Nhiều hãng hàng không châu Á đứng trước bờ vực phá sản vì Covid-19
Các hãng hàng không với biên lợi nhuận thấp và thiếu cân đối tài chính có nguy cơ phá sản do tác động của dịch virus corona chủng mới (Covid-19).
Trả lời Nikkei Asian Review, giáo sư tài chính David Yu thuộc Đại học New York ở Thượng Hải nhận định các biện pháp hạn chế đi lại nhằm hạn chế dịch Covid-19 đang đẩy hàng loạt hãng hàng không ở châu Á vào khủng hoảng, thậm chí tới bờ vực phá sản.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), các hãng hàng không châu Á có thể thiệt hại tới 27,8 tỷ USD doanh thu, trong đó riêng các hãng Trung Quốc - nơi bùng phát dịch bệnh - mất 12,8 tỷ USD.
Chuyên gia David Yu cho biết các hãng hàng không châu Á - vốn phụ thuộc vào các đường bay trong khu vực - sẽ phải quyết liệt cắt giảm chi phí và đa dạng hóa nguồn thu để tồn tại qua cuộc khủng hoảng.
Thị trường Trung Quốc tê liệt
Năm 2019, ngành hàng không Trung Quốc phục vụ 671 triệu hành khách trên các chặng nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cho biết nhu cầu bay tại nước này lao dốc tới 70% kể từ khi dịch virus corona chủng mới bùng lên từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Trước dịch Covid-19, Trung Quốc là thị trường hàng không lớn thứ ba thế giới. Nhưng ở thời điểm hiện tại, thị trường này đã co lại và tụt xuống vị trí thứ 16, theo tính toán của giáo sư David Yu. Trước đó, Bloomberg xác định thị trường Trung Quốc đã tụt xuống vị trí thứ 23.
Ngoài ra, công suất hàng không của Trung Quốc cũng sụt giảm trầm trọng khi hơn 60% máy bay của các hãng rơi vào cảnh "đắp chiếu". Nhiều đường bay nội địa và quốc tế chỉ còn lác đác vài chuyến mỗi ngày hoặc thậm chí không còn chuyến nào.
Các hãng bay hoạt động ở những trung tâm giao thông lớn tại châu Á như Changi (Singapore), sân bay quốc tế Hong Kong (Trung Quốc), Incheon (Hàn Quốc) cũng lao đao khi hành khách tránh đến những khu vực có dịch và nhiều sự kiện lớn bị hủy bỏ.
Tương tự, khoảng 70 hãng hàng không quốc tế đã hủy mọi chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Việc hơn 60 quốc gia phát cảnh báo về y tế, khuyến cáo hạn chế du lịch, hạn chế nhập cảnh và cách ly hành khách từ Trung Quốc khiến nhu cầu bay càng lao dốc trầm trọng.
Theo IATA, vào thời điểm đỉnh dịch SARS hồi tháng 4/2003, nhu cầu hàng không tại châu Á giảm tới 45%, khiến các hãng hàng không thiệt hại khoảng 10 tỷ USD.
Theo giáo sư David Yu, cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tài chính của hàng loạt hãng hàng không châu Á, đặc biệt là các hãng không thể nhanh chóng cắt giảm chi phí cố định như lao động, máy bay, văn phòng.
Nhiều hãng sẽ phá sản
Chi phí nhiên liệu là chi phí lớn nhất của các hãng hàng không. Ở thời điểm hiện tại, chi phí nhiên liệu đã sụt giảm mạnh, nhưng giáo sư David Yu cho biết điều đó không giúp ích được nhiều cho các hãng bay nếu như các đội máy bay tiếp tục “đắp chiếu”.
Các hãng hàng không châu Á đã bỏ lỡ mùa cao điểm đi lại vào Tết Nguyên Đán vừa qua và sẽ phải đợi tới các tháng cao điểm mùa hè. Tuy nhiên, với việc dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc và lây lan tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Iran... tình hình thị trường mùa hè vẫn là một dấu chấm hỏi lớn.
Giáo sư David Yu cảnh báo các hãng hàng không với biên lợi nhuận thấp và thiếu cân đối tài chính sẽ bị đẩy tới cảnh phá sản. Thậm chí các hãng hàng không lớn hơn, có nguồn tài chính dồi dào hơn cũng sẽ lao đao.
Ngoài ra, nhiều tổ chức tài chính cho các hãng hàng không vay vốn và nhóm doanh nghiệp cho thuê máy bay cũng chịu ảnh hưởng dây chuyền đáng kể. Gia hạn khoản vay, giảm lãi suất và các biện pháp hỗ trợ khác là điều các hãng cần từ chính phủ nhiều nước châu Á lúc này.
Theo giáo sư David Yu, trước mắt các hãng hàng không cần mạnh tay cắt giảm chi phí và tìm thêm nguồn nguồn doanh thu khác, ví dụ như chuyển hướng tập trung vào các thị trường quốc tế khỏe mạnh hơn, hoặc cho thuê máy bay.
Các hãng hàng không có thể cùng người lao động tìm ra giải pháp sáng tạo nhằm cắt giảm chi phí. Một số hãng như Cathay Pacific Airways và China Southern Airlines đã cho nhân viên nghỉ phép hoặc yêu cầu nghỉ phép tự nguyện.
Giáo sư David Yu cũng khuyên các hãng hàng không nên tận dụng khoảng thời gian vắng khách này để nâng cao năng lực tổ chức cũng như tập trung vào các vấn đề thường ít được quan tâm, đồng thời tạo động lực cho đội ngũ nhân viên trước khi tình hình phục hồi trở lại.
Ông cho rằng không làm được những việc này đồng nghĩa với nguy cơ phá sản, trừ phi có sự can thiệp của chính phủ hoặc hãng hàng không được nhà đầu tư bơm tiền giải cứu.
Theo IATA, sau dịch SARS hồi 2003, phải mất tới 9 tháng nhu cầu hàng không quốc tế mới phục hồi lại mức trước dịch. Với dịch Covid-19, kể cả khi các chính phủ có kế hoạch ứng phó nhanh hơn, nhiều khả năng thời gian phục hồi sẽ chậm hơn do mức độ hội nhập sâu rộng của các nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận