Nhiều “cá mập” bất động sản đổ về Hải Phòng tìm cơ hội đầu tư
Trong năm 2023, không ít nhà đầu tư bất động sản dạng “cá mập” từ các tỉnh thành khác tìm về TP.Hải Phòng săn đón cơ hội mở rộng quỹ đất.
Theo tạp chí Mekong Asean, năm 2023, có tổng cộng 37 địa phương trên toàn quốc tiến hành kêu gọi tìm nhà đầu tư cho 183 dự án bất động sản với tổng vốn đầu tư hơn 543.000 tỷ đồng, tổng diện tích 8.273 ha.
Xét về tổng mức vốn đầu tư, Long An đứng đầu cả nước với 150.863 tỷ đồng, trong đó có dự án Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây trị giá hơn 90.000 tỷ đồng. Khánh Hòa đứng thứ 2 cả nước dù chỉ có duy nhất một dự án là Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh với diện tích 1.254 ha, tổng vốn 86.291 tỷ đồng. Về số lượng, với 23 dự án có tổng mức đầu tư hơn 39.400 tỷ đồng, Hà Nam đứng đầu tính theo tiêu chí này.
Tuy không đứng đầu ở 2 hạng mục kể trên, Hải Phòng vẫn là một trong những địa phương đáng chú ý khi kêu gọi đầu tư cho 10 dự án lớn nhỏ với tổng mức đầu tư 45.000 tỷ đồng, đứng thứ 3 chỉ sau Khánh Hòa và Long An.
Các dự án có tổng diện tích 365 ha, trong đó có nhiều dự án đáng chú ý như Khu đô thị mới tại khu vực quận Dương Kính và huyện Kiến Thụy diện tích 241 ha; Khu đô thị mới Hoàng Xá, thị trấn An Lão, huyện An Lão diện tích gần 35 ha; dự án xây dựng nhà ở xã hội tại phường Tràng Cát, quận Hải An thuộc Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải diện tích 28 ha.
Ngoại trừ dự án chung cư kết hợp trung tâm thương mại dịch vụ ở quận Lê Chân vừa được kêu gọi đầu tư và chưa mở hồ sơ đăng ký, tất cả 9 dự án còn lại đã thu hút nhà đầu tư quan tâm gửi hồ sơ.
Đáng chú ý hơn cả là CTCP Vinhomes khi đăng ký 2 dự án là Khu đô thị mới ở quận Dương Kính, huyện Kiến Thụy với tổng mức đầu tư 23.218 tỷ đồng và dự án nhà ở xã hội tại phường Tràng Cát, quận Hải An với tổng mức đầu tư 6.048 tỷ đồng. UBND TP.Hải Phòng đã có quyết định chấp thuận Vinhomes là chủ đầu tư dự án Dương Kính, Kiến Thụy, trong khi đánh giá công ty này đáp ứng đủ tiêu chuẩn thực hiện dự án còn lại.
TNG Holdings cũng là một “cá mập” khác ở TP.Hải Phòng, khi các thành viên là CTCP Phát triển An Phúc và CTCP Bất động sản Mỹ đã liên danh, đăng ký và được đánh giá đủ năng lực thực hiện dự án xây dựng Khu đô thị mới Hoàng Xá, thị trấn An Lão với tổng diện tích 35 ha, tổng mức đầu tư 3.438 tỷ đồng.
Thành viên của Tập đoàn Him Lam – CTCP Đầu tư Hồng Bàng đăng ký và được đánh giá đủ điều kiện thực hiện dự án khu nhà ở thương mại tại thôn Phạm Dùng, xã An Hồng, huyện An Dương.
Ở dự án khu nhà ở xã hội tại khu đô thị Cầu Rào 2, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân rộng hơn 7ha với tổng mức đầu tư gần 1.940 tỷ đồng, có 2 nhà đầu tư gửi hồ sơ là liên danh CTCP TTD Holdings và CTCP Hưng Thịnh Incons và liên danh CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN) và CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh BĐS HTL Việt Nam (HTL).
Trong đó, Hưng Thịnh Incons là thành viên của Hưng Thịnh Group, SHN và HTL là các thành viên của Tập đoàn Geleximco.
Vào tháng 12/2023, TP Hải Phòng cũng tiến hành đấu giá dự án khu đô thị mới dọc đường Đỗ Mười kéo dài thuộc khu vực quy hoạch khu đô thị mới Bắc sông Cấm rộng 49,3ha, và dự án Khu đô thị mới xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên rộng 26 ha.
CTCP Tập đoàn Bất động sản CRV - công ty con của Tập đoàn Hoàng Huy là nhà đầu tư trúng giá dự án dọc đường Đỗ Mười với số tiền hơn 4.800 tỷ đồng, trong khi thành viên Tập đoàn Doji – CTCP Phát triển BĐS Dragon trúng dự án còn lại với số tiền hơn 1.205 tỷ đồng.
Theo báo Lao động, tại một hội thảo bứt phá thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - khẳng định, thị trường bất động sản Hải Phòng đang bắt đầu sáng lên, được nhiều nhà đầu tư chú ý, tìm đến.
Ông Đính nói, trước đây thị trường bất động sản tại Hải Phòng không hấp dẫn các nhà đầu tư, bởi nguồn cung không có nhiều, hàng hóa chưa đa dạng, tăng trưởng kinh tế không như mục tiêu đặt ra. Thế nhưng, vài ba năm trở lại đây, thị trường bất động sản Hải Phòng đã có sự thay đổi, nhiều nhà đầu tư về thành phố này tìm cơ hội.
Xem thêm: Tin vui cho khách hàng vay tiền mua nhà: Nhiều ngân hàng hạ lãi suất đầu năm
Để tạo ra được những đột biến trên, ông Đính cho rằng nguyên nhân do sẵn có nhiều năng lực, tiềm lực nhưng ở dạng ẩn, trước đây chưa được kích hoạt. Hiện nay, các mục tiêu quy hoạch, chiến lược đã thay đổi theo Nghị quyết 45.
Đặc biệt, Hải Phòng cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, cải cách hành chính nên được các nhà đầu tư quan tâm, chú ý.
Ngoài ra, thời gian qua Hải Phòng cũng đã thay đổi nhanh, nhất là về hạ tầng. Với sự đầu tư đồng bộ các tuyến đường, cầu cảng, bến bãi, kết nối giao thông được hoàn thiện đã tạo ra không gian Hải Phòng gần hơn các vùng kinh tế khác.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã có nhiều giải pháp phát triển, tăng trưởng công nghiệp, du lịch hàng năm tăng cao. Hai hoạt động này tăng trưởng mạnh đã tạo thêm nhiều việc làm, thu hút lao động nên nhà đầu tư bất động sản quan tâm hơn.
Cùng với đó, các hoạt động đầu tư đô thị, dự án nhà ở được đẩy mạnh, nhất là các dự án nhà ở xã hội, từ đó thúc đẩy các hoạt động khác.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển cần có chính sách thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, thủ tục đầu tư cho dự án để hỗ trợ doanh nghiệp.
Đặc biệt, thành phố cần minh bạch thông tin về quy hoạch, kế hoạch cũng như chính sách phát triển, đầu tư hạ tầng của thành phố. Ngoài ra, cũng cần kiểm soát giá bất động sản, đất đai, tránh tạo cơn sốt, tránh tạo bong bóng để phát triển bền vững.
Trong khi đó, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy Ban kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, trước đây, có ý kiến nói so với TP.Hà Nội, TP.HCM, bất động sản cao cấp của Hải Phòng không bằng, nhưng với quy hoạch, tầm nhìn sắp tới, Hải Phòng sẽ không thua kém hai thành phố này trong thời gian tới.
Để làm được điều này, theo ông Lộc, vấn đề hạ tầng cơ sở giao thông, văn hoá, y tế, hạ tầng kinh tế xã hội rất quan trọng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận