Nhiều quốc gia hướng đến giảm phụ thuộc vào USD
Đồng bạc xanh của Mỹ đã đóng vai trò chủ đạo của thế giới tài chính trong gần 8 thập niên kể từ khi Chiến tranh Thế giới Thứ hai kết thúc. Nhưng hiện nay, nhiều quốc gia đang dịch chuyển xa rời đồng USD trong thương mại.
Việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022 đã châm ngòi cho làn sóng trừng phạt tài chính của phương Tây với Moskva. Chính phủ các nước phương Tây đã đóng băng gần một nửa dự trữ ngoại hối của Nga và loại các ngân hàng nước này ra khỏi Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), một hệ thống thanh toán quốc tế. Vai trò trung tâm của SWIFT trong lĩnh vực ngân hàng quốc tế thường được so sánh với Gmail trong lĩnh vực thư điện tử.
Ông Ahmadi Ali tại Trung tâm Chính sách An ninh Geneva (Thụy Sĩ) nhận định: “Một khi ra khỏi SWIFT, bạn đánh mất khả năng giao dịch xuyên biên giới dễ dàng. Bạn cũng đứng trước rủi ro đứng ngoài chuỗi cung ứng toàn cầu và điều này có thể gây tổn tại nền kinh tế quốc gia”.
Các lệnh trừng phạt này được một số người gọi là “vũ khí hóa đồng USD”, khiến Nga cùng Trung Quốc thúc đẩy cơ sở hạ tầng tài chính thay thế. Theo các nhà phân tích, những quốc gia như Trung Quốc, vốn đã nằm trong tầm ngắm lệnh trừng phạt của Mỹ, lo ngại các biện pháp như vậy có thể được sử dụng để chống lại họ trong tương lai và có thể ảnh hưởng đến hoạt động nền kinh tế của họ.
Tuy nhiên, không chỉ có Bắc Kinh và Moskva. Từ Ấn Độ đến Argentina, Brazil rồi Nam Phi, Trung Đông tới Đông Nam Á, trong những tháng gần đây, các quốc gia và khu vực đã gia tăng nỗ lực hướng tới thỏa thuận giảm phụ thuộc vào đồng USD. Các nhà kinh tế học và chuyên gia cho rằng căn nguyên dẫn đến xu hướng này là mối lo ngại Mỹ một ngày nào đó cũng sử dụng sức mạnh đồng bạc xanh để nhắm đến họ như cách nước này trừng phạt Nga.
Nhưng các nhà phân tích cũng nhấn mạnh với Al Jazeera rằng trong tương lai gần, vị trí của đồng USD nhiều khả năng không lung lay và vẫn là đồng tiền chính của giao dịch, thương mại quốc tế. Tuy nhiên, vị thế của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu có thể chịu ảnh hưởng nếu các quốc gia chuyển sang những đồng tiền khác.
Vị trí vững chắc bất chấp thời gian
Phần lớn thương mại toàn cầu sử dụng đồng USD, và điều này bắt nguồn từ sự kiện cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai. Năm 1944, đại diện của 44 quốc gia đã tề tựu tại Bretton Woods, New Hampshire (Mỹ) để tìm cách khôi phục nền kinh tế thế giới sau chiến tranh. Các đại diện nhất trí rằng Mỹ với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ cố định giá trị của đồng USD với vàng và các quốc gia khác sẽ lần lượt ổn định đồng tiền của họ với đồng bạc xanh. Các quốc gia dự trữ USD để duy trì tỷ giá hối đoái của họ, khiến nó trở thành đồng tiền thống trị toàn cầu.
Bà Alicia García Herrero tại Viện nghiên cứu Bruegel (Bỉ) phân tích: “Rõ ràng chúng ta đang hướng tới một thế giới đa phương hơn, thể hiện qua tỷ lệ dự trữ ngoại hối của đồng USD giảm”.
Trên toàn cầu, đồng USD được các nhà đầu tư coi là tài sản dự trữ an toàn, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, do niềm tin cao vào nền kinh tế Mỹ. Sự đảm bảo đó thể hiện ở nhu cầu USD tăng lên vào những thời điểm khủng hoảng kinh tế. Nhưng nhu cầu đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự mất giá của hầu hết các loại tiền tệ so với USD vào năm 2022 khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Xa rời đồng bạc xanh
Trong tháng 3, đại sứ của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại Ấn Độ cho biết hai nước đang cố gắng hoàn tất một thỏa thuận để giao dịch bằng đồng nội tệ của họ là dirham và rupee. UAE là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ. Vào tháng 1, một quan chức Bộ Thương mại Ấn Độ tiết lộ với các phóng viên rằng Nga, Sri Lanka, Bangladesh và Mauritius đều muốn giao dịch với Ấn Độ bằng đồng rupee.
Trong khi đó, các nền kinh tế lớn của Đông Nam Á đang lên kế hoạch tạo ra một cơ chế với các ứng dụng điện thoại có thể được sử dụng để giao dịch giữa các nước trong khu vực bằng nội tệ của họ mà không cần phải dựa vào đồng USD làm trung gian.
Và trong một thông báo gây xôn xao dư luận toàn cầu vào tháng 1, Tổng thống Brazil và Argentina cho biết họ sẽ thiết lập một đồng tiền chung Nam Mỹ để giải quyết các giao dịch thương mại.
Vào tháng 2, ngân hàng trung ương của Iraq tuyên bố lần đầu tiên sẽ cho phép thương mại với Trung Quốc được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Ngân hàng trung ương của Bangladesh cũng đưa ra thông báo tương tự vào tháng 9/2022. Và vào tháng 12/2022, Trung Quốc cùng Saudi Arabia đã thực hiện giao dịch đầu tiên bằng đồng nhân dân tệ .
Một số chuyên gia tin rằng mặc dù các động thái hướng tới xa rời USD sẽ không thay thế vị trí thống trị đồng bạc xanh bằng một loại tiền tệ khác, nhưng điều này có thể đưa ra các lựa chọn để cho phép giao dịch thương mại không sử dụng USD.
Bà Zongyuan Zoe Liu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ) nhận định rằng có lợi thế khi thực hiện giao dịch bằng một loại tiền tệ duy nhất. Theo bà, nó giúp giảm chi phí giao dịch và chịu trách nhiệm về bản chất tích hợp cao của hệ thống tài chính toàn cầu. Bà Liu còn gọi đồng USD là “chất bôi trơn trong thương mại và tài chính quốc tế”. Giao dịch bằng nhiều loại tiền tệ làm tăng rủi ro biến động tiền tệ.
Bà kết luận: “Nếu câu hỏi đặt ra là liệu một hệ thống tiền tệ đa dạng hơn là tốt hay xấu, tôi sẽ nói rằng tốt hơn hết là chúng ta nên có một loại tiền tệ tiêu chuẩn để kinh doanh vì điều này đã hoạt động tốt cho đến nay. Nhưng điều kiện cho điều đó là Mỹ không vũ khí hóa đồng USD”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận