Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo bức xúc vì không mở được tờ khai hải quan
Rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo thuộc các tỉnh Long An, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang… cho biết, liên tục trong mấy ngày qua dù cố gắng nhưng không thể mở tờ khai xuất khẩu trong tháng 4 vì bất cập trong việc đăng ký tờ khai hải quan (đăng ký trực tu
Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ) - cho biết, dù công ty đã cho nhân viên túc trực trên máy để xin mở tờ khai xuất khẩu cho những lô hàng dang dở từ ngày 24/3 nhưng hệ thống đăng ký tờ khai hải quan trực tuyến của Tổng cục Hải quan (Hệ thống VNACCS/VCIS) không mở. Công ty không thể tìm thấy bất kỳ thông tin công bố hoặc công văn nào có liên quan về việc mở hệ thống phần mềm tiếp nhân tờ khai và thông quan cho hàng gạo của Hải quan.
“Chúng tôi đã lên hệ thống phần mềm Hải quan điện tử VNACCS để lấy thông tin tờ khai thì chỉ nhận được thông báo thực hiện không thành công, kết thúc bất thường được phát hiện ở Trung tâm… Vì vậy, ngày 13/4 chúng tôi đã gửi đơn đề nghị giải quyết khẩn cấp tới Thủ tướng Chính phủ. Trong công văn gửi đi có nhấn mạnh việc làm của Hải quan là không minh bạch khi hệ thống mở tờ khai hải quan chỉ diễn ra trong vòng 3 giờ đồng hồ lúc đêm khuya đã hết hạn ngạch 400.000 tấn”, ông Bình cho biết thêm.
Ông Nguyễn Quang Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ - bức xúc: Rõ ràng không có sự minh bạch trong thông tin của Hải quan. Lý do được ông Hòa phân tích, nếu như trước đây hệ thống đăng ký tờ khai hải quan trực tuyến của Tổng cục Hải quan (Hệ thống VNACCS/VCIS) vẫn vận hành bình thường sẽ không có gì để nói. Đằng này sau thời gian ngưng cấp tờ khai (để thực hiện rà soát về an ninh lương thực) thì ngành này không hề có bất kỳ thông báo nào cho doanh nghiệp về ngày, giờ mở lại để doanh nghiệp biết rõ rồi thực hiện thủ tục đăng ký.
“Gần 500 container hàng của Dương Vũ (khoảng 12.500 tấn gạo nếp, trị giá 8 triệu USD) đang nằm tại cảng nhưng lại không thể mở luồng khai hải quan để xuất đi. Mỗi ngày trôi qua Dương Vũ vẫn đang phải trả 300 triệu đồng tiền phí lưu kho cho lô hàng này. Chưa kể, nếu nằm chờ quá lâu, chất lượng lô hàng xuất đi sẽ ảnh hưởng, “miếng ăn manh áo” của hàng trăm nghìn hộ gia đình nông dân đang liên kết với Dương Vũ sẽ bị thiệt hại”- ông Hòa cho biết.
Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết, là địa phương xuất khẩu gạo đứng thứ 3 cả nước nhưng đợt này doanh nghiệp trong tỉnh chỉ “chen chân” mở tở khai hải quan được 8.500 tấn. Số lượng này quá ít ỏi so với lượng gạo đang tồn tại cảng của hàng chục doanh nghiệp tỉnh Long chưa được xuất đi.
Cũng như Long An, tỉnh An Giang chỉ có duy nhất một doanh nghiệp kịp mở tờ khai xin xuất khẩu với số lượng ít ỏi là 1.500 tấn. Các doanh nghiệp lớn trong top 20 đơn vị xuất khẩu gạo hàng đầu như Công ty lương thực Tấn Vương cũng không thể xuất đi tấn gạo nào trong đợt này. Ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang chia sẻ, ngay trong ngày mai, tỉnh An Giang sẽ họp với các doanh nghiệp để kiến nghị với Thủ tướng hướng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong tỉnh.
Ngoài các địa phương trên, những tỉnh có lúa gạo nhiều như Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng… cũng gặp tình trạng tương tự khi thực hiện xin mở tờ khai hải quan vì…. hết hạn ngạch.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, mới đây họ rất phấn khởi vì Bộ Công Thương công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo 400.000 tấn. Ngỡ tưởng sẽ giải quyết được phần nào gạo xuất khẩu đi với giá cao, rồi tiếp tục thực hiện thu mua lúa cho nông dân thì lại trở ngại trong khai báo hải quan.
Được biết, theo số liệu từ cơ quan Hải quan, đến chiều 13/4, các doanh nghiệp đã mở tờ khai để xuất khẩu đủ 400.000 tấn theo số lượng hạn ngạch và trong suốt quá trình doanh nghiệp thực hiện khai báo hoàn toàn tự động trên hệ thống, không có sự can thiệp của con người.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận