menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Thủy Tiên

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc 'chết đứng' vì chạy theo cơn sốt khẩu trang

Tận dụng nhu cầu khẩu trang tăng vọt ở thị trường trong nước và trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, dù là “tay mơ”, cũng nhảy vào “lướt sóng” để rồi đối mặt thua lỗ lớn khi cơn sốt khẩu trang hạ nhiệt.

Các tay chơi “lướt sóng” lỗ lớn

Triển vọng lợi nhuận khổng lồ từ ngành công nghiệp khẩu trang đã thu hút hàng ngàn “tay chơi lướt sóng” ở Trung Quốc, một thuật ngữ để ám chỉ đến các doanh nhân nhanh chóng nắm bắt cơ hội mới trên thị trường khẩu trang dù không có kinh nghiệm trong ngành công nghiệp này.

Hồi tháng 2, doanh nhân Pan Changsheng ở Trung Quốc đầu tư 4 triệu nhân dân tệ (565.000 đô la Mỹ) để chuyển đổi nhà máy sản xuất bao bì nhựa của ông thành dây chuyền sản xuất khẩu trang.

Đó là một quyết định nhanh nhạy để nắm bắt cơ hội thị trường khi cơn bùng phát Covid-19 ở Trung Quốc đang lên mức đỉnh điểm. Lúc đó, hầu hết các doanh nghiệp ở Trung Quốc bị buộc phải đóng cửa để ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng và nhu cầu thiết bị bảo hộ cá nhân bao gồm khẩu trang, tăng vọt.

Là hàng hóa thiết yếu nhưng nguồn cung hạn chế, khẩu trang trở thành mặt hàng đắt giá trong giai đoạn dầu của đại dịch Covid-19 mà cho đến nay khiến gần 8 triệu người trên toàn cầu bị lây nhiễm và hơn 430.000 người tử vong. Nhu cầu khẩu trang lên cao đến mức nhiều cửa hàng bán sạch lượng khẩu trang trong kho chỉ trong vài ngày. Trong khi đó, các thành phố ở Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất khẩu trang và hạn chế lượng khẩu trang bán cho mỗi người dân nhằm ngăn chặn nạn đầu cơ.

Nhưng giờ đây khi dịch Covid-19 tạm thời được khống chế ở Trung Quốc và hàng loạt dây chuyền sản xuất khẩu trang đi vào hoạt động, tình trạng khan hiếm khẩu trang đã lắng dịu. Changsheng cho biết hiện nay, giá mỗi chiếc khẩu trang y tế thông thường giảm từ 1 nhân dân tệ (3.300 đồng VN) xuống còn chỉ 0,2 nhân dân tệ (650 đồng VN). Ông vẫn còn 2 triệu chiếc khẩu trang tồn đọng trong kho hàng ở tỉnh An Huy.

Changsheng nói: “Tôi đã thua lỗ 1 triệu nhân dân tệ”. Ông cho hay vào tháng 2, rất nhiều doanh nhân nhìn thấy cơ hội và nhảy vào sản xuất khẩu trang. Giờ đây, nhiều người trong số họ đang có lượng khẩu trang tồn kho khổng lồ và chịu thua lỗ lớn.

Pan Changsheng quyết định dừng dây chuyền sản xuất khẩu trang. Ông hy vọng chính phủ sẽ hỗ trợ ông bán 2 triệu khẩu trang tồn kho cũng như máy móc sản xuất khầu trang.
Ông than vãn: “Tôi cảm thấy bị lừa. Máy móc sản xuất khẩu trang này có chất lượng rất kém. Chằng ai muốn mua chúng nữa”.

Hồi tháng 4, một doanh nhân sản xuất đồ gỗ họ Lý tại thị trấn Dương Trung, tỉnh Giang Tô đầu tư hơn 2 triệu nhân dân tệ (282.000 đô la) để mua sáu dây chuyền sản xuất vải không dệt meltblown có khả năng lọc khí, lọc vi khuẩn, bụi bẩn và không thấm nước để cung cấp nguyên liệu thô cho các nhà máy sản xuất khẩu trang. Nhưng chưa kịp sản xuất, nhà máy của ông bị nhà chức trách yêu cầu đóng cửa vì không có giấy phép.

Tổng cộng có 867 công ty sản xuất vải vải không dệt meltblown ở Dương Trung bị đóng cửa do không có giấy phép, nâng giá bán lên mức quá cao hoặc sản xuất bằng nguyên liêu kém chất lượng.

Ông Lý định bán máy móc sản xuất vải meltblown nhưng giá chào mua chỉ còn vài ngàn nhân dân tệ. Dù mất tiền, Lý vẫn còn may mắn. Ông nói: “Tôi đã vay ngân hàng cho khoản đầu tư này nhưng một số bạn bè của tôi thậm chí cầm cố nhà cửa để vay đầu tư. Ít nhất, tôi chưa đến nỗi bi thảm giống họ”.

Giá vải meltblown chất lượng cao có thời điểm tăng giá gần 40 lần trong vòng nửa năm, lên 700.000 nhân dân tệ /tấn, đến mức nhiều người ví các dây chuyền sản xuất vải lọc meltblown là “cổ máy in tiền”.

Đó là lý do khiến nhiều doanh nhân Trung Quốc dù không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này và chưa xin được giấy phép vẫn mua dây chuyền về để sản xuất vải meltblown.

Cơn sốt hạ nhiệt

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc 'chết đứng' vì chạy theo cơn sốt khẩu trang
Người dân xếp hàng dài bên ngoài một tiệm thuốc tây ở Kathmandu, Nepal để mua khẩu trang hồi tháng 3. Nhu cầu khẩu trang tăng vọt trên toàn cầu đã thu hút hàng ngàn doanh nghiệp Trung Quốc nhảy vào lĩnh vực sản xuất và buôn bán mặt hàng này. Ảnh: AP

Khi virus Covid-19 lan ra toàn cầu, nhu cầu khẩu trang tăng nhanh đến mức ngay cả các tập đoàn sản xuất công nghiệp khổng lồ bao gồm hãng xe điện BYD và các công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc cũng gia nhập cuộc đua sản xuất mặt hàng này để phục vụ thị trường trong nước và nước ngoài.

Theo dữ liệu của nền tảng dữ liệu doanh nghiệp Tianyancha, từ đầu năm đến ngày 12-6, có hơn 76.000 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang ở Trung Quốc đăng ký kinh doanh, cao gấp 6 lần số doanh nghiệp khẩu trang đăng ký kinh doanh vào năm ngoái.

Số liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy sản lượng khẩu trang N95 và khẩu trang loại thường hàng ngày ở nước này đã tăng từ 130.000 và 5,86 triệu trong đầu tháng 2 lên lần lượt 5 triệu và 200 triệu vào cuối tháng 4. Trong khi đó, lợi nhuận của các nhà sản xuất vải không dệt meltblown, nguyên liệu thô để sản xuất khẩu trang, đã tăng 250% trong giai đoạn giữa tháng 1 và tháng 4.

Ngành công nghiệp khẩu trang phất lên phơi phới, kích thích lòng tham, khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng các phương thức trái phép để đẩy mạnh sản lượng và lợi nhuận, dẫn đến khẩu trang kém chất lượng bán tràn lan ở trên mạng. Trong những tháng gần đây, nhà chức trách ở một số tỉnh ở Trung Quốc đã truy quét những nhà cung cấp sử dụng chất liệu vải không dệt kém chất lượng để sản xuất khẩu trang đồng thời bắt giữ hàng chục người bán lại khẩu trang với giá cắt cổ.

Tính đến ngày 24-4, Cục Quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc đã thu giữ 90 triệu khẩu trang kém chất lượng.

Hu Xiangyang, chủ doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu sản xuất khẩu trang ở tỉnh Quảng Đông, cho biết trong những ngày đầu của dịch Covid-19, nhu cầu vượt xa công suất sản xuất ở nhà máy của ông. Ông kể một số khách hàng mua khẩ trang thậm chí gửi tiền trước vào tài khoản ngân hàng của ông để bảo đảm giành được đơn hàng ngay cả trước khi họ liên hệ với ông hay nhân viên kinh doanh của ông.

“Hiện nay, cơn sốt đã hạ nhiệt. Mọi thứ đang quay trở lại bình thường”, Xiangyang nói.

Thị trường khẩu trang ở Trung Quốc giờ đây đã bão hòa, thậm chí suy yếu, đe dọa các khoản đầu tư trị giá hàng triệu nhân dân tệ của các doanh nhân như Pan Changsheng. Giới đầu tư càng lo lắng sau khi hồi đầu tháng này, một hiệp hồi ngành công nghiệp may dệt may quốc gia Trung Quốc cảnh báo rằng nhu cầu toàn cầu đối với các nguyên vật liệu phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã đạt đỉnh.

“Khi nhu cầu khẩu trang tăng vọt, nhiều doanh nghiệp đã nhảy vào sản xuất mặt hàng để kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Rất nhiều doanh nghiệp bên ngoài bước vào lĩnh vực này. Một số họ có thể bám trụ nếu có thể thích nghi với thị trường nhưng sớm muộn gì, một số họ sẽ phải rời bỏ cuộc chơi”, Han Jing, Phó Giám đốc bộ phận quan hệ công chúng của Hiệo hội Dệt may công nghiệp và vải không dệt Trung Quốc, nói.

Rất nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang và vải không dệt ở Trung Quốc buộc phải dừng hoạt động vì các quy định kiểm soát xuất khẩu đang thay đổi, các yêu cầu cấp phép được siết chặt và nhu cầu khẩu trang kém chất lượng suy yếu.

Huang Wensheng, Tổng giám đốc Công ty Shandong Jofo Nonwoven, chuyên sản xuất vải không dệt meltblown, có trụ sở ở TP. Đông Dinh, tỉnh Sơn Đông, cho biết hơn một nửa nhà máy sản xuất khẩu trang ở khu vực của ông đã đóng cửa. Ông nói đa số các nhà máy này mới mọc lên sau khi dịch Covid-19 đã được khống chế ở Trung Quốc.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại