Nhập siêu tăng, dấu hiệu sụt giảm sản xuất?
Nhập siêu tăng nhanh có thể là dấu hiệu của nhập khẩu tư liệu sản xuất tăng cao và hoạt động sản xuất được đẩy mạnh. Nhưng ở thời điểm hiện nay, câu chuyện có thể theo hướng ngược lại.
Nhập siêu tăng cao, do đâu?
Nhập siêu tăng khá mạnh trong tháng 7/2021. Con số được Tổng cục Thống kê ước tính là 1,7 tỷ USD. Do đó, tính chung 7 tháng đầu năm nay, nền kinh tế đã nhập siêu 2,7 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,8 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,1 tỷ USD.
Con số trên trái ngược với mức xuất siêu 8,69 tỷ USD của 7 tháng đầu năm ngoái. Câu hỏi, như thường lệ lại được đặt ra, là nhập siêu như vậy có đáng lo không? Một lần nữa, câu trả lời là “không”, nếu nhìn vào cơ cấu hàng nhập khẩu.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong cơ cấu hàng nhập khẩu 7 tháng năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 176,36 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,8% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).
Trong đó, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 84,35 tỷ USD, tăng 30% và chiếm 44,9% (giảm 1,8 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 92,01 tỷ USD, tăng 41,5% và chiếm 48,9% (tăng 2,1 điểm phần trăm). Ngược lại, nhóm hàng tiêu dùng ước đạt 11,67 tỷ USD, tăng 28,5% và chiếm 6,2% (giảm 0,3 điểm phần trăm).
Như vậy, cơ cấu hàng nhập khẩu là rất ổn. Ở một nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu đầu vào như Việt Nam, trong trạng thái bình thường, khi nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, thì đó là dấu hiệu cho thấy, sản xuất đang có dấu hiệu tăng tốc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, câu trả lời lại khác. Thực tế, nhập siêu đã bắt đầu từ tháng 4. Nhưng do trước đó, xuất khẩu tăng trưởng tốt, nên cán cân thương mại không quá chênh lệch. Chênh lệch lớn chỉ xuất hiện trong tháng 7 và tính chung 7 tháng.
Nếu chỉ nhìn vào các con số, thì rõ ràng, việc nhập siêu lớn là do nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu. 7 tháng, xuất khẩu ước đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5%, trong khi nhập khẩu đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3%.
Nhưng vấn đề lớn hơn nằm ở tháng 7/2021. Trong tháng này, cả nước ước xuất khẩu 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ước nhập khẩu là 28,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với tháng trước và tăng tới 29,9% so với cùng kỳ năm trước. Đã có sự khác biệt rất lớn về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu trong tháng 7.
“Đó là do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, hàng vẫn phải nhập về theo đơn hàng đã ký từ trước, nhưng lại không thể đưa vào sản xuất, nên không có hàng để xuất, dẫn tới xuất khẩu giảm”, một chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phóng viên Báo Đầu tư biết.
Xuất khẩu giảm trong khi nhập khẩu vẫn tăng nhanh là lý do chính khiến cán cân thương mại tháng 7/2021 thâm hụt 1,7 tỷ USD, đưa nhập siêu của cả nước trong 7 tháng lên 2,7 tỷ USD.
Dấu hiệu sụt giảm sản xuất
Như vậy, nhập siêu cao trong bối cảnh này lại là một dấu hiệu cho thấy sự sụt giảm của sản xuất. Các con số mà Tổng cục Thống kê công bố đã cho thấy điều này.
Tháng 7/2021, chỉ số sản xuất của một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội đã giảm mạnh. Chẳng hạn, TP.HCM giảm 19,4%, Long An giảm 14,6%, Cà Mau giảm 13,7%, Đồng Tháp giảm 5,7%... Sự sụt giảm này đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp nói chung và xuất khẩu chung của cả nước.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 7, do IHS Markit vừa công bố cũng đã ghi nhận sự sụt giảm, dù thực tế, chỉ số này đã tăng từ 44,1 điểm của tháng 6 lên 45,1 điểm trong tháng 7. Tháng 6 là tháng mà PMI đã giảm mạnh, xuống còn 44,1 điểm, mức nghiêm trọng nhất trong hơn một năm qua.
Theo IHS Markit, Covid-19 đã khiến một số công ty buộc phải đóng cửa tạm thời, trong khi các công ty khác phải hoạt động cầm chừng do các biện pháp giãn cách xã hội. Những ảnh hưởng này, cùng với sự sụt giảm đáng kể số lượng đơn đặt hàng mới, đã làm giảm mạnh sản lượng ngành sản xuất vào đầu quý III/2021.
“Các quy định giãn cách cũng hạn chế số nhân viên được có mặt tại nơi làm việc, từ đó tiếp tục ảnh hưởng đến các dây chuyền sản xuất. Ngoài vấn đề giảm số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng, các công ty cũng đang phải đối mặt với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng”, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit nhấn mạnh.
Thực tế, các quy định về giãn cách xã hội đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc nhập khẩu và đưa nguyên liệu về nhà máy sản xuất. Tình trạng ùn ứ hàng hóa ở các cảng đã bắt đầu xuất hiện.
Đó cũng chính là lý do khiến Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vừa phải thông báo rằng, tại Tân Cảng Cát Lái nên tạm ngưng tiếp nhận hàng nhập của những doanh nghiệp đang ngừng sản xuất, đồng thời khuyến khích các chuyến tàu vào cảng chỉ nhận hàng xuất. Thông tin cho biết, cảng Cát Lái đang tồn 106.717 TEU, chiếm 86% dung lượng bãi.
Hàng nhập về còn tồn ngoài cảng, khó có thể kỳ vọng sản xuất tăng nhanh để xuất khẩu. Hơn thế, trong bối cảnh hiện nay, cũng khó có thể duy trì hoạt động sản xuất như bình thường. Bởi thế, nhiều khả năng trong thời gian tới, tình hình xuất khẩu vẫn sẽ bị ảnh hưởng, qua đó, tác động tiêu cực tới cán cân thương mại của Việt Nam.
Theo nhận định của Bộ Công thương, hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới phụ thuộc khá lớn vào tình hình dịch bệnh Covid-19. Không phải chỉ là dịch bệnh ở Việt Nam, mà còn cả các nước trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận