Nhận tin vui từ Fed, Nikkei 225 vọt 420.75 điểm, chứng khoán châu Á đồng loạt tăng mạnh
Chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương leo dốc mạnh trong ngày thứ Sáu (19/07) khi những nhận định từ một quan chức quan trọng của Fed thúc đẩy kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất nhiều hơn dự báo.
Khép lại phiên ngày thứ Sáu (19/07), trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 vọt 420.75 điểm (tương đương 2%) lên 21,466.99 điểm khi cổ phiếu của nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Tokyo Electron vọt 3.48%. Chỉ số Topix cũng tiến 1.94% lên 1,563.96 điểm.
Bên cạnh đó, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 0.79% lên 2,924.2 điểm và Shenzhen composite tiến 0.751% lên 1,560.27 điểm, còn Shenzhen Component cộng 0.81% lên 9,228.55 điểm. Ở Hồng Kông, chỉ số Hang Seng cộng 1.07% lên 28,765.4 điểm.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 27.81 điểm (tương đương 1.35%) lên 2,094.36 điểm khi cổ phiếu của ông lớn Samsung Electronics tiến 1.52%.
Chỉ số ASX 200 của Australia tiến 0.77% lên 6,700.30 điểm khi cổ phiếu của các công ty khai thác vàng Newcrest Mining, Evolution Mining và Alacer Gold tăng ít nhất 2.5%. Tuy nhiên, cổ phiếu Kingsgate Consolidated lùi 2%.
Cổ phiếu National Australia Bank cũng vọt 2.19% sau khi Ngân hàng này thông báo tuyển dụng Ross McEwan vào vị trí CEO. Ông Ross McEwan có công xoay chuyển tình thế tại Royal Bank of Scotland. Việc bổ nhiệm ông McEwan diễn ra khi Ngân hàng này cố gắng có được niềm tin từ khách hàng.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 0.93%.
Thành viên quan trọng của Fed phát tín hiệu hạ lãi suất
Trong ngày thứ Năm (18/07), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực New York, John Williams, nhận định các ngân hàng trung ương cần phải hành động nhanh chóng khi nền kinh tế đang giảm tốc.
Thành viên có sức ảnh hưởng trong Fed đã thực hiện một bài phát biểu để bàn luận về những gì cần phải làm khi các ngân hàng trung ương đang gần mức giới hạn dưới của lãi suất.
“Tốt hơn là hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa hơn là chờ đợi thảm họa xảy ra rồi mới đưa ra biện pháp”, ông cho biết tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Ngân hàng Trung ương (CBRA).
Thay vì cứ tiếp tục nâng lãi suất để sau này các ngân hàng trung ương có cơ hội để hạ lãi suất khi đối mặt với khủng hoảng, ông Williams cho biết động thái hợp lý ở đây là không “giữ đạn dược của bạn bị khô”.
“Khi ngân hàng trung ương còn cách xa mức giới hạn dưới của lãi suất, họ có thể được phép hành động chậm rãi và chấp nhận phương pháp tiếp cận ‘đợi chờ và quan sát’ để nhìn nhận rõ ràng hơn về những diễn biến kinh tế bất lợi tiềm ẩn. Thế nhưng, đó không phải là điều phải làm khi lãi suất đang gần chạm ngưỡng giới hạn dưới”, ông nói trong những nhận định đã chuẩn bị. “Trong trường hợp đó, bạn sẽ làm điều ngược lại và tiêm phòng trước khi bệnh thêm. Khi bạn có quá nhiều chương trình kích thích có thể sử dụng được, cần phải hành động nhanh chóng để giảm lãi suất khi xuất hiện tín hiệu đầu tiên của căng thẳng kinh tế”.
Ông Williams phát biểu khi FOMC – cơ quan hoạch định chính sách của Fed – được dự báo hạ lãi suất tại cuộc họp ngày 30-31/07/2019. Các quan chức lo ngại về tình hình lạm phát thấp kéo dài, tác động lan truyền từ đà giảm tốc toàn cầu và tác động từ cuộc chiến thuế quan “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Trung Quốc.
Fed hiện đang neo lãi suất quỹ liên bang (Fed Fund Rate) trong phạm vi 2.25%-2.5%, đúng là trên mức 0% nhưng vẫn còn thấp hơn quá nhiều so với mức bình thường trong những đợt tăng trưởng kinh tế trước đây.
Ông Williams không trực tiếp trả lời về việc có ủng hộ hạ lãi suất hay không, nhưng thị trường đang tin chắc Fed sẽ hạ lãi suất bớt 25 điểm cơ bản. Thậm chí, có 38% xác suất Fed có thể hạ lãi suất bớt 50 điểm cơ bản, theo CME Group.
Tuy nhiên, ông cho rằng khi đối mặt với lãi suất thấp và đà giảm tốc kinh tế, chiến lược tốt nhất là “nhanh chóng hành động” và “giữ lãi suất thấp trong khoảng thời gian dài hơn”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận