Nhiều khó khăn trong xuất khẩu nông lâm thủy sản những tháng cuối năm
7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với 7 tháng đầu năm 2020, toàn ngành xuất siêu 3,9 tỷ USD. Tuy nhiên, dịch Covid-19 dự kiến còn nhiều phức tạp ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ và xuất khẩu nông lâm thủy sản những tháng cuối năm 2021.
7 tháng đầu năm, nông lâm thủy sản xuất siêu 3,9 tỷ USD
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với 7 tháng đầu năm 2020. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 12,2 tỷ USD, tăng 15,1%; lâm sản chính đạt khoảng 10,2 tỷ USD, tăng 54,0%; thủy sản đạt trên 4,9 tỷ USD, tăng 12,0%; chăn nuôi ước đạt 254 triệu USD, tăng 16,0%.
Đáng chú ý, nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng. Trong đó, cao su, nhóm hàng rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu cao su tăng 33,6% về lượng và tăng 73,6% về giá trị; xuất khẩu hạt điều tăng 21,4% về khối lượng và tăng 14% về giá trị; xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn tăng 10,3% về khối lượng và 24,1% về giá trị. Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm (đạt 182 nghìn tấn, giảm 1,3%) nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 599 triệu USD, tăng 49,8%).
Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: Sản phẩm chăn nuôi (tăng 16,0%), cá tra (tăng 18,2%), tôm (tăng 12,0%); sản phẩm gỗ (tăng 63,9%), mây, tre, cói thảm (tăng 68,1%); quế (tăng 36,6%).
Giá xuất khẩu bình quân 7 tháng nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng: Hồ tiêu đạt 3.292,9 USD/tấn (tăng 51,8%), cao su đạt 1.677,4 USD/tấn (tăng 30,0%), gạo đạt 541,5 USD/tấn (tăng 11,2%), cà phê đạt 1.840 USD/tấn (tăng 8,3%), sắn đạt 255,3 USD/tấn (tăng 14,1%), chè đạt 1.655,3 USD/tấn (tăng 4,4%).
Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt trên 8,2 tỷ USD (chiếm 28,9% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 72,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường này; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc gần 5,5 tỷ USD (chiếm 19,2% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 26,9% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường này; tiếp đến là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD (chiếm 6,8%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,2 tỷ USD (chiếm 4,3%).
Ở chiều ngược lại, 7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 24,7 tỷ USD, tăng 42,8% so với cùng kỳ năm 2020. Campuchia là thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam lớn nhất đạt 2,7 tỷ USD, chiếm 10,8% thị phần (trong đó điều chiếm 75,4% giá trị); Hoa Kỳ đứng thứ 2 và đạt trên 2,4 tỷ USD, chiếm 9,7% (mặt hàng bông chiếm tỷ trọng 35,1%).
Vẫn lo đầu ra cho nông sản
Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Chính phủ về khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Bộ NN&PTNT những tháng cuối năm 2021 nêu rõ, dịch Covid-19 dự kiến còn nhiều phức tạp ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản, đặc biệt tại các địa phương phải áp dụng giãn cách; việc lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản và nguyên - vật liệu phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ NN&PTNT, sang tháng 8/2021, nhiều loại nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch, rất dễ xảy ra nguy cơ dư nguồn hàng nông sản, lương thực ở vùng sản xuất nhưng lại thiếu hụt ở một số địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.
Riêng về rau củ quả, trong tháng 8/2021, ước tính sản lượng ở phía Nam lên tới hơn 1,1 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng chỉ 500 nghìn tấn. Một số loại trái cây có sản lượng lớn như: Xoài 40 nghìn tấn; chuối 109 nghìn tấn, sầu riêng 75 nghìn tấn, cam 40 nghìn tấn, nhãn 40,5 nghìn tấn, khóm (dứa) 30 nghìn tấn, mít khoảng 10 nghìn tấn…
Trong khi đó, hệ thống logistics kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế. Cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định (chủ yếu là xuất khẩu). Tuy nhiên, với số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu nông sản truyền thống là Trung Quốc đang ngày càng thắt chặt các quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa. Theo đó, tăng cường kiểm tra hàng hóa, khử trùng hàng hóa, phương tiện vận chuyển hàng xuất khẩu từ vùng dịch của Việt Nam; tiếp tục thực hiện quản lý và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, do đó thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu bị kéo dài, đồng thời tăng cường quản lý đội lái xe tại cửa khẩu; thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch, bệnh Covid-19 thông qua đội lái xe chuyên trách làm tăng thời gian giải phóng hàng, đôi khi khi xẩy ra ùn ứ cục bộ. Các thị trường xuất khẩu chính gia tăng áp dụng rào cản kỹ thuật thương mại, điều tra nguồn gốc đối với một số nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam,…
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, trong thời gian tới, cùng với việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo vừa chống dịch, thiên tai hiệu quả vừa đảm bảo cung ứng tốt lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu. Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistics, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Tăng cường thực hiện chương trình bán hàng lưu động, bán hàng trực tuyến; thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, cùng các địa phương xác định và xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh” cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là các nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm của người dân tại các địa phương phải áp dụng Chỉ thị 16.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận