị thực của công ty!
Ngoài vấn đề nhân sự, ĐHĐCĐ EVNFC lần này tiếp tục nóng về vấn đề cổ tức và giá cổ phiếu. Trả lời thắc mắc của cổ đông, HĐQT EVNFC cho biết, công ty đã được đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM từ năm 2018. Giá cổ phiếu trong giai đoạn vừa qua chưa phản án giá trị thực của công ty. Theo đó, ở thời điểm EVN thoái vốn vào năm 2019, giá trị sổ sách của cổ phiếu EVNFC là 13.48 đồng/cổ phiếu.
Ngày 7/8/2018, 250 triệu cổ phiếu EVF đã chính thức giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 12.200 VNĐ/CP. Tuy nhiên, sau đó giá cổ phiếu liên tục giảm mạnh, có lúc xuống đáy, giao dịch quanh mức 4.000 VND/CP. Đến giai đoạn EVN đấu giá cổ phần tại EVNFC mức giá cổ phiếu này mới bật tăng lên khoảng 7.000 VND/CP. Tuy nhiên, từ đó đến nay mức giá của cổ phiếu EVF vẫn chỉ quanh mức 7.200 đồng/CP, thấp hơn gần 40% thời điểm EVF lên sàn. Đây là bức xúc của các cổ đông lâu năm của EVNFC trong vài năm trở lại đây.
Có thể thấy cổ đông lâu năm của EVNFC đa số là các cán bộ công nhân viên của EVN. Thời điểm các cổ đông này dùng tiền tích góp mua cổ phiếu EVF với mức giá ưu đãi thấp hơn giá niêm yết ban đầu là 12.200 VND/CP. Tuy nhiên, khi giá cổ phiếu liên tục giảm và chưa bao giờ quay trở lại mốc giá ban đầu thì nhiều cổ đông nhỏ lẻ là CBNV của EVN đã chịu thiệt hại nặng nề.
Không những thế, trong nhiều năm qua mức chia cổ tức của EVNFC đều rất thấp, chỉ quanh mức 2 - 6%, trong khi đó hoạt động kinh doanh của công ty cũng không có đột biến, đủ để cổ đông hy vọng vào một tương lai tươi sáng.
Đáng chú ý, trong thư mời tham dự ĐHCĐ, EVNFC có nhắc tới nội dung thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược (nếu có). Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ cũng không nhắc tới vấn đề này.
Liên quan tới định hướng và ngành nghề kinh doanh của EVNFC hậu EVN thoái vốn, HĐQT công ty cho biết, với vị trí là một công ty tài chính, hạn chế của EVNFC là không được trực tiếp huy động vốn từ dân cư, HĐQT EVNFC định hướng tiếp cận nguồn vốn nước ngoài, giảm thiểu các hạn chế trong huy động vốn từ các doanh nghiệp trong nước.
Tại ĐHĐCĐ, EVNFC đã thông qua chỉ tiêu kinh doanh năm 2020: Vốn điều lệ lên mức 2.629,8 tỷ đồng; tổng tài sản 22.050 tỷ đồng (giảm so với năm 2019); doanh thu 1.833 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 5 tỷ đồng so với năm 2019 còn 280,5 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận