Nhiều tiệm vàng ở TPHCM nơm nớp lo bị 'sờ gáy'
Tiệm vàng ở TPHCM lo bị kiểm tra
Cần là có
Có nhu cầu mua lắc chân làm quà sinh nhật tặng vợ, anh Tâm (ngụ quận Phú Nhuận) tìm đến một tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn gần chợ Bến Thành (quận 1). Nhân viên tại đây mang ra chiếc lắc chân giới thiệu là vàng Mỹ nặng khoảng 1 chỉ, có giá 7 triệu đồng.
Theo lời nhân viên, sản phẩm được một khách hàng có người nhà ở nước ngoài mang về, do không thích dùng nên bán lại. “Tôi thấy hàng đẹp, lại chỉ có một chiếc không đụng hàng với ai nên mua. Khi mua chỉ có tờ giấy biên nhận của tiệm vàng đã bán chứ không có hóa đơn, chứng từ” – anh Tâm nói.
Sản phẩm vàng trang sức có đính tem nhưng đa số thông tin đều viết tắt |
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều tiệm vàng nhỏ khi bán sản phẩm cho khách không có hóa đơn. Khách hàng cũng hiếm khi yêu cầu xuất hóa đơn đỏ. Hầu hết các giao dịch mua bán chỉ có tờ giấy biên nhận của nơi bán, trên đó có thông tin về sản phẩm, lượng vàng, số tiền… Thậm chí, nhiều khách quen còn không cần giấy biên nhận. Họ mua vàng trang sức đeo chơi, khi nào chán mang ra chỗ mua bán lại.
Bên cạnh đó, với đa số các hộ kinh doanh vàng bạc, khách hàng có thể lấy mẫu ở bất cứ đâu, đem đến tiệm sẽ được làm đúng mẫu mã, kiểu dáng theo yêu cầu. “Ngoài các mẫu khác mang đến, chúng tôi còn tham khảo thêm những mẫu đang thịnh hành trên thế giới, được nhiều người ưa chuộng rồi làm theo. Từ xưa tới giờ, các tiệm vàng đều lấy mẫu mã nước ngoài rồi chế tác theo” – ông Sơn, chủ một tiệm vàng tại phố vàng bạc (quận 5) nói.
Lực lượng chức năng TPHCM ra quân kiểm tra các tiệm vàng, thu giữ nhiều sản phẩm không có hóa đơn, nhái thương hiệu nước ngoài... |
Thời gian đây, lực lượng chuyên ngành Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM liên tục ra quân kiểm tra nhiều điểm kinh doanh, mua bán vàng trên địa bàn thành phố. Theo đại diện Cục QLTT, sản phẩm vàng đang kinh doanh tại các cửa hàng không có hoá đơn chứng từ theo quy định thì được xác định là hàng hoá nhập lậu hay hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá giả mạo nhãn hiệu,... sẽ bị tịch thu và xử phạt.
Tính đến giữa tháng 5/2024, Cục QLTT TPHCM đã kiểm tra 35 cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn, tạm giữ 719 đơn vị sản phẩm, gồm nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền… Toàn bộ số hàng trên đều không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ (trong đó một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu). Tổng giá trị số hàng khoảng 1,3 tỷ đồng. Đơn vị này đã xử phạt 21 vụ với tổng số tiền 1,28 tỷ đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm. Các vụ việc còn lại, đang được tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định.
Cách nào tránh bị 'sờ gáy'?
Ngày 18/5, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho rằng, chế tác, kinh doanh vàng là ngành nghề truyền thống và mang ý nghĩa lịch sử. Sự phát triển của hoạt động sản xuất, gia công và mua bán vàng trang sức mỹ nghệ gắn liền với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, khác với những ngành nghề sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ, ngành nghề này liên quan đến vàng - loại hàng hóa đặc biệt, có mối liên hệ bản chất đến tiền tệ. Việc quản lý và thực thi pháp luật giữ vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của lĩnh vực vàng trang sức mỹ nghệ, mà còn đối với sự ổn định và phát triển nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM yêu cầu các DN kinh doanh vàng phải thực hiện nghiêm theo Nghị định 24 |
Vì vậy, các DN trong hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cần thực hiện theo Nghị định 24 của Chính phủ quy định về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Cụ thể, phải đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng của sản phẩm theo quy định pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng và khối lượng sản phẩm đã công bố do DN sản xuất, DN thuê gia công. Các DN phải chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ…
Các tiệm vàng ở TPHCM hiện nay vừa kinh doanh, vừa nơm nớp lo bị kiểm tra |
Trong đó, phải đảm giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ vàng nguyên liệu mua vào để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (hóa đơn; bảng kê, giấy tờ pháp lý khác có liên quan...theo hướng dẫn của cơ quan thuế; cục QLTT..).
“Công khai, minh bạch, thực hiện đúng quy định sẽ không chỉ đảm bảo DN thực thi trách nhiệm trước pháp luật mà còn phòng ngừa và hạn chế rủi ro phát sinh có liên quan đến tiêu thụ hàng nhái, hàng giả..., đồng thời ứng dụng phần mềm hóa đơn điện tử. Từ đó, góp phần phòng chống buôn lậu và gian lận trong lĩnh vực này” – ông Lệnh nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận