Nhiều đoàn Đại biểu Quốc hội than phiền các công ty bảo hiểm chậm bồi thường bảo hiểm xe máy
Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang và trước đó là Bến Tre, Long An, Bình Thuận...liên tục kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu các công ty kinh doanh bảo hiểm xe máy đẩy nhanh bồi thường bảo hiểm xe máy theo giao kết...
Cụ thể, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang vừa gửi văn bản kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước làm việc với những công ty kinh doanh bảo hiểm xe máy nhằm nghiên cứu giảm bớt thủ tục khi giải quyết bồi thường bảo hiểm. Bởi theo phản ánh, khi xảy ra tai nạn giao thông gây thiệt hại về tài sản hay tồn thất, thương tật về người, tài sản cho bên thứ ba theo hạn mức trách nhiệm đã được giao kết, việc giải quyết bồi thường còn gặp nhiều khó khăn, thủ tục rườm rà.
Không chỉ An Giang, trước đó, nhiều tỉnh, thành khác như Bến Tre, Long An, Bình Thuận… liên tiếp "kêu ca" về thủ tục giải quyết nhiêu khê, khiến người mua bảo hiểm chán nản đến mức không muốn làm thủ tục. Thậm chí, không ít ý kiến cho rằng, bảo hiểm xe máy không có giá trị sử dụng và chỉ để đối phó cảnh sát giao thông, do đó, người dân không ít lần kiến nghị Bộ Tài chính xem xét bỏ quy định mua bảo hiểm bắt buộc với xe máy.
NGƯỜI DÂN CHÁN NẢN BẢO HIỂM XE MÁY
Soi lại kinh nghiệm triển khai loại hình bảo hiểm này tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, PGS.TS. Đoàn Minh Phụng, Trưởng khoa Ngân hàng - bảo hiểm, Học viện Tài chính, khẳng định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là yêu cầu bắt buộc từ đầu thế kỷ 19.
Hiện các nước phát triển có số lượng xe mô tô, xe máy thấp như Mỹ (khoảng 8 triệu xe), EU (11,6 triệu xe) hay các nước đang phát triển có số lượng xe mô tô, xe máy "khủng" tham gia giao thông như Ấn Độ (221 triệu xe), Trung Quốc (trên 90 triệu xe), Indonesia (110 triệu xe), Thái Lan (22 triệu xe), đều áp dụng loại hình bảo hiểm này.
Còn tại Việt Nam, đến ngày 10/3/1988, Hội đồng Bộ trưởng chính thức ban hành chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới qua Nghị định 30/1988/NĐ-HĐBT. Văn bản này đã qua 4 lần sửa đổi vào các năm 1997, 2008, 2013 và 2021, cùng với đó là 8 lượt văn bản quy định chi tiết.
Theo PGS.TS. Đoàn Minh Phụng, tại hầu hết các quốc gia, việc bồi thường nhanh chóng và rất chuyên nghiệp, khi các xe va quệt thì gọi ngay cho công ty bảo hiểm để giải quyết và xem xét vụ việc. Còn ở Việt Nam, trước đây, để được nhận tiền bồi thường, người được bảo hiểm phải qua nhiều thủ tục phiền toái và khá mất thời gian, khiến người dân không nhận thấy tác dụng, lợi ích của loại bảo hiểm này và bảo hiểm xe máy đóng vai trò rất mờ nhạt trong việc chia sẻ rủi ro khi xảy ra tai nạn.
"Thực sự, người dân không nắm bắt, không hiểu rõ về quyền lợi để đòi bồi thường công ty bảo hiểm.
Bên cạnh đó, thủ tục bồi thường của các công ty bảo hiểm vẫn chưa cải tiến khiến người dân e ngại, chỉ vài lần chạy vạy thủ tục thì cũng sớm bỏ cuộc", ông Phụng thừa nhận bất cập.
Do đó, vị chuyên gia này cho rằng các thủ tục cần nhanh chóng hơn, để người dân thấy rằng nếu chẳng may đi xe máy va quệt vào người khác, gây tai nạn giao thông cho người khác khiến họ phải vào viện, xe hỏng thì bảo hiểm sẵn sàng chi trả kịp thời, với thủ tục nhanh gọn.
Cũng theo ông này, hiện nay, chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được thực hiện theo Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15/1/2021 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (Nghị định số 03).
"Nghị định này có nhiều sửa đổi theo hướng tích cực hơn, đặc biệt là quy định tạm ứng bồi thường rất nhanh chóng trong trường hợp xe cơ giới đã tham gia bảo hiểm gây tai nạn làm thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người", ông Phụng khẳng định.
Chẳng hạn, Nghị định 03 quy định rất rõ, đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng thì trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.
Vì vậy, "không phải vì thực thi không tốt mà bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, thay vào đó, cần phải rà soát, đơn giản hóa thủ tục để làm sao dịch vụ của công ty bảo hiểm tốt hơn, nhanh chóng hơn để người dân thấy được rõ lợi ích", PGS.TS. Đoàn Minh Phụng nhấn mạnh.
Cũng theo ông, yêu cầu bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là đi ngược với thế giới, cũng không thể vì thực thi không tốt mà bỏ loại bảo hiểm này. Thay vào đó, cần cải tiến quy trình, "gỡ rối" về thủ tục và áp dụng công nghệ số để đẩy nhanh tiến độ giải quyết bồi thường...
Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, trong thời gian qua, việc thực hiện các loại bảo hiểm bắt buộc được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích xã hội nhưng với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy thì không. Bởi tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, khiêm tốn ở mức 6% năm 2019 (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm), thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác.
CẮT GIẢM THỦ TỤC, SỚM TẠM ỨNG BỒI THƯỜNG
Thông tin rõ hơn về nỗ lực cắt giảm thủ tục, tăng cường công tác tạm ứng bồi thường, giải quyết bồi thường bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi về thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, phân tích thêm Nghị định số 03 cắt giảm hồ sơ bồi thường bảo hiểm so với trước đây được quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 11/4/2016 của Bộ Tài chính.
Từ đó, tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Cụ thể, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết đã cắt giảm 2 đầu mục tài liệu so với quy định trước đây, chỉ còn giấy chứng nhận thương tích, hồ sơ bệnh án, trích lục khai tử hoặc giấy báo tử trường hợp nạn nhân chết.
Đồng thời, cắt bỏ 2 đầu mục tài liệu tại khoản 5 và khoản 7 Điều 15 Thông tư số 22/2016/TT-BTC, đó là các tài liệu trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền không có tài liệu về vụ tai nạn và thiệt hại xảy ra ước tính dưới 10 triệu đồng và các tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn (nếu có).
"Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết bồi thường, Nghị định số 03 còn bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng cảnh sát cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến các vụ tai nạn giao thông trong thời hạn 5 ngày làm việc kê từ ngày có kết quả điều tra", lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thông tin.
Đặc biệt, “chỉ thu thập các tài liệu của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đôi với bên thứ ba và hành khách. Trong khi đó, theo quy định cũ trong mọi trường hợp đều phải thu thập các tài liệu này”, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm dẫn chứng.
Nghị định số 03 cũng sửa đổi quy định biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm lập được thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.
“Quy định này ngoài việc cắt giảm hồ sơ, tài liệu, rút ngắn thời gian giải quyết bồi thường còn tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm”, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thông tin.
Cùng đó, tiếp tục nghiên cứu giảm bớt thủ tục bồi thường bảo hiểm đối với xe máy, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, cho biết hiện Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc nhằm đồng bộ với Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 ngày 16/6/2022 có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.
Theo đó, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ một số giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ bồi thường bảo hiểm đối với xe máy như sau.
Đối với tài liệu chứng minh thiệt hại đối với tài sản, dự thảo Nghị định bổ sung quy định bên mua bảo hiểm cung cấp bằng chứng chứng minh việc sửa chữa thay mới tài sản bị thiệt hại trong trường hợp không có hóa đơn, chứng từ.
Cùng với đó, tăng mức hỗ trợ cho các trường hợp thương tật toàn bộ, đề xuất này nhằm đẩy mạnh hơn nữa chi hỗ trợ nhân đạo, tăng cường hiệu quả chính sách.
Theo quy định tại Nghị định số 03, lái xe điều khiển xe cơ giới chỉ cần trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn gây tai nạn sẽ không được bồi thường bảo hiểm.
Cũng theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, trong năm 2022 và đầu năm 2023, Bộ Tài chính có các công văn gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới và các doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu chủ động kiểm tra, rà soát các quy trình nghiệp vụ, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.
Đồng thời, Cục cũng đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, chú trọng công tác tuyên truyền cho các đối tượng yếu thế, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận