24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồng Hồng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhiều người vẫn “sập bẫy” lừa của các đối tượng mạo danh cán bộ

Giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... rồi yêu cầu người dân làm theo hướng dẫn, cung cấp mật khẩu thẻ ngân hàng, mã OTP để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn không mới và đã được các cơ quan chức năng tuyên truyền cảnh báo. Nhưng, gần đây, rất nhiều người dân ở Thừa Thiên Huế vẫn “mắc bẫy” và bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn.

Chiều 19/9, Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Huế cho biết, liên tiếp những ngày qua, nhiều bị hại đến cơ quan Công an trình bày về việc bị đối tượng giả danh Công an lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn. Điển hình, ngày 4/9, chị Nguyễn Thị N (SN 1982, trú tại phường Xuân Phú, TP Huế) nhận cuộc gọi điện thoại của một người tự xưng là cán bộ Công an.

Nhiều người vẫn “sập bẫy” lừa của các đối tượng mạo danh cán bộ
​Chị Nguyễn Thị N. (ngoài cùng bên phải) vừa trình bày việc bị đối tượng giả danh Công an lừa gần 220 triệu đồng.

Người này đe dọa chị N đang liên quan đến một vụ án, yêu cầu phối hợp nếu không sẽ cho người đến bắt giữ. Lúc này chị N lo lắng, giãi bày không liên quan gì đến vụ án thì đối tượng cho biết có thể tài khoản ngân hàng của chị N bị nhân viên ngân hàng sử dụng để phạm tội. Đối tượng yêu cầu chị N, nếu chị không vi phạm gì sẽ được chứng minh làm rõ, đồng thời sẽ bảo vệ chị. Đối tượng tiếp tục yêu cầu chị N đổi mật khẩu trong App ngân hàng và đối tượng hướng dẫn, cung cấp cho chị một mật khẩu mới.

Đồng thời, đối tượng yêu cầu chị N kê khai tài sản, chuyển hết vào trong tài khoản của chị để Công an bảo vệ và một, hai hôm sau nếu chứng minh chị N không có tội thì sẽ trả lại tiền cho chị N. Cứ nghĩ người gọi điện cho mình là cán bộ Công an thật nên chị N đã rút toàn bộ tiền tiết kiệm cộng với tiền mặt có sẵn trong nhà, chuyển gần 220 triệu đồng vào tài khoản mà đối tượng cung cấp. Thế nhưng, sau hơn 10 ngày chờ đợi, chị N. vẫn không được số tiền gần 220 triệu đồng của mình. Được biết, đây là tài sản lớn của gia đình chị N tích cóp gần 20 năm nay.

Tương tự chị N, ngày 6/9, anh Đặng Văn Đ (SN 1983, trú phường An Hòa, TP Huế) nhận được điện thoại của một người xưng là cán bộ Công an thông báo anh Đ liên quan đến một vụ án ma túy. Lúc này, anh Đ cho rằng, không hề liên quan đến bất cứ hành vi tội phạm nào thì người này cho rằng, cơ quan điều tra sẽ làm sáng tỏ. Đối tượng yêu cầu anh Đ kê khai tài sản và toàn bộ số tiền trong tài khoản. Đồng thời, yêu cầu anh Đ chuyển tất cả tiền anh đang có vào trong tài khoản của anh Đ.

Tiếp đó, đối tượng cung cấp mật khẩu ngân hàng, mã OTP và yêu cầu anh Đ làm theo các hướng dẫn thì bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 324 triệu đồng. Hay mới đây, ông Nguyễn Văn H (SN 1956, trú phường Đúc, TP Huế) cũng bị các đối tượng giả danh Công an, Viện kiểm sát thông báo thông tin ngân hàng ông H bị kẻ gian lợi dụng hoạt động phạm pháp. Đồng thời, yêu cầu ông H khẩn trương kê khai tài sản, chuyển hết tiền vào trong tài khoản ngân hàng ông H để cơ quan điều tra làm việc và chứng minh ông H không có tội. Sau khi ông H làm theo hướng dẫn của các đối tượng thì hơn 410 triệu đồng trong tài khoản của ông H bị “bốc hơi”.

Bên cạnh nhiều trường hợp “sập bẫy” lừa của các đối tượng mạo danh Công an thì có nhiều người dân đang ở ngân hàng, chuẩn bị chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo thì kịp thời được Công an phát hiện, ngăn chặn. Cụ thể, ông Đ.H (SN 1965, trú xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) bị đối tượng giả danh Công an thông báo hành vi vi phạm pháp luật để đe dọa, sẽ… bắt nếu không đặt tiền bảo lãnh và yêu cầu chuyển 15 triệu đồng. Vì thiếu hiểu biết và hoảng sợ, ông H đã đi vay mượn, chuẩn bị đủ 15 triệu đồng, định đến ngân hàng để chuyển tiền. Sau khi được Công an xã Quảng An (huyện Quảng Điền) giải thích về hành vi lừa đảo, ông H đã không chuyển số tiền trên.

Trung tá Lê Ngọc Minh cho biết, các đối tượng trước khi hành động đã nắm được một số thông tin cơ bản như: họ tên, năm sinh, số căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại, nơi mở thẻ ngân hàng của bị hại... Khi gọi điện thoại cho bị hại thông báo liên quan đến vụ án, đối tượng đọc chính xác những thông tin này làm cho bị hại lo lắng và tưởng đó là… Công an thật. Đặc biệt, đối tượng dùng lời lẽ đe dọa, sử dụng kịch bản đã lên làm bị hại cuốn theo kế hoạch của chúng, kể cả yêu cầu bị hại không tiết lộ thông tin cho người khác biết vì như thế sẽ “lộ chuyên án, tội sẽ nặng thêm”. Thậm chí, các đối tượng dặn các bị hại khi rút tiền hoặc chuyển tiền cho bọn chúng thì nhân viên ngân hàng có hỏi thì nói giải quyết việc gia đình...

Theo cơ quan Công an, các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là cơ quan Công an, không bao giờ giải quyết các vụ án qua điện thoại. Các cơ quan điều tra không có việc yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản để Công an nắm và bảo vệ tài khoản và không yêu cầu bị hại cung cấp mật khẩu thẻ tín dụng hoặc mã OTP….

Trước tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạncủa tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến từng cơ quan, doanh nghiệp, trường học, người dân. Hướng dẫn cán bộ, nhân viên, người dân chủ động xác minh, kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch, chuyển tiền và không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ dưới bất cứ hình thức nào.

Sở TT&TT tỉnh tăng cường kiểm tra công tác quản lý sim số của các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, không để diễn ra tình trạng mua bán sim “rác”; đề nghị các doanh nghiệp viễn thông, Internet, các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên hạ tầng mạng không cung cấp dịch vụ có nội dung lừa đảo, nghi vấn lừa đảo hoặc có thể bị lợi dụng để lừa đảo và chủ động triển khai các biện pháp cảnh báo, hỗ trợ, bảo vệ người sử dụng. Tăng cường kiểm tra, xử lý, giám sát các trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân có hành vi huy động vốn, đầu tư trái phép, đòi tiền qua trung gian, quảng cáo mua bán hàng hóa, quảng cáo đăng tin trên báo chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội… để phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả