Nhiều quốc gia nới lệnh phong tỏa, giá dầu nhảy vọt 19% trong tuần
Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng trong phiên 15/5 nhờ dấu hiệu nhu cầu có thể sớm phục hồi mạnh.
Giá “vàng đen” tiếp tục leo dốc trong phiên giao dịch ngày 15/5, trong đó dầu WTI bứt phá 19% trong tuần qua, nhờ sự hỗ trợ từ việc cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất dầu chủ chốt cùng những dấu hiệu nhu cầu dầu thô sẽ nhanh chóng phục hồi khi nhiều nước nới lệnh phong tỏa nhằm dịch Covid-19.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu ngọt nhẹ WTI nhích 1,87USD, tương đương 6,8%, lên 29,43 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc trong tuần qua lên 19%, theo dữ liệu từ Dow Jones Market. Giá mặt hàng dầu này cũng đóng cửa với mức cao nhất kể từ ngày 13/3/2020 sau khi tăng 9% trong phiên trước đó.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 7 trên sàn London cũng cộng thêm 1,37 USD (tương đương 4,4%) lên 32,50 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này có thời điểm trong phiên nhảy vọt lên tới 32,50 USD, mức cao nhất kể từ ngày 13/4. Giá dầu Brent cũng nhích gần 7% trong phiên trước đó. Tính chung trong tuần, giá dầu Brent tăng 4,9%.
Với thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, có hiệu lực từ đầu tháng 5/2020, nhu cầu dầu toàn cầu đã có sự cải thiện.
“Sự tập trung chú ý của thị trường ngày càng chuyển sang phía nguồn cung khi nhiều thành viên OPEC+ đáp ứng hoặc vượt quá mục tiêu cắt giảm của họ”, chuyên gia phân tích Jason Gammel tại Jefferies cho hay.
Theo các nhà phân tích hàng hóa của SEB, các dấu hiệu phục hồi nhu cầu cùng với nỗ lực cắt giảm nguồn cung dầu mỏ của OPEC+ và hoạt động sản xuất giảm mạnh của các nước ngoài OPEC đã giúp giá dầu phục hồi mạnh trong tuần này.
Số liệu công bố ngày 15/5 cho thấy tiêu thụ dầu thô hàng ngày của Trung Quốc đã phục hồi trong tháng 4/2020 khi các nhà máy lọc dầu ở nước này tăng cường hoạt động sản xuất.
Về nguồn cung, Ả Rập Saudi thông báo sẽ cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2020, trong khi Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Kuwait cũng cắt giảm nhiều hơn so với mức mục tiêu, và sản lượng của Nga cũng gần đạt được mục tiêu.
Bên cạnh đó, đà sụt giảm của sản lượng dầu tại Mỹ cũng giúp giá dầu đi lên trong phiên giao dịch ngày 15/5.
Trong báo cáo định kỳ hàng tháng công bố hôm 14/5, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết sản lượng dầu của Mỹ sụt giảm về 12 triệu thùng/ngày đưa tổng nguồn cung dầu toàn cầu trong tháng 5 xuống còn 88 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong 9 năm.
Trong khi đó, IEA dự đoán lượng dầu thô dự trữ toàn cầu sẽ giảm khoảng 5,5 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2020.
Dữ liệu từ Baker Hughes công bố ngày 15/5 cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 34 giàn xuống còn 258 giàn trong tuần này. Số giàn khoan dầu tại Mỹ hiện đã giảm 9 tuần liên tiếp, cho thấy đà sụt giảm sắp tới của sản lượng dầu thô nội địa.
Balint Balazs, chuyên gia phân tích hàng hóa tại Schneider Electric, cho biết: “Việc cải thiện dần dần triển vọng nhu cầu cũng góp phần giúp thị trường dầu cân bằng hơn, khi việc nới lỏng các lệnh phong tỏa và biện pháp hạn chế trên toàn cầu làm gia tăng tiêu dùng nhiên liệu”.
Tập đoàn tài chính - ngân hàng Barclays đã nâng dự báo giá dầu Brent và WTI tăng từ 5-6 USD/thùng trong năm 2020 và khoảng 16 USD/thùng trong năm 2021. Theo dự đoán của Barclays, giá dầu Brent sẽ đạt mức 37 USD/thùng và giá dầu WTI sẽ phục hồi lên 33 USD/thùng trong năm nay. Trong năm 2021, ngân hàng này nhận định giá dầu Brent và WTI lần lượt tăng lên 53 USD và 50 USD mỗi thùng.
Dù vậy, tâm lý của thị trường vẫn chịu sức ép từ lo ngại làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần hai tại những nước sớm dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Nhà phân tích Amarpreet Singh tại Barclays nhận xét diễn biến cung và cầu đều cho thấy thị trường đã chạm đáy. "Tuy nhiên, quy mô và tốc độ của quá trình gián đoạn, cũng như lượng tồn kho lớn sẽ khiến thị trường phải mất một thời gian nữa mới hấp thụ được", ông Singh nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận