Nhiều startup xe điện vấp "ổ gà" sau khởi đầu suôn sẻ
Sau khi huy động được nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư sau sự khởi sắc của Tesla, nhiều startup trong lĩnh vực xe điện vấp phải “ổ gà” trên hành trình theo đuổi các phương tiện của thế hệ tiếp theo.
Sau khi huy động được một nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư sau sự khởi sắc của Tesla, nhiều startup trong lĩnh vực xe điện đang vấp phải “ổ gà” trong hành trình theo đuổi các loại phương tiện của thế hệ tiếp theo.
Cuộc khủng hoảng gần đây nhất đã xảy ra với Lordstown Motors, khi startup này mới đây đã thông báo sự ra đi bất ngờ của hai nhà lãnh đạo cốt cán. Trước đó, ngày 8/6, Lordstown cho biết công ty này đang thiếu vốn để có thể bắt đầu sản xuất thương mại, và cảnh báo về khả năng tiếp tục vận hành của mình.
Và đây không phải là startup duy nhất gặp khó sau khi “lên sàn” bằng cách sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Kiểu “lên sàn” này, cho phép các công ty tiếp cận thị trường nhanh hơn so với cách truyền thống là phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO), đã diễn ra phổ biến trong năm qua.
Usha Rodrigues, một giáo sư của trường luật thuộc đại học University of Georgia, cho biết một lỗ hổng luật pháp sẽ bảo vệ các thương vụ SPAC khỏi nguy cơ kiện tụng nếu không đạt được các dự đoán đưa ra trước đó, điều không xảy ra ở các thương vụ IPO truyền thống.
Nhiều startup trong lĩnh vực xe điện đã từng “lên sàn” thông qua SPAC giờ đây đang đứng trước nhiều nguy cơ. Startup Nikola đã gặp khủng hoảng mùa Thu năm ngoái khi người sáng lập đột ngột từ chức sau những cáo buộc gian lận.
Giám đốc điều hành (CEO) và cũng là nhà đồng sáng lập của công ty Canoo đã từ chức hồi tháng Tư.
Trong khi Lucid Motors hồi tháng Hai đã hoãn sản xuất xe sedan chạy bằng điện của mình chỉ vài ngày sau khi công bố một giao dịch mà theo đó công ty này được định giá ở mức 11,75 tỷ USD.
Karl Brauer, chuyên gia của trang Carexpert.com, cho rằng “lên sàn” thông qua SPAC có thể dẫn đến việc nhiều công ty nhận được vốn “trước khi họ thực sự xứng đáng được đầu tư”.
Ông cho biết dù bản thân quá trình SPAC không có gì sai trái, nhưng nếu nó giúp một công ty huy động được vốn quá sớm, thì công ty đó có khả năng cao sẽ thất bại.
Jessica Caldwell, một chuyên gia cấp cao của trang Edmunds.com, cho biết các công ty nhỏ chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức hơn, khi xe điện là một ngành đòi hỏi nguồn vốn lớn. Bà nhấn mạnh Tesla không phải là câu chuyện “thành công chỉ sau một đêm”.
Trên thực tế, “ông lớn” này mất đến 15 năm mới có lãi. Theo bà Caldwell, đây là một quá trình lâu dài và tốn nhiều công sức, chứ không phải là một hành trình có thể “đi tắt” bằng một lượng vốn được huy động một cách chóng vánh./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận