24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thành Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhiều cơ hội trên thị trường tín chỉ carbon

Hiện các dự án tín chỉ carbon đang được đầu tư ngày càng nhiều tại Việt Nam. Ghi nhận tình hình thực tế và ý kiến của các chuyên gia trong

Đã có nhiều dự án tín chỉ carbon được triển khai

Để giải quyết vấn đề môi trường phát sinh từ nhà máy đường và tự chủ một phần nguồn điện sản xuất, giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) đã đầu tư dự án đồng phát nhiệt – điện từ bã mía.

Dự án này có công suất 33,5 MW, 50% điện tạo ra được dùng cho nhà máy sản xuất đường của Lasuco, 50% còn lại bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Với việc đầu tư xây dựng nhà máy đồng phát điện này, ước tính hằng năm Lasuco tiết kiệm được khoảng 69.570 MWh, lượng phát thải giảm khoảng 31.706 tấn CO2.

Với dự án này, Lasuco đã được cấp chứng nhận giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2012 với mức giá 7,8 euro (9 đô la Mỹ) cho mỗi tấn CO2 theo cơ chế phát triển sạch (CDM). Như vậy trong vòng 20 năm, từ 2012-2032, mỗi năm Lasuco sẽ có thêm khoảng 10 tỉ đồng từ giao dịch tín chỉ carbon.

Tương tự, Công ty TNHH mía đường Nghệ An (NASU) cũng đã lắp đặt hệ thống lò hơi sản xuất điện từ đốt bã mía phục vụ cho sản xuất. Tại NASU, công suất lò hơi là 175 tấn hơi/giờ, hiệu quả phát điện đạt 10 MW. Trong đó, 50% điện tạo ra được dùng cho nhà máy sản xuất đường của NASU, 50% còn lại bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Từ khi sử dụng bã mía để sản xuất điện, nguồn điện sản xuất của NASU trung bình là 30,7 KWh/tấn mía. Vụ ép mía năm 2020 – 2021, NASU sản xuất được hơn 15 triệu KWh điện, bán cho EVN hơn 5 triệu KWh, tăng doanh thu từ 10 – 12 tỉ đồng/vụ ép. Ngoài ra, doanh nghiệp không mất chi phí thuê nhà thầu xử lý bã mía dư thừa như trước.

Trên đây chỉ là 2 dự án tín chỉ carbon, hiện tại Việt Nam có rất nhiều dự án tương tự đang được triển khai như nhà máy điện gió tỉnh Bạc Liêu với tổng công suất 99,2 MW, ước tính giảm phát thải khoảng 143.761 tấn CO2 mỗi năm; dự án thủy điện Nậm Pia (tỉnh Sơn La) với tổng công suất 15 MW, ước tính giảm phát thải khoảng 30.780 tấn CO2 mỗi năm; dự án xử lý rác thải đô thị Vietstar (phân loại rác thải đô thị, tái chế rác thải từ nhựa, xử lý nhiệt hiếu khí phần hữu cơ) ước tính giảm phát thải khoảng 181.492 tấn CO2 mỗi năm…

Tín chỉ carbon là gì?

Tín chỉ carbon là một đơn vị đo lường sử dụng để giới hạn lượng khí thải carbon mà một doanh nghiệp được thải ra môi trường. Thuật ngữ này được đưa ra nhằm mục tiêu làm giảm lượng khí thải carbon, bảo vệ khí quyển và chống lại quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Tín chỉ carbon hay định mức carbon được coi như một loại giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng khí CO2 nhất định hoặc khí thải nhà kính khác (CH4, NO2). Một tín chỉ carbon sẽ tương đương với một tấn khí CO2 (hoặc khí thải khác) được thải ra môi trường.

Theo thỏa thuận chung tại công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và những thỏa thuận quốc tế khác về khí thải nhà kính thì các quốc gia cần thực hiện việc cắt giảm lượng khí nhà kính thải ra môi trường.

Theo đó, mỗi nhà máy sản xuất đều có một định mức về lượng khí thải nhà kính thải ra môi trường. Nếu cao hơn mức quy định, những đơn vị này sẽ phải mua thêm tín chỉ carbon để không vi phạm quy định chung về bảo vệ môi trường. Ngược lại, nếu lượng phát thải thực tế nhỏ hơn mức giới hạn thì đơn vị đó có thể bán số tín chỉ carbon chưa sử dụng cho các đơn vị khác. Thị trường carbon chính là một hệ thống giao dịch về việc mua bán, trao đổi tín chỉ carbon giữa các công ty, đơn vị, tổ chức hoặc giữa các quốc gia.

Hiện nay có hai loại thị trường carbon. Thị trường carbon tuân thủ được tạo ra từ sự cam kết của các quốc gia trong công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu – bắt buộc các quốc gia thành viên phải thực hiện theo quy định. Thị trường carbon tự nguyện là nơi việc phát hành, mua và bán tín chỉ carbon trên cơ sở tự nguyện giữa các tổ chức, công ty hoặc giữa các quốc gia.

Cung cấp thông tin tại một tọa đàm về thị trường carbon được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thành Công, Phó trưởng phòng Kinh tế và Thông tin biến đổi khí hậu – Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nói: “Giá giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính tại thị trường châu Âu dao động ngưỡng 80-100 euro/tấn, Hoa Kỳ 40 USD/tấn…”

Ông Công cho hay, để kinh doanh trên thị trường carbon, có 2 loại hàng hoá sẽ giao dịch. Đầu tiên là hạn ngạch phát thải khí nhà kính – Chính phủ sẽ phân bổ và doanh nghiệp có quyền phát thải trong hạn ngạch mình sở hữu. Còn phát thải thêm thì phải mua hạn ngạch từ các doanh nghiệp khác. Chính vì vậy, giá hạn ngạch ở thị trường lâu đời như liên minh châu Âu, hay Mỹ rất cao.

Loại thứ 2 là tín chỉ carbon mang tính chất tự nguyện. Theo ông Công, khi doanh nghiệp đầu tư vào những mô hình kinh doanh giảm phát thải như trồng rừng, thì các cơ quan quản lý phê duyệt, thẩm định lượng giảm đó – sẽ tạo ra được tín chỉ carbon. Tín chỉ đó vì mang tính tự nguyện nên giá dao động từ 1 đến 15 đô la Mỹ/tấn, tùy vào loại hình công nghệ và mức đầu tư.

Hiện nay trên thế giới, cả 2 loại hàng hoá trên đều được giao dịch mạnh mẽ. Thị trường carbon thế giới đã có sự tham gia của khoảng 40 quốc gia, khu vực với giá trị giao dịch lên đến hàng trăm tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

Nhiều cơ hội khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có nhiều rừng sẽ có nhiều cơ hội hơn các nước khi tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu bởi ngành lâm nghiệp của Việt Nam đang nắm giữ một lượng tín chỉ carbon khổng lồ.

Cũng tại tọa đàm trên, ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế và cũng là một nhà đầu tư dự án carbon, cho rằng tín chỉ carbon ngày càng khan hiếm vì quốc gia có rừng trên thế giới không nhiều. Châu Âu có nhiều rừng trồng nhưng rừng của họ chỉ có 8 tháng, số tháng còn lại đều lá vàng, hoặc không có lá. Đặc biệt các cây của họ khả năng hấp thụ carbon kém hơn vùng nhiệt đới. Trong khi, vùng Nam Á thì sa mạc nghèo nàn, châu Phi thì rừng thưa.

Thế giới có 2 khu vực lớn là Đông Nam Á và Mỹ la tinh là nhiều rừng. Nhưng rừng Amazon, tốc độ tàn phá rất nhanh. Ngay cả ở Việt Nam, vùng Tây Nguyên rừng nguyên sinh cũng còn lại ít, còn lại là rừng trồng.

Với những phân tích như trên, ông Nghĩa cho rằng thị trường carbon ngày càng phát triển nhưng mức độ khan hiếm ngày càng cao. Việt Nam có 3/4 diện tích là rừng nhưng lâu nay chúng ta chặt phá rừng trồng sẵn. Ông cho biết, cà phê và nhiều loại cây khác, như keo, tràm… cho bình quân thu nhập khoảng 75 triệu đồng/năm. Nhưng cùng một diện tích đó nếu làm phát thải carbon có thể cho sản lượng 150 tấn carbon. Lấy giá bình quân 40 đô la Mỹ mỗi tấn thì có thể thu về 6.000 đô la Mỹ – lợi hơn nhiều.

Ông Nghĩa còn cho biết, Việt Nam có một số khu vực sinh quyển tốt, như Hương Sơn (Hà Tĩnh), có những vùng rừng đạt 160 tấn carbon/năm. Đặc biệt là rừng cây bản địa, không trồng cây ngoại lai, có thêm những yếu tố khác như tạo việc làm, sinh kế cho người dân có thể được mua với giá cao hơn.

Ông Phạm Hồng Lượng, Chánh văn phòng, Tổng cục Lâm nghiệp, tại một tọa đàm gần đây đã cho hay, Việt Nam có tỷ lệ che phủ rừng khá cao so với thế giới – khoảng hơn 42%, trong khi trung bình thế giới khoảng 31%.

Cụ thể hơn, Việt Nam có diện tích rừng rất lớn, khoảng 14,7 triệu héc ta (trong đó rừng tự nhiên hơn 10 triệu, còn lại là rừng trồng). Việc bảo vệ gìn giữ diện tích đó đã đem lại giá trị to lớn trong tương lai vì tín chỉ carbon từ rừng – tổng lượng carbon của ngành lâm nghiệp khoảng 612 triệu tấn, đây là con số rất lớn.

Chính vì tiềm năng đó, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 156 quy định chi tiết về dịch vụ hấp thụ carbon để thúc đẩy thị trường giao dịch, trao đổi mua bán tín chỉ carbon và kết quả giảm phát thải.

Cũng tại một tọa đàm về nội dung này được tổ chức gần đây, ông Vũ Chí Công, Giám đốc, trưởng bộ phận ESG của Vinacapital, cho hay doanh nghiệp cam kết phát thải ròng bằng 0 hoặc giảm thiểu carbon sẵn sàng mua tín chỉ carbon từ những lĩnh vực như trồng rừng hoặc năng lượng tái tạo… Những tín chỉ đó có thể bán ra thị trường quốc tế.

Ông Vũ Chí Công cho biết, thị trường ở các nước hiện nay khá độc lập, chỉ có những bên đồng ý với nhau mới có thể trao đổi và giao dịch tín chỉ carbon với nhau. Song những ký kết giữa hai bên hoặc nhiều bên dần dần sẽ phát triển, mở ra tiềm năng rất lớn cho những dự án hoặc các dòng đầu tư về tín chỉ carbon trong thời gian tới.

Vẫn theo ông Vũ Chí Công, Việt Nam đang trong quá trình hình thành thị trường tín chỉ carbon bắt buộc. Các dự án về tín chỉ carbon hiện nay đa phần để bán trên thị trường tự nguyện. Quy mô của thị trường tự nguyện trên toàn cầu hiện khoảng 2 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021 và giá trong những năm gần đây tăng rất cao.

“Tại Việt Nam hiện có 2 dự án bán tín chỉ ra quốc tế là dự án ở bắc Trung bộ giá khoảng 6 đô la Mỹ/tín chỉ và dự án ở Quảng Nam là 10 đô la Mỹ/tín chỉ. Tuy nhiên, mức giá của dự án còn phụ thuộc vào các lợi ích cho cộng đồng như là cho người bản địa, cho người nghèo, phụ nữ, người khuyết tật… sẽ bán được giá cao hơn bởi những doanh nghiệp tự nguyện mua cũng mong muốn mang lại lợi ích cho xã hội,” ông Vũ Chí Công nói.

Chia sẻ tại diễn đàn về thị trường carbon được tổ chức vào tháng 6 vừa qua, ông Phạm Cương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu, cho hay hiện tại thị trường trao đổi tín chỉ carbon của Việt Nam đang khá sôi động liên quan đến mua bán, bù trừ, đầu tư dự án sinh ra tín chỉ carbon.

Chia sẻ tại diễn đàn về thị trường carbon được tổ chức vào tháng 6 vừa qua, ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết, hiện tại Việt Nam đã có dự án bán được tín chỉ carbon ra quốc tế. Dự án thuộc Thỏa thuận thanh toán giảm thiểu phát thải (ERPA) với Quỹ Đối tác carbon rừng thuộc Ngân hàng Thế giới ký vào tháng 10-2020.

Theo thỏa thuận này, Việt Nam sẽ giảm 10,3 triệu tấn khí thải carbon từ sáu tỉnh Bắc Trung bộ cho đến năm 2025 để nhận 51,5 triệu đô la Mỹ – tức mỗi tín chỉ carbon sẽ là 1 tấn khí thải và trị giá 5 đô la Mỹ.

“Hiện các yêu cầu kỹ thuật và báo cáo lần 1 đã hoàn thành và chỉ chờ thủ tục thanh toán từ Ngân hàng thế giới đối với quỹ bảo vệ phát triển rừng Việt Nam. Sau khi được giải ngân số tiền này sẽ được chia cho các hộ nông dân hoặc chủ sở hữu trồng và bảo vệ rừng”, ông Phương nói.

Để thúc đẩy thị trường này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06 (2022) về giảm phát thải, bảo vệ tầng ozon. Nghị định đã quy định từ năm 2025, sẽ thí điểm thị trường carbon và đến năm 2028 thì chính thức vận hành.

Nghị định 06 quy định, doanh nghiệp muốn mua bán tín chỉ thì phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, việc mua bán hiện nay cũng chưa có quyết định cụ thể, dự kiến cuối năm nay sẽ có những quy định này. Bộ cũng đang nghiên cứu mô hình sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam sao cho phù hợp nhất.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả