Nhiều ngân hàng bước vào cuộc đua giảm lãi suất
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức giảm trần lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn và lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên. Trước đó nhiều ngày, các ngân hàng cũng đã bắt đầu điều chỉnh lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay, như để “hưởng ứng” cho mục tiêu giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất trong năm 2020 mà Chính phủ đã đặt ra mới đây.
Đua giảm lãi suất
NHNN vừa điều chỉnh trần lãi suất huy động có hiệu lực từ ngày 19-11 này. Theo đó, trần lãi suất các khoản tiền gửi có kỳ hạn 1-6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm về còn 5%/năm, còn lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1%/năm xuống còn 0,8%/năm. Riêng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng trở lên vẫn theo cung-cầu thị trường.
Lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng diễn biến khác nhau ở ngân hàng quy mô lớn-nhỏ. Nguồn: SSI Research.
Sự điều chỉnh của cơ quản lý dự kiến kéo theo “làn sóng” giảm lãi suất, nhưng thực tế trước đó cũng đã có nhiều ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi. Chẳng hạn như Vietcombank và Vietinbank điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm ở nhiều kỳ hạn. Trước đó vào cuối tháng 9, BIDV đã giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần ghi nhận VPBank điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất cho tất cả các kỳ hạn, trong khi công bố ngày 8-11 trước đó chỉ dành riêng cho các kỳ hạn ngắn.
Diễn biến cũng tương tự ở một số ngân hàng có quy mô nhỏ hơn. Chẳng hạn như TPBank giảm 0,1 điểm phần trăm ở kỳ hạn từ 6 - 13 tháng và 0,3 điểm phần trăm kỳ hạn trên 13 tháng, hay Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn 8 tháng đến 60 tháng, với mức giảm dao động trong khoảng 0,2 - 0,5 điểm phần trăm/năm.
“Lý do điều chỉnh lãi suất là vì căn cứ vào hiện trạng nguồn vốn của ngân hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh và dần hình thành nguồn vốn giá thấp hơn, phục vụ khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên phù hợp với chính sách của Nhà nước”, đại diện Ngân hàng Viet Capital Bank cho biết.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, lãi suất giảm ở một số nhà băng là để điều chỉnh lại cơ cấu huy động vốn phù hợp hơn, sau khoản thời gian tăng tốc để đáp ứng các quy định hoạt động của cơ quan quản lý. “Các ngân hàng cũng đã cơ bản cân đối nhu cầu tín dụng cuối năm nên có thể điều chỉnh giảm lãi suất ở một số kỳ hạn”, ông Lực nhận định.
Tuy nhiên, một điều dễ nhận ra là đợt giảm lãi suất huy động cũng không đồng đều và mức điều chỉnh cũng không lớn. Báo cáo SSI Research cho rằng chỉ có một số nhà băng điều chỉnh giảm nhẹ (0,1-0,2 điểm phần trăm), nhưng mức lãi suất thực tế không nhiều thay đổi và khoảng cách lãi suất giữa các ngân hàng vẫn còn lớn.
Cụ thể, ngoại trừ 2 trong nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước giảm lãi suất tiền gửi từ 20-30 điểm phần trăm (kể cả với kỳ hạn dài 12-13 tháng), còn lại hầu hết các ngân hàng có lãi suất huy động đi ngang. Đặc biệt một số ngân hàng thương mại có thị phần nhỏ tiếp tục huy động vốn kỳ hạn 13 tháng ở mức 8,2-8,3%/năm hoặc chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng với mức lãi suất từ 9-10%.
Kỳ vọng giảm lãi vay
Bên cạnh quyết định giảm mức trần lãi suất huy động, NHNN lần này cũng điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng với lĩnh vực ưu tiên từ 6,5%/năm về còn 6%/năm.
Trong khi đó, ngày 18-11 vừa qua, Vietcombank công bố việc giảm lãi suất cho vay ưu tiên lần thứ 3 trong năm, về mức 5%/năm. Chưa hết, ngân hàng này còn điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất với các khoản vay thông thường của các doanh nghiệp trong năm 2019.
Tương tự, mới đây Ngân hàng MSB cho biết áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi với mức giảm lên đến 2% (áp dụng cho các khách hàng mới) và 1% với các khách hàng hiện hữu đáp ứng đủ điều kiện.
Chia sẻ tại một buổi hội thảo mới đây, TS. Bùi Quang Tín, Giám đốc điều hành Trường Doanh nhân BizLight, cho rằng nhiều ngân hàng bắt đầu tung ra nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi để hút khách hàng cuối năm, dù còn đối mặt với bài toán chi phí đầu vào (phải tăng huy động kỳ hạn dài ngày để tái cơ cấu nguồn vốn).
Theo các chuyên gia, hiện NHNN đang có tín hiệu “nới lỏng” khi bơm ròng trên thị trường mở và các giao dịch ngoại tệ, kèm theo đó là động thái liên tiếp giảm lãi suất điều hành. Thanh khoản ngân hàng cũng đang dồi dào khi nhìn vào biểu đồ lãi suất liên ngân hàng cũng giảm liên tục. Đây là cơ sở để các ngân hàng có thêm điều kiện giảm lãi suất đầu vào, từ đó giảm lãi suất đầu ra.
Ngân hàng Nhà nước có nhiều động thái "nới lỏng" tiền tệ. Nguồn: BVSC.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, sức ảnh hưởng của thị trường 2 (thị trường huy động giữa các tổ chức tín dụng) không có tác động quá lớn đến thị trường 1 (thị trường huy động từ dân cư và tổ chức). Nguyên nhân vì chỉ có một số ít tổ chức tín dụng có nhu cầu hỗ trợ thanh khoản, cần vay vốn tái chiết khấu từ Ngân hàng Nhà nước.
Tương tự, báo cáo thị trường tiền tệ tháng 10 của SSI nhận định rằng lãi suất trên thị trường 1 không chịu nhiều tác động từ lãi suất điều hành hay diễn biến trên thị trường liên ngân hàng, mà chịu ảnh hưởng từ nhu cầu huy động vốn tài trợ tín dụng trong quí cao điểm, cũng như các yêu cầu về cơ cấu vốn có hiệu lực từ năm 2020.
Quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước lần này có thể xem là để “dọn đường” cho mục tiêu giảm lãi suất cho vay tối thiểu ở mức 0,5 điểm phần trăm trong năm 2020, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, được Chính phủ “đặt hàng” mới đây.
Chính vì thế, có ý kiến cho rằng việc giảm lãi suất của các ngân hàng cũng một phần nào là để “hưởng ứng” theo trào lưu. Dự kiến sẽ có thêm nhiều ngân hàng công bố điều chỉnh giảm lãi suất trong thời gian tới.
Trên thực tế, khảo sát nhiều ý kiến chuyên gia cho thấy hầu như đều đánh giá rằng khả năng giảm lãi suất huy động trong quí 4-2019 là khá thấp, còn do tính chất mùa vụ (nhu cầu thanh khoản cao vào dịp cuối năm). Riêng về khả năng giảm lãi suất trong năm sau, có chuyên gia nói rằng “rất khó”, cũng có người nói “có khả năng giảm”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận