Nhập đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ vào dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Sẽ dùng vốn chủ sở hữu
Yêu cầu cấp bách là cần kết nối đồng bộ toàn tuyến cao tốc từ TP.HCM - Cần Thơ càng sớm càng tốt để xóa nghẽn tắc giao thông, tăng nguồn lực cho phát triển để giảm bớt khó khăn cho 21 triệu đồng bào miền Tây.
Ông Lưu Xuân Thủy, phó chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả, cho biết đề xuất nhập đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ (dài 23km) vào dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (đang thi công) là do đoạn này Bộ Giao thông vận tải triển khai 3 năm nay đã chậm tiến độ, chưa xác định được thời điểm hoàn thành, trong khi đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ thông tuyến vào cuối năm nay.
Yêu cầu cấp bách là cần kết nối đồng bộ toàn tuyến cao tốc từ TP.HCM - Cần Thơ càng sớm càng tốt để xóa nghẽn tắc giao thông, tăng nguồn lực cho phát triển để giảm bớt khó khăn cho 21 triệu đồng bào miền Tây.
Về nguồn vốn thực hiện (đề xuất ngân sách 2.400 tỉ đồng), còn lại 2.400 tỉ đồng nhà đầu tư sẽ dùng nguồn vốn chủ sở hữu, không huy động từ ngân hàng.
Việc huy động này được ông Thủy cho là trong khả năng, bởi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vốn chủ sở hữu 3.400 tỉ đồng nhưng nhà đầu tư đã huy động đủ và đã giải ngân cho dự án khoảng 2.500 tỉ đồng.
Cũng theo ông Thủy, trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất nhập đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ vào Trung Lương - Mỹ Thuận, Tập đoàn Đèo Cả cho biết việc thu xếp tín dụng có thể kéo dài, không thực hiện được do phải hợp vốn các ngân hàng, giới hạn tín dụng dẫn đến khó điều chỉnh gia tăng khoản vay tín dụng cho đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Vì vậy, cần cơ cấu ngân sách nhà nước tham gia 2.400 tỉ đồng, phần còn lại do doanh nghiệp huy động, việc "phát huy nội lực" sẽ đảm bảo thực hiện, hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Ông Thủy cũng nêu một số kiến nghị như: Bộ Giao thông vận tải thống nhất với UBND tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp xác định mốc thời gian hoàn thành giải phóng mặt bằng trong phạm vi tỉnh mình để đảm bảo mặt bằng thi công cho nhà đầu tư; giao UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất với Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành các thủ tục pháp lý điều chỉnh, bổ sung đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vào dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với cơ cấu vốn ngân sách 2.400 tỉ đồng, còn lại nhà đầu tư huy động.
"Nếu được giao, chúng tôi cam kết tập trung các nguồn lực để thông toàn tuyến cao tốc TP.HCM đến Cần Thơ trong năm 2021", ông Thủy nói.
Không để cầu Mỹ Thuận thành điểm nghẽn
Khi tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương được vươn dài đến hết tỉnh Tiền Giang bởi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (dự kiến thông tuyến vào năm 2020), nhiều người lo lắng sẽ xuất hiện thêm một điểm nghẽn mới trên trục đường về miền Tây, đó là cầu Mỹ Thuận hiện hữu - nối giữa tỉnh Tiền Giang và tỉnh Vĩnh Long.
Là một tài xế lái xe tải lâu năm, anh Nguyễn Minh Hương (tỉnh Tiền Giang) cho rằng hiện nay các điểm kẹt xe trên trục đường về miền Tây chủ yếu xuất hiện tại những cây cầu hẹp trên quốc lộ 1.
"Tuy nhiên, những cầu hẹp này đang được mở rộng, bên cạnh đó đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đang dần hoàn thành. Khi lượng xe từ hai tuyến quốc lộ 1 và cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận nhập vào một để đi qua cầu Mỹ Thuận về hướng Vĩnh Long thì cầu Mỹ Thuận chắc chắn sẽ bị quá tải giống như cầu Rạch Miễu hiện hữu", tài xế Hương nói.
Theo Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, hiện dự án hoàn thành thi công cắm bấc thấm để xử lý nền đất yếu trên tuyến chính và đang trong giai đoạn đắp gia tải, triển khai thi công cầu. Qua 11 tháng kể từ khi Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành, dự án đã thi công đạt hơn 35% khối lượng, tăng gấp 3 lần so với khối lượng 10 năm trước.
(MẬU TRƯỜNG)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận