24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Sơn Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhiều dự án giao thông trễ hẹn vì vướng mặt bằng

Cơ sở hạ tầng luôn là một trong những yếu tố góp phần làm thay đổi diện mạo của thị trường bất động sản, hhưng do vướng mặt bằng và thiếu vốn khiến nhiều dự án giao thông trễ hẹn.

Dự án giao thông trễ hẹn

Có rất nhiều nguyên nhân khiến các dự án hạ tầng giao thông tại TP.HCM bị chậm trễ. Trong đó, ngoài nguồn vốn, năng lực nhà thầu thi công, thì giải phóng mặt bằng chính là yếu tố khiến các dự án trễ hẹn.

Đơn cử, dự án xây dựng cầu Nam Lý tại đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, TP.HCM, dù được khởi công đã lâu, nhưng đến nay vẫn còn ngổn ngang, chưa hẹn ngày hoàn thành.

Được biết, dự án xây dựng cầu Nam Lý có tổng chiều dài cầu là 448,9 m, tổng mức đầu tư 857 tỷ đồng, được Sở Giao thông - Vận tải phê duyệt theo Quyết định số 755/QĐ-SGTVT ngày 9/9/2008; phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư tại Quyết định số 3955/QĐ-SGTVT ngày 28/12/2011, giao Khu quản lý giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư.

Ngày 8/10/2016, chủ đầu tư bắt đầu khởi công và tiến hành xây dựng dự án và dự kiến thời hạn thi công là 1 năm 6 tháng. Nhưng đến nay, thời gian dự kiến hoàn thành đã trễ gần 1 năm, cầu vẫn còn dở dang vì chờ giải phóng mặt bằng.

Nhiều dự án giao thông trễ hẹn vì vướng mặt bằng
Cú huých hạ tầng là đòn bẩy cho thị trường bất động sản tăng trưởng

Theo chủ đầu tư, diện tích giải tỏa của dự án là 1,54 ha, trong đó trên địa bàn quận 2 là 0,43 ha; quận 9 là 1,11 ha, tổng số hộ bị ảnh hưởng 67 hộ. Hiện nay, phía địa bàn quận 2 còn 15 hộ bị ảnh hưởng, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành trong năm 2014 và đã bàn giao cho nhà thầu thi công.

Tuy nhiên, tại địa bàn quận 9, số hộ bị ảnh hưởng là 52 hộ, trong đó phường Phước Bình có 11 hộ dân và 1 đơn vị bị giải tỏa một phần; phía phường Phước Long B có 37 hộ, trong đó 13 hộ bị giải tỏa trắng, 1 đơn vị và 2 công ty.

“Đến nay, thời hạn thi công cầu Nam Lý đã quá trễ, hiện UBND quận 9 vẫn đang thẩm định đơn giá đất bồi thường để trình Hội đồng thẩm định bồi thường Thành phố thông qua nhằm triển khai các bước tiếp theo”, đại diện chủ đầu tư nói và kiến nghị UBND quận 9 sớm lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đơn giá bồi thường để làm cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình.

“Nếu có mặt bằng, chúng tôi hứa sẽ đẩy nhanh tiến độ, trong vòng 1 năm sau sẽ hoàn thành cầu Nam Lý để đưa vào sử dụng”, ông Đoàn Phú Đức, Phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 nhấn mạnh.

Tương tự, dự án mở rộng 2,4 km đường Lương Định Của tại quận 2 cũng do đơn vị này làm chủ đầu tư đã thi công được gần 5 năm, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Cụ thể, theo thiết kế, tuyến đường được mở rộng lên 30m cho 6 làn xe, từ đoạn giao với đường Trần Não đến đường Mai Chí Thọ. Công trình kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông theo sự phát triển của Khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu phía Đông Thành phố, tăng năng lực kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Tháng 4/2015, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 khởi công thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của với kinh phí hơn 800 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay, mặt đường vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng, máy móc, việc thi công cầm chừng.

Theo ông Đức, hầu hết gói thầu chỉ thi công được hơn 50% tiến độ, riêng đoạn gần chùa Huê Nghiêm (dài khoảng 200m) cơ bản hoàn thiện. Nguyên nhân chính khiến công trình chậm tiến độ do giải tỏa mặt bằng mới chỉ đạt khoảng 60%, gây khó khăn khi đưa máy móc thiết bị vào làm việc. Công nhân giờ chỉ thi công cầm chừng, chờ bàn giao mặt bằng đến đâu làm đến đấy.

“Ở đoạn đường giao với đường Trần Não, nhiều căn nhà vẫn chưa giải tỏa do chưa thỏa thuận được mức giá đền bù với người dân. Dự kiến, công trình kéo dài đến cuối năm 2020”, ông Đức nói.

Hay tại dự án đường Vành đai 3, dù được đánh giá là dự án giao thông trọng điểm nhưng đến nay vẫn còn rất sơ khai. Được biết, công trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2011. Dự án qua địa bàn 4 tỉnh, thành phố gồm Long An, TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, với tổng chiều dài khoảng 97 km.

Hiện nay, mới chỉ đầu tư đưa vào khai thác đoạn Mỹ Phước - Bình Chuẩn dài 16 km thuộc tỉnh Bình Dương. Còn các hạng mục khác đang lên phương án đầu tư hoặc thực hiện bước sơ tuyển nhà đầu tư. Như vậy, tiến độ triển khai thực hiện dự án Vành đai 3 đã rất chậm so với quy hoạch.

Thông tin thêm về dự án, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, tư vấn dự án có làm việc vài lần với huyện và cơ bản Vành đai 3 đã được thống nhất hướng tuyến. Tuy nhiên, do mới chỉ là đề xuất đầu tư nên hiện vẫn chưa thực hiện việc cắm mốc dự án để làm công tác giải phóng mặt bằng…

Bất động sản cũng… chờ

Từ lâu, cơ sở hạ tầng và bất động sản đã được ví như là “đôi bạn cùng tiến” bởi, hạ tầng phát triển đến đâu thì giá trị bất động sản cũng tăng theo tới đó, và ngược lại. Một trong những dự án hạ tầng được nhiều nhà đầu tư và chủ dự án bất động sản chờ đợi trong thời gian qua là cầu Cát Lái nối quận 2 (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Bởi trước đó, đã có nhiều dự án được quy hoạch hoành tráng để đón đầu cơ hội đầu tư nhưng rồi mắc kẹt vì đợi hạ tầng.

Đơn cử, dự án khu dân cư xã Long Tân và Phú Hội được quy hoạch hoành tráng với những tòa cao ốc, khu dân cư, biệt thự, trung tâm thương mại. Dự án có tổng diện tích hơn 55ha và có quy mô dân số 13.044 người, nhưng sau đó chỉ là bãi cỏ hoang dại.

Hay như dự án Đông Sài Gòn với diện tích 942 ha, có vốn đầu tư lên đến 6 tỷ USD. Dự án này do Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch (liên doanh giữa Công ty TNHH một thành viên Tín Nghĩa và Công ty Cao su công nghiệp Đồng Nai) làm chủ đầu tư cũng chịu chung số phận dù nhiều khu vực nội bộ đã hoàn thiện hạ tầng.

Tương tự, dự án lớn gây chú ý tại Nhơn Trạch là Swan Park, do Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch (liên doanh giữa Công ty TNHH một thành viên Tín Nghĩa và Công ty Cao su công nghiệp Đồng Nai) làm chủ đầu tư cũng cũng triển khai theo kiểu cầm chừng một thời gian khá dài.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Tổng Công ty Tín Nghĩa chia sẻ, hiện tại chủ đầu tư đang đợi cầu Cát Lái được hoàn thành thì sẽ tập trung triển khai dự án.

Quả thực, sau hàng loạt thông tin tích cực về cây cầu này và những dự án hạ tầng, tiện ích xung quanh. Dự án đã được SwanCity, tập đoàn đầu tư chuyên phát triển các thành phố vệ tinh mua lại để tiếp tục xây dựng hoàn thiện. Hiện tại, các dãy nhà phố, biệt thự đang được xây dựng khẩn trương. Giá đất giao dịch tại dự án này hiện cũng tăng cao, trung bình từ khoảng 20 - 30 triệu đồng/m2 tùy vào vị trí và loại hình nhà phố hay biệt thự.

Không chỉ riêng dự án Swan Park mà hàng loạt các dự án bất động sản trên địa bàn huyện Nhơn Trạch cũng được tái sinh như Swan Bay, Thăng Long Home Hiệp Phước… Thậm chí, còn xuất hiện nhiều cơn sốt đất khiến con đường nối từ phà Cát Lái qua xã Phú Hữu, Đại Phước xuất hiện nhiều điểm môi giới nhà đất. Rất nhiều cửa hàng, quán café, quán ăn và cả tiệm sửa xe cũng treo thêm tấm bảng nhận môi giới, ký gửi nhà đất.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả