Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khốn khổ trong ‘cuộc đua chuột’
Khi Kris Lin, chủ một nhà máy sản xuất bóng đèn ở Trung Quốc, nhận đơn đặt hàng đầu tiên trong năm nay từ khách hàng thân thiết ở nước ngoài, ông đối mặt với lựa chọn khó khăn: chấp nhận lỗ hay bảo các công nhân không cần quay lại sau kỳ nghỉ Tết âm lịch.
Ô tô chờ xuất khẩu ở cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. ̣(Ảnh: Reuters)
Lin định khôi phục một nửa công suất của nhà máy ở thành phố Thái Châu sau kỳ nghỉ lễ từ ngày 10 – 17/2. “Tôi không thể để mất đơn hàng này”, ông cho biết.
"Tôi có thể mất khách hàng này mãi mãi và điều đó sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của rất nhiều người. Nếu chúng tôi trì hoãn việc khôi phục sản xuất, mọi người có thể bắt đầu nghi ngờ hoạt động của chúng tôi", ông Lin cho biết.
Tình trạng giảm phát đang đe dọa khả năng tồn tại của các nhà xuất khẩu quy mô nhỏ ở Trung Quốc. Họ mắc kẹt trong cuộc chiến giá cả không ngừng khi hoạt động kinh doanh bị thu hẹp, lãi suất ở nước ngoài cao hơn và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng khiến nhu cầu giảm.
Giá sản xuất đã giảm 15 tháng liên tiếp, làm giảm tỷ suất lợi nhuận đến mức ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng công nghiệp và việc làm, làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế của Trung Quốc, bên cạnh những vấn đề về khủng hoảng tài sản và khủng hoảng nợ.
Dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ từ năm 2022 cho thấy, khoảng 180 triệu người Trung Quốc làm công việc liên quan đến xuất khẩu.
Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, cho rằng đối với Trung Quốc, khắc phục giảm phát cần là ưu tiên chính sách cao hơn so với thực hiện mục tiêu tăng trưởng dự kiến khoảng 5% trong năm nay.
“Các công ty giảm giá sản phẩm, sau đó giảm lương nhân viên, rồi người tiêu dùng sẽ giảm mua. Đây có thể là vòng luẩn quẩn”, ông nói.
Lợi nhuận tại công ty công nghiệp của Trung Quốc giảm 2,3% trong năm ngoái, sau khi đã giảm 4% trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
Một cuộc khảo sát chính thức cho thấy hoạt động sản xuất trong tháng 1 vừa qua giảm tháng thứ tư liên tiếp, còn lượng đơn đặt hàng xuất khẩu giảm tháng thứ 10. Đối với ông Lin, điều đó có nghĩa là đơn hàng trị giá 1,5 triệu USD mà khách hàng của ông đặt thấp hơn 25% so với đơn hàng tương tự năm ngoái. Nó cũng thấp hơn 10% so với chi phí sản xuất.
Theo giới phân tích, khi xuất khẩu trì trệ, các nhà hoạch định chính sách cần sử dụng đòn bẩy để đạt được mục tiêu tăng trưởng, kích thích tiêu dùng hộ gia đình.
Trung Quốc đang tập trung nguồn tài chính cho khu vực sản xuất thay vì tiêu dùng, làm trầm trọng thêm mối lo ngại về tình trạng dư thừa công suất và giảm phát, kể cả trong các lĩnh vực đang phát triển bùng nổ như xe điện.
Khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tăng tính thanh khoản của hệ thống tài chính để thúc đẩy tăng trưởng, nhiều ngân hàng sẵn sàng cho các nhà máy vay với lãi suất thấp. Nhưng bị đối thủ lớn hơn chèn ép, các công ty nhỏ hơn không sẵn sàng vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Các nhà kinh tế học gọi đây là mắt xích đã đứt trong chính sách tiền tệ ngày càng kém hiệu quả của Trung Quốc
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận