Nhiều sai sót tại dự án đường nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình
Có nhiều sai sót cần được chỉnh sửa trong quá trình triển khai Dự án Xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Nguy cơ nợ đọng
Kiểm toán Nhà nước vừa có Thông báo số 573/TB - KTNN, thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (Dự án đường nối 2 tuyến cao tốc).
Đây là dự án đã được hoàn thành, thông xe giai đoạn I vào cuối tháng 1/2019, gồm 3 dự án thành phần độc lập, do 3 đơn vị khác nhau được giao làm chủ đầu tư. Cụ thể, Dự án thành phần I - xây dựng đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên từ km0 - km 24+930,9 do Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Hưng Yên làm chủ đầu tư;
Dự án thành phần II - xây dựng đoạn qua địa phận tỉnh Hà Nam từ km 31 (nút giao với ĐT 499) đến km 47+543 (nút giao Liêm Tuyền), do Sở GTVT Hà Nam làm chủ đầu tư; Dự án cầu Hưng Hà và đường dẫn hai đầu cầu sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Trong lần kiểm toán này, Kiểm toán Nhà nước chỉ tiến hành “nội soi” công tác chuẩn bị đầu tư, huy động vốn và thi công tại dự án thành phần I và dự án thành phần II, có tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/8/2019, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận đã có lần lượt 608 tỷ đồng và 546 tỷ đồng được đưa vào 2 dự án thành phần I và II.
Khiếm khuyết đầu tiên được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra chính là công tác huy động, bố trí vốn cho 2 dự án thành phần. Trong bước lập, thẩm định, phê duyệt 2 dự án, cơ quan chức năng đã không xem xét, đánh giá đầy đủ yếu tố vốn để đảm bảo tính khả thi của dự án, chưa tuân thủ quy định về quản lý đầu tư.
Trong khi Dự án thành phần I được khởi công vào tháng 8/2011, Dự án thành phần II được khởi công vào tháng 10/2014, nhưng phải đến tháng 12/2018, nguồn vốn cho công trình mới được xác định là 1.397/2.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; 603 tỷ đồng còn lại hiện vẫn chưa cân đối được nguốn vốn. Đến năm 2019, khi cả 2 dự án đã được đưa vào khai thác, mới được phân bổ chính thức 1.300 tỷ đồng, trong đó Dự án thành phần I được nhận 650 tỷ đồng và Dự án thành phần II nhận 650 tỷ đồng.
Với tình trạng lệch pha lớn trong việc bố trí vốn và thi công, nguy cơ xuất hiện nợ đọng xây dựng cơ bản tại dự án này là không thể tránh khỏi.
Khiếm khuyết lớn thứ hai mà Kiểm toán Nhà nước chỉ ra liên quan đến công tác khảo sát, lập dự án đầu tư công trình. Theo đó, công tác khảo sát lập dự án đầu tư Dự án thành phần II do Sở GTVT Hà Nam làm chủ đầu tư còn chưa phù hợp, tối ưu về hướng tuyến, dẫn đến quá trình triển khai phải điều chỉnh hướng tuyến từ Km 41+300 - Km 46+815 làm kéo dài tiến độ thi công.
Chỉ định thầu không phù hợp
Hạt sạn lớn nhất được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tại Dự án thành phần I và Dự án thành phần II liên quan tới công tác lựa chọn nhà thầu thi công. Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc đề xuất của UBND tỉnh Hà Nam, UBND tỉnh Hưng Yên kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép chỉ định thầu các gói thầu tại 2 dự án là không phù hợp với quy định, thiếu căn cứ, không làm rõ được sự cần thiết phải chỉ định thầu.
Bên cạnh đó, tại thời điểm 2 địa phương xin chỉ định thầu vào năm 2009, Dự án thậm chí còn chưa có quyết định đầu tư. Mặc dù 2 dự án do 2 chủ đầu tư khác nhau, được triển khai trên 2 địa bàn khác nhau, nhưng đơn vị được giao thầu lại có cùng một cái tên là Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường.
Trong quá trình thi công, do vốn bố trí không đủ nên tiến độ triển khai cả 2 dự án bị vỡ rất sâu, trong đó Dự án thành phần I - gói thầu xây lắp chính và duy nhất phải gia hạn thêm 46 tháng. Tại Dự án thành phần II, Sở GTVT Hà Nam cũng phải chấp nhận gia hạn tiến độ thêm 25 tháng, nguyên nhân chủ yếu do công tác bố trí vốn, chậm trễ giải phóng mặt bằng, điều chỉnh một số giải pháp thiết kế. Đến thời điểm kết thúc kiểm toán (tháng 11/2019), các bên vẫn chưa phân định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, cũng như mức độ ảnh hưởng của từng nguyên nhân.
Cũng tại Dự án thành phần II, Kiểm toán Nhà nước khẳng định việc Sở GTVT Hà Nam chưa thực hiện kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng so với hồ sơ dự thầu trước khi triển khai thi công là chưa tuân thủ quy định tại Điều 24, Nghị định số 15/2013/NĐ - CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Liên quan đến công tác nghiệm thu thanh toán, Kiểm toán Nhà nước phát hiện 2 chủ đầu tư đã có một số sai sót trong việc tính toán khối lượng hoàn thành, xác định đơn giá. Qua kiểm toán đã kiến nghị xử lý 15,9 tỷ đồng, trong đó sai khối lượng là 7,9 tỷ đồng, sai đơn giá là 3,1 tỷ đồng, chưa đủ điều kiện thanh toán là 4,5 tỷ đồng.
“UBND tỉnh Hưng Yên và Hà Nam phải chỉ đạo chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Tiến hành kiểm điểm tập thể, cá nhân trong việc đề xuất áp dụng cơ chế chỉ định thầu cho công trình”, ông Nguyễn Quang Thành, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu.
Dự án thành phần I: Xây dựng đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên từ Km0 - Km 24+930,9 (nút giao QL39), do Sở GTVT Hưng Yên làm chủ đầu tư, chiều dài tuyến 24,93 km, đi qua 17 xã của 6 huyện, thành phố.
Dự án thành phần II: Xây dựng đoạn qua địa phận tỉnh Hà Nam từ Km 31 (nút giao với ĐT499) đến Km 47+543 (nút giao Liêm Tuyền). Đoạn qua địa phận tỉnh Hà Nam do Sở GTVT Hà Nam là chủ đầu tư. Điểm đầu tại Km31+245, điểm cuối tại Km46+815,77 (giao với QL21B), chiều dài dự án 15,6 km.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận