menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Cao Bảo

Nhiều người Việt rất hay nuối tiếc quá khứ

Có một ông anh thân, hơn tôi cả về bằng cấp - học vị, sự nghiệp lẫn sự tây học, rất hay nuối tiếc về quá khứ của Việt Nam. Thỉnh thoảng anh lại trầm tư “Bảo biết không, năm 1960, kinh tế Hàn Quốc chỉ ngang Nam Việt Nam thôi, thế mà …”., Anh bỏ lửng ở đấy để tôi tự hiểu rằng nếu như … thì bây giờ Việt Nam cũng được như Hàn Quốc.

Có rất nhiều người Việt Nam khác cũng có suy nghĩ giống như ông anh tôi kể trên, người có học tiếc, người không có học cũng tiếc, người tây học tiếc, người chưa từng đi tây cũng tiếc, trí thức tiếc, doanh nhân tiếc, nói chung đủ cả.

Tôi thì cho rằng, nếu mà để nuối tiếc như thế thì trên thế giới phải có đến 60 - 70 quốc gia nuối tiếc, chứ không phải chỉ có Việt Nam, thậm chí có nhiều quốc gia khác còn nuối tiếc gấp 5, gấp 10, gấp 15 lần Việt Nam chúng ta.

Tôi vào bảng GDP đầu người của World Bank từ 1960 tính thử, thì có đến 66 quốc gia trên thế giới đã từng giàu có hơn Hàn Quốc hoặc chí ít là ngang Hàn Quốc mà hiện tại lại nghèo hơn Hàn Quốc, trong đó có 51 quốc gia đã từng có GDP đầu người lớn hơn Hàn Quốc và 15 quốc gia có GDP đầu người ngang với Hàn Quốc (chưa tính các quốc gia dầu mỏ). Nam Việt Nam chỉ nằm trong nhóm 15 quốc gia ngang Hàn Quốc, tức nằm trong top dưới của 66 quốc gia (GDP Hàn Quốc năm 1960-62 là $119.3, năm 2022 là $32.255).

Những quốc gia đã từng giàu có hơn Hàn Quốc, giờ ngồi tiếc nuối có đến gần 30 nước Nam Mỹ và Trung Mỹ, 10 nước Châu Phi, 4 nước Châu Âu (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ), còn lại là các quốc gia Nam Á, Đông Nam Á và Trung Đông, trong đó có hơn 80% quốc gia giàu hơn Hàn Quốc từ 2 đến 10 lần.

Ngay trong Đông Nam Á, nếu như năm 1960, Nam Việt Nam chỉ ngang Hàn Quốc thì Philippines và Malaysia còn cao gấp 2 lần Hàn Quốc (Singapore thì cao gấp 10 lần). Như vậy, nếu mà Việt Nam chúng ta nuối tiếc một, thì Malaysia, Philippines nuối tiếc gấp 2, gấp 3 lần.

Còn trên toàn cầu, nếu mà nuối tiếc thì chúng ta không đơn độc, có đến 66 quốc gia cùng nuối tiếc, thậm chí có nhiều quốc gia còn nuối tiếc gấp 5, gấp 10 lần, trong đó có cả những đế quốc Châu Âu lừng lẫy một thời là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ.

Có một thông tin đặc biệt quan trọng mà những người nuối tiếc không nhắc đến là tiền viện trợ và tiền hỗ chợ vay quốc tế mà Hàn Quốc đã nhận được trong giai đoạn 1954-1976 là rất nhiều, đây chính là động cơ rất lớn cho con tàu kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng ở giai đoạn đầu.

Theo tài liệu “Impact of Foreign Aid on Korea’s Development” (2012) thì tổng viện trợ của Mỹ cho Hàn Quốc từ 1953 đến 1976 là 12.06 tỷ USD, còn theo cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID thì chỉ riêng giai đoạn 1962 đến 1982, Hàn Quốc đã nhận được 41.7 tỷ USD tiền viện trợ và tiền cho vay thương mại, trong đó Mỹ viện trợ 13.8 tỷ USD, Nhật Bản viện trợ 5.3 tỷ USD.

So sánh với các quốc gia khác trên toàn cầu thì trong giai đoạn 1954-1976, Hàn Quốc là quốc gia nhận được tiền viện trợ của Mỹ nhiều thứ 3 thế giới, chỉ sau Israel và Nam Việt Nam. Nếu như như số tiền Mỹ viện trợ cho Hàn Quốc 12.06 tỷ USD, thì toàn bộ Châu Phi chỉ nhận được có 6.85 tỷ USD và toàn bộ Châu Mỹ nhận được 14.89 tỷ USD. Thế mới thấy Hàn Quốc có một động cơ tăng trưởng mạnh như thế nào.

Để thấy được ý nghĩa của số tiền viện trợ của Mỹ cho Hàn Quốc, chúng ta hình dung thế này: GDP Hàn Quốc 1961 là 2.42 tỷ USD, 1965 là 3.12 tỷ USD; Giai đoạn 1953-1969, Hàn Quốc nhận được 8.3 tỷ USD tiền viện trợ, trung bình mỗi năm là 488 triệu USD. Như vậy riêng tiền viện trợ đã tương đương với 17% đến 20% GDP của Hàn Quốc các năm ấy.

Sự thành công của Hàn Quốc là điều không thể nghi ngờ, nó đã được cả thế giới đánh giá cao với tên gọi “kỳ thích sông Hán”, tuy nó đã mang lại nhiều khích lệ và hy vọng cho nhiều quốc gia khác, nhưng nên nhớ rằng từ năm 1960 đến nay, trên thế giới có ít nhất là 66-70 quốc gia Á, Âu, Phi, Mỹ latin khác cũng muốn đi con đường đó, nhưng chỉ có mỗi Hàn Quốc đạt được kỳ tích ấy mà thôi, chính vì vậy mà các nhà kinh tế thế giới mới gọi Hàn Quốc là một hiện tượng “độc đáo”, rất khó lặp lại.

Còn tôi thì muốn nói rằng “hãy nhìn về phía trước, nuối tiếc cũng chẳng ích gì”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Đỗ Cao Bảo

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả