menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vy Lam

Nhập siêu lớn sau 31 năm xuất khẩu, ngành điều có cần tăng diện tích để tự chủ nguyên liệu?

Mặc dù là nước đang đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân, nhưng cùng với đó Việt Nam chủ yếu nhập điều thô để chế biến với kim ngạch tương đối lớn. Đặc biệt trong 6 tháng qua Việt Nam lần đầu tiên nhập siêu điều thô

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu điều nhân trong tháng 6 đạt 58.746 tấn, trị giá 369,502 USD, tăng 11,1% về lượng và tăng 13,9% về trị giá so với tháng 6 năm 2020. Cộng dồn 6 tháng đầu năm xuất khẩu điều đạt 273.537 tấn, trị giá 1,647 tỷ USD, tăng 21,8% về lượng và 10,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu điều thô trong tháng 6 đạt 300.524 tấn, trị giá 405,346 USD, tăng 10,6% về lượng và tăng 4,9% về giá trị so với tháng 6/2020. Cộng dồn 6 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu 1.710.517 tấn điều thô, trị giá 2,609 tỷ USD, tăng 168% về lượng và tăng 227,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 1990, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu nhân điều và sau 31 năm xuất khẩu nhân điều thì năm nay lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận nhập siêu.

Campuchia - thị trường chủ yếu cung cấp điều thô cho Việt Nam, chiếm 59,20% tổng lượng và chiếm 65,09% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, đạt 1.012.688 tấn, tương đương 1,698 tỷ USD, giá nhập khẩu trung bình 1.675 USD/tấn. Tăng 5,22 lần về lượng và tăng 6,87 lần về giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trước việc tăng đột biến về lượng và giá trị điều thô nhập khẩu từ Campuchia, BizLIVE đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), Tổng giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1, xoay quanh những vấn đề đang có nhiều ý kiến khác nhau khi nhìn nhận về hiện tượng nhập siêu điều 6 tháng qua.

Trong 6 tháng đầu năm nay, có sự tăng đột biến đối với lượng điều thô và kim ngạch nhập khẩu, ngay cả giá nhập khẩu cũng tăng mạnh, theo ông nguyên nhân đến từ đâu?

Số liệu nhập khẩu điều từ các nước thì không có gì đáng nói, tuy nhiên số liệu nhập khẩu điều thô từ Campuchia về Việt Nam theo thống kê của Tổng cục Hải quan thì rất khác so với các năm trước.

Đối với các doanh nghiệp như chúng tôi, đó là số liệu của Tổng cục Hải quan đưa ra nên chúng tôi cũng chỉ biết như vậy thôi. Còn với Nhà nước, nếu thấy có gì khác lạ thì sẽ điều tra nếu thấy cần.

Trước đây, chúng tôi nhập khẩu điều thô từ Campuchia về có giá trung bình từ 1.200 - 1.250 USD/tấn, và trong suốt các tháng 2, tháng 3 và tháng 4, giá nhập khẩu trung bình khoảng 1.150 USD/tấn, nhưng bây giờ giá nhập khẩu điều thô đang ở mức trên 1.600 USD/tấn, thậm chí có đơn vị khai nhập khẩu giá 1.900 USD/tấn. Theo tôi mức giá 1.900 USD/tấn chỉ có ở giá điều nhân chứ điều thô thì rất khó.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điều nhân hàng đầu thế giới mà cũng là nước nhập khẩu điều thô lớn nhất thế giới. Vậy VINACAS có giải pháp nào giúp tăng diện tích trồng điều để giảm nhập khẩu điều thô từ nước ngoài?

Thực chất, VINACAS chỉ là tổ chức hiệp hội ngành nghề và cũng chỉ là cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ, cung cấp thông tin và xúc tiến thương mại cho ngành hàng, VINACAS không có quyền hay chức năng gì để làm được việc này, kể cả Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn còn chưa thể làm gì được.

Chúng ta không còn ở cái thời “trồng cây gì, nuôi con gì” cũng theo chỉ đạo từ trên xuống, như thời HTX của Nhà nước ngày xưa, khi Nhà nước muốn tăng diện tích trồng điều là chỉ cần ra lệnh cho HTX sẽ tăng được ngay. Bây giờ là thời kinh tế thị trường và chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh về cung cầu.

Nếu người dân muốn có thêm thu nhập từ cây điều họ phải biết chọn giống tốt, chăm sóc tốt để đạt năng suất cao, chất lượng tốt khi đó sẽ bán được với giá cao.

Để khuyến khích người nông dân tăng diện tích trồng điều, có ý kiến cho rằng doanh nghiệp cần nâng giá thu mua điều thô lên, ông nghĩ sao về ý kiến này?

Tôi cho rằng trong thời kinh tế thị trường chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi, phải sòng phẳng với thế giới, muốn ngành điều của Việt Nam hơn người ta thì người nông dân phải sản xuất như thế nào để đạt được năng suất, chất lượng tốt, chứ không thể yêu cầu doanh nghiệp mua giá cao hơn trong khi chất lượng không tương xứng, vì mua giá cao hơn thị trường sẽ bị lỗ và không có doanh nghiệp nào chịu làm như vậy.

Đâu có ai muốn kinh doanh lỗ, cho nên câu chuyện nâng giá mua cho nông dân là rất cảm tính, rất phi thị trường và là tư duy còn xót lại của thời bao cấp.

Việt Nam là nước xuất khẩu nhân điều số 1 thế giới nhưng phải chấp nhận sự thật là phải nhập khẩu điều thô về để chế biến và xuất khẩu nhân điều thành phẩm, miễn sao tạo ra giá trị thặng dư cho đất nước là được.

"Đâu có ai muốn kinh doanh lỗ, cho nên câu chuyện nâng giá mua cho nông dân là rất cảm tính, rất phi thị trường và là tư duy còn xót lại của thời bao cấp".

Ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch VINACAS, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1

Tại sao chúng ta cứ phải phân biệt câu chuyện nhập khẩu nguyên liệu và sản xuất trong nước? Hãy nhìn Trung Quốc xem, họ là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới nhưng họ cũng là nước nhập khẩu nguyên liệu lớn nhất thế giới như dầu thô và nhiều nguyên phụ liệu khác như sắt thép, các loại nông sản khác…

Do vậy, dù nhập khẩu sản xuất trong nước chế biến, miễn sao tạo chúng ta tạo ra được giá trị gia tăng nhiều, đưa thặng dư kinh tế lên, giúp tăng trưởng kinh tế đất nước tốt hơn, đó mới chính là mục tiêu cần hướng tới.

Thời gian qua, giá xuất khẩu điều nhân sụt giảm nhiều do doanh nghiệp hạ giá bán và quay về mua điều thô của nông dân thấp? Ông nghĩ sao sao về ý kiến này?

Theo tôi vấn đề này chẳng có gì là sai cả, bởi vì sản phẩm hàng hóa của chúng ta mang tính toàn cầu, khắp thế giới nơi nào cũng có. Ví dụ Ấn Độ mua điều của châu Phi 10 USD/kg, họ bán ra 12 USD/kg, nếu Việt Nam bán 14 USD/kg thì ai mua?

Trong trường hợp hạt điều là tự cung tự cấp và chỉ tiêu thụ trong nước rất tốt, doanh nghiệp sẽ mua cho bà con nông dân với giá này và ấn định thị trường phải bán ra với mức giá như thế này.

Hiện nay, Việt Nam có đến hàng ngàn doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều nên mức độ cạnh tranh giá từ mua đến bán đều rất gay gắt. Mua thì phải cao mới có được hàng và khi bán thì phải bán giá cạnh tranh khách hàng mới chịu mua. Ngoài việc cạnh tranh trong nước, doanh nghiệp còn cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ và các nước châu Phi.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại