Nhiều hệ lụy khi thoái vốn nhà nước 'tắc nghẽn'
Việc chuyển giao vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) theo quy định đang ngày càng chậm trễ. Điều này sẽ trở thành tiền lệ xấu ảnh hưởng đến việc tái cơ cấu lại nền kinh tế nói chung, cũng như mục tiêu và chất lượng tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước nói riêng.
Thúc giục nhiều, vẫn “chây ì” không bàn giao doanh nghiệp
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước là chủ trương lớn và là một trong ba trụ cột của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã được khẳng định trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 của Đảng. Đối với SCIC, nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN được thể hiện thông qua việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước từ doanh nghiệp (DN), sắp xếp-cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 10/7/2017 phê duyệt “Phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020”, SCIC sẽ triển khai tiếp nhận vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu, cổ phần hóa và bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ. Từ năm 2017 đến nay, SCIC đã hoàn thành vượt mức kế hoạch về chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận sau thuế và nộp ngân sách nhà nước. Năm 2018, doanh thu SCIC đạt 12.716 tỷ đồng, vượt 161% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 8.314 tỷ đồng, vượt 153% kế hoạch. Trong 9 tháng đầu năm 2019, con số này lần lượt là 4.858 tỷ đồng và 4.444 tỷ đồng.
Dù đã có quy định cụ thể, các biện pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ tuy nhiên đang tồn tại việc bộ ngành chậm trễ không chuyển giao DN về SCIC. Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, SCIC phải tiếp nhận 62 DN. Tuy nhiên, năm 2018 chỉ 10 DN chuyển về SCIC và con số này trong 9 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 3 DN. Luỹ kế đến nay, SCIC tiếp nhận được 34/62 DN với tổng vốn nhà nước trên 10.700 tỷ đồng, còn lại 28 DN chưa tiếp nhận với tổng vốn nhà nước 328 tỷ đồng.
“Mặc dù quy định chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC đầy đủ và rõ ràng và Thủ tướng có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc việc chuyển giao. Tuy nhiên, nhiều bộ ngành, địa phương không muốn chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại DN thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC. Bộ ngành, địa phương muốn tiếp tục “quản” DN làm công cụ thực hiện một số chính sách phát triển kinh tế - xã hội hoặc làm công cụ để thực hiện chiến lược phát triển ngành”, đại diện SCIC cho biết.
Hậu quả của việc chần chừ không chuyển giao DN về SCIC đã được nhiều chuyên gia cảnh báo. Theo ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, mục tiêu chuyển giao DN về SCIC để thống nhất đầu mối quản lý, thực hiện yêu cầu tách chức năng chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý nhà nước của các bộ, UBND.
Nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước thông qua một tổ chức đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước chuyên trách, chuyên nghiệp; từ đó góp phần cải thiện quản trị DN nhà nước và năng lực cạnh tranh. Vì thế, việc chậm chuyển giao DN về SCIC sẽ ảnh hưởng xấu đến cơ cấu lại nền kinh tế nói chung, mục tiêu và chất lượng tái cơ cấu DN nhà nước nói riêng, cũng như đến kết quả và hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại DN.
“Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu bao gồm 9 quyền. Đặc biệt trong đó có quyền về bổ nhiệm cán bộ, phê duyệt kế hoạch sản xuất - kinh doanh và quyền quyết định các vấn đề đầu tư tài chính. Đây chính là những yếu tố gắn với quyền lợi của đơn vị có quyền quản lý vốn nhà nước, nên mới có sự chần chừ, chậm trễ”, ông Hiếu nhìn nhận.
Ông Hiếu cũng kiến nghị, để đảm bảo tiến độ chuyển giao, cần thống nhất nhận thức về lợi ích của việc chuyển giao đối với tổng thể nền kinh tế, không phải vì quyền quản lý DN của bộ, địa phương hay của SCIC. Đồng thời, có giải pháp xử lý nghiêm và kịp thời các cơ quan, tổ chức và cá nhân không thực hiện đúng tiến độ chuyển giao theo kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Với câu chuyện vận hành các DN sau khi nhận chuyển giao, SCIC cho biết, sẽ tiến hành phân loại doanh nghiệp thành các nhóm; kiện toàn hệ thống người đại diện; củng cố Hội đồng Quản trị, Ban điều hành, Ban Kiểm soát. Tách bạch chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc/Giám đốc; cử cán bộ của SCIC làm đại diện vốn nhà nước tham gia kiêm nhiệm thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT).
Đặc biệt, thông qua vai trò cổ đông, SCIC chủ động xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp; nghiên cứu, tham gia quyết định các phương án kinh doanh của doanh nghiệp; đầu tư thêm vốn vào các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả. Từ đó tạo ra giá trị gia tăng cho vốn nhà nước, tập trung xử lý tồn tại của các doanh nghiệp thuộc danh mục quản lý... Điều này đã và đang được SCIC thực hiện với danh mục 148 DN trực thuộc, với tổng nguồn vốn nhà nước hơn 28.600 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách), giá trị thị trường khoảng 118.000 tỷ đồng (hơn 5 tỷ USD).
Nhiều quy định mới “trói buộc” việc bán vốn
Theo cập nhật mới nhất từ SCIC, lũy kế từ năm 2017 đến nay, SCIC đã bán vốn tại 53 DN và thu về 20.133 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch bán vốn 16.650 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 5,8 lần, cao hơn mức bình quân cả nước giai đoạn 2011-2015 (mức 1,48 lần).
Theo lãnh đạo SCIC, việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện công khai, minh bạch, hiệu quả cao, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để tăng số lượng doanh nghiệp bán vốn thành công. Ngoài khó khăn về cơ chế và thị trường, trong danh mục của SCIC còn nhiều doanh nghiệp thuộc diện khó bán, bán nhiều lần không thành công.
Nguyên nhân của thực trạng này do việc áp dụng một số quy định mới theo hướng thận trọng, chặt chẽ nhằm đảm bảo lợi ích của nhà nước trong cơ chế bán vốn tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CPC ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN, diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán...
Đặc biệt, trong 148 doanh nghiệp trong danh mục của SCIC có gần 40 doanh nghiệp thuộc diện khó bán, bán nhiều lần không thành công. Trên 10 doanh nghiệp đường bộ, đường sông chưa thể bán do vướng Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, trên 20 doanh nghiệp phải cổ phần hóa trước khi bán, hoặc phải trình cấp có thẩm quyền giải quyết vướng mắc khác trước khi bán.
Theo Ban lãnh đạo SCIC, việc bán vốn phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, không thể một mình một chợ. “Nếu bán lúc thị trường không tốt sẽ ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước. Chúng tôi vừa chủ động tính toán, lựa chọn thời điểm bán vốn phù hợp với thị trường”, lãnh đạo SCIC cho biết.
Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh công tác bán vốn, SCIC kiến nghị Thủ tướng và cơ quan có thẩm quyền cho phép SCIC được áp dụng cơ chế bán vốn đặc thù đã được quy định tại Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 1/11/2013 về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC để đẩy nhanh tiến độ triển khai bán vốn tại các doanh nghiệp đường bộ, đường sông. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2018/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bán vốn về: xác định giá trị văn hóa - lịch sử, đất thuê trả tiền hàng năm, xác định giá khởi điểm đối với doanh nghiệp niêm yết... |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận