Nhiều mặt hàng trong nhóm kim loại và nông sản tăng vọt
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/7, thị trường hàng hoá cho thấy xu hướng của sắc xanh chiếm ưu thế, trong đó, nhiều mặt hàng quan trọng có sức bật mạnh mẽ.
Chỉ số MXV-Index cán mốc 2.632,78 điểm, tương đương với mức tăng 0,59% và hướng tới một tuần hoạt động tích cực.
Nếu như các yếu tố vĩ mô tiếp tục chi phối đến diễn biến giá các mặt hàng kim loại, thì đối với nông sản, yếu tố về thời tiết và triển vọng cung cầu thông qua Báo cáo giao hàng xuất khẩu ảnh hưởng chính tới giá. Đây cũng là hai nhóm dẫn dắt đà tăng trên thị trường. Kết phiên, giá trị giao dịch toàn Sở tăng nhẹ 1,35% và vượt mốc 4.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 3 tuần qua.
Giá bạc tăng vọt 6,8% khi vai trò trú ẩn được thúc đẩy
Trên thị trường kim loại, lực mua có phần áp đảo với sự bật tăng mạnh mẽ của giá bạc và quặng sắt. Giá bạc mở cửa phiên với mức tăng cách biệt và liên tục đón nhận lực mua lớn trong phiên. Đóng cửa, bạc ghi nhận đà tăng 6,82% lên mức cao nhất kể từ ngày 05/07, chốt ở 19,86 USD/ounce. Trong khi đó, bạch kim chịu lực cản khi chạm kháng cự 890 USD, suy yếu nhẹ 0,05% xuống mức 876,8 USD/ounce.
Vào tối qua, dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP quý II của quốc gia này đạt mức âm quý thứ 2 liên tiếp. Mức tăng trưởng -0,9% đã đánh bại kỳ vọng tăng 0,5% của các chuyên gia kinh tế và làm dấy lên lo ngại về suy thoái. Triển vọng kinh tế ảm đạm đã hỗ trợ cho vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý và khiến giá bạc tăng vọt lên 6,8%. Đà tăng trước đó của giá bạch kim có thế sẽ tiếp tục nếu không gặp kháng cự quan trọng 890 USD.
Bên cạnh đó, đồng Dollar Mỹ liên tục suy yếu khi thị trường cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ thu hẹp đà tăng lãi suất trong thời gian tới sau 2 lần tăng mạnh gần đây. Điều này cũng hỗ trợ cho đà tăng của giá bạc.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng nối dài phiên tăng sang ngày thứ 5 liên tiếp, cán mốc 3,47 USD/pound. Tuy nhiên, lực bán cho thấy xu hướng chiếm ưu thế vào cuối phiên sau dữ liệu GDP tiêu cực tại Mỹ. Động lực tăng của đồng hiện tại chủ yếu là do triển vọng tiêu thụ phục hồi tại thị trường Trung Quốc khi quốc gia này đang đẩy mạnh các gói kích thích kinh tế. Đây cũng là yếu tố khiến giá quặng sắt, vốn nhạy cảm với ngành xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng vọt 5,6% trong phiên.
Cụ thể, tờ Financial Times đưa tin, Trung Quốc sẽ cấp 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (148,2 tỷ USD)cho các khoản vay để phát triển bất động sản bị trì trệ. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận ngành thép phục hồi và nhiều lò cao đang quay lại hoạt động đã góp phần đẩy giá sắt lên mức cao nhất trong 4 tuần.
Dầu đậu tương ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2016
Đối với thị trường nông sản, giá đậu tương kéo dài đà hồi phục mạnh mẽ trong phiên thứ 5 liên tiếp và ghi nhận mức tăng hơn 2%. Yếu tố chính vẫn duy trì lực mua đối với mặt hàng này trong suốt vài phiên vừa qua đến từ những lo ngại về thời tiết khô hạn ảnh hưởng lên mùa vụ ở Mỹ. Mặc dù thời tiết và độ ẩm được cải thiện ở Midwest trong tuần này nhưng dự báo khô hạn sẽ quay trở lại trong cả tháng 8, gây lo ngại cho năng suất cây trồng và đà tăng của giá.
Bên cạnh đó, việc giá thành phẩm ép dầu tăng vọt cùng với nhu cầu nhập khẩu đang có dấu hiệu cải thiện đã càng thúc đẩy đà tăng của đậu tương trong phiên hôm qua. Trong báo cáo Giao hàng xuất khẩu tuần này, bán hàng đậu tương niên vụ 22/23 của Mỹ đạt mức 748.800 tấn, tăng gần 3 lần so với tuần trước và vượt khoảng kì vọng của thị trường. Tốc độ bán hàng được cải thiện cũng góp phần tác động tích cực lên giá đậu tương, đặc biệt là trong phiên tối.
Dầu đậu tương ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2016. Lực mua kĩ thuật từ dưới vùng chặn dưới của khoảng đi ngang đã đẩy giá vượt lên vùng kháng cự tâm lí 60 cents. Ngoài ra, việc áp dụng thử chính sách pha trộn dầu cọ với tỉ lệ bắt buộc là 40% cũng góp phần gia tăng kì vọng về việc tiêu thụ nội địa gia tăng sẽ khiến cho nguồn cung xuất khẩu trở nên thắt chặt hơn. Chính vì thế nên giá dầu đậu tương đã được hỗ trợ và đóng cửa với mức tăng gần 7%.
Giá ngô và lúa mì được hỗ trợ trước lo ngại về tình hình mùa vụ Mỹ
Giá ngô hợp đồng kỳ hạn tháng 12 đã phá vỡ xu hướng giằng co quanh ngưỡng tâm lý 600 và bật tăng mạnh trong phiên 28/07. Tâm lý trái chiều của thị trường về triển vọng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine hầu như đã được phản ánh vào diễn biến giá của các phiên trước. Do đó, những lo ngại về tình hình mùa vụ tại Mỹ vẫn là yếu tố chính chi phối giá ngô trong phiên hôm qua.
Các mô hình dự báo thời tiết đang chỉ ra rằng nắng nóng sẽ tăng cường trong tuần tới và đe dọa đến tình trạng cây trồng vốn đang ở mức kém khả quan. Đây là yếu tố hỗ trợ mạnh đối với giá ngô xuyên suốt phiên hôm qua.
Ngoài ra, theo số liệu từ báo cáo Xuất khẩu hàng tuần được phát hành tối qua, khối lượng bán hàng ngô Mỹ niên vụ 21/22 tuần từ 15/07 đến 21/07 đạt 150.300 tấn, tăng mạnh so với mức 33.899 tấn của tuần trước đó. Số liệu bán hàng khả quan của Mỹ trong những tuần cuối niên vụ 21/22 cũng góp phần hỗ trợ đà tăng của giá ngô.
Đối với lúa mì hợp đồng kỳ hạn tháng 09, giá cũng bật tăng mạnh và thoát khỏi vùng tâm lý 800. Sau khi kết thúc ngày khảo sát thứ 2 tại Bắc Dakota, Hội đồng Chất lượng Lúa mì (WQC) đánh giá năng suất trung bình của bang này ở mức 47,7 giạ/mẫu, thấp hơn mức 48,9 giạ/mẫu trong ngày khảo sát đầu tiên và đang ở dưới mức 51 giạ/mẫu dự báo của USDA trong báo cáo Crop Production tháng 07. Thông tin này đã làm dấy lên lo ngại đối với mùa vụ Mỹ và giúp giá lúa mì tăng mạnh.
Trên thị trường nội địa, giá heo hơi tiếp tục cho thấy xu hướng hạ nhiệt sau đợt tăng vọt trước đó. Mức giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg đã khiến giá tuột khỏi mốc 70.000 đồng/kg, hiện đang dao động trong khoảng 62.000 – 69.000 đồng/kg tuỳ từng khu vực. Tuy nhiên, giá nông sản đang trên đà phục hồi trở lại sẽ là một thách thức lớn đối với ngành thức ăn chăn nuôi. Do đó, giá heo nội địa vẫn còn có thể đối diện với nhiều áp lực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận